Phóng to |
Cuộc sống người dân vạn đò khi lên bờ đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong ảnh là nơi ở tạm của một người dân tại khu tái định cư Phú Mậu - Ảnh: Tiến Long |
969 hộ vạn đò với 5.690 nhân khẩu đã được đưa lên bờ tái định cư (TĐC) tại các căn hộ chung cư, nhà liên kế... nhưng phần lớn vẫn phải kiếm sống bằng đủ nghề tạm bợ như hồi còn ở dưới đò.
Định cư nhưng chưa an cư
Những hộ dân này từ bao đời nay đều kiếm sống bằng nghề đánh cá, đạp xích lô, đúc bờ lô hoặc làm thuê... Khi lên bờ, phần lớn người dân mưu sinh bằng nghề phụ nề hoặc ai thuê đâu làm đó. Trong số ba khu TĐC Hương Sơ, Phú Hậu của TP Huế và Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), chỉ người dân ở khu TĐC Phú Mậu là giữ được nghề đánh cá, bởi khu TĐC nằm cạnh sông Hương.
Ông Võ Văn Kèn, trưởng thôn Lại Tân (xã Phú Mậu), cho biết khi lên bờ ngoài một số thanh niên đi làm công nhân may ở TP.HCM, còn lại người dân trong khu vực này vẫn theo nghề cũ. Ở hai khu TĐC còn lại, do vị trí cách xa sông nên người dân không thể sống bằng nghề đánh cá, đành gác thuyền đi làm thuê. Ông Nguyễn Tuất, một người dân vạn đò sống tại tổ 15 khu vực 5, khu TĐC Phú Hậu, cho biết hiện dân vạn đò vẫn phải kiếm sống bằng đủ nghề như hồi ở dưới đò, những lúc trời mưa gió không ai thuê đành phải ngồi nhà chơi.
Đáng nói là với cùng một khoản thu nhập, thậm chí ít hơn, nhưng lên bờ người dân phải trang trải nhiều khoản chi phí hơn nên gánh nặng mưu sinh cứ đè nặng lên họ. “Lên bờ có nhà cửa, đỡ lo sóng gió nhưng lại phải lo trả nhiều khoản tiền điện, tiền nước, tiền nhà... Trong khi cả ngày làm thuê chỉ được 50.000-60.000 đồng, không biết mai mốt sẽ ra răng đây?” - bà Nguyễn Thị Chiên, khu TĐC Phú Hậu, than thở.
Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội Thừa Thiên - Huế, trong tổng số gần 1.000 hộ dân vạn đò lên bờ định cư, có đến 408 hộ nghèo, 117 hộ cận nghèo. Và con số đó đang tăng lên từng ngày. Cũng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên tỉ lệ trẻ em vạn đò không được đến trường hoặc bỏ học giữa chừng rất cao.
Ông Lê Kim Nam, phó chủ tịch UBND phường Hương Sơ, cho biết hiện chỉ khoảng 15% trẻ em khu TĐC Hương Sơ được đi học đúng độ tuổi, phần đông còn lại đã bỏ học.
Khó giải quyết việc làm
Từ năm 2008, UBND TP Huế đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho dân vạn đò, nhưng kết quả đạt không đáng kể. Trong hai năm 2010 và 2011, Trường trung cấp nghề Huế có đào tạo nghề cho 245 học viên con em vạn đò. Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Dũng, hiệu trưởng trường, cho biết trừ nghề nuôi cá lồng, còn lại các nghề khác như may, điện dân dụng, trang điểm... người dân vạn đò không thích thú lắm, bởi không phù hợp thói quen sống cũng như trình độ học vấn của họ.
Ông Trương Đình Hạnh, trưởng Phòng Lao động - thương binh và xã hội TP Huế, thừa nhận có nhiều khó khăn khi giải quyết việc làm cho người dân vạn đò, nên nghề nghiệp của họ khi chuyển lên bờ không thay đổi nhiều so với trước. Một mặt, do học vấn người dân còn rất thấp, không đáp ứng yêu cầu của các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn. Mặt khác, việc đào tạo nghề cho người dân khó khăn vì người dân chỉ muốn học những nghề có thể làm ngay ra tiền, còn mất thời gian từ ba tháng đến hai năm học nghề họ lại không mặn mà. Thêm vào đó, đào tạo nghề chỉ mới tập trung cho lớp trẻ, còn lớp tuổi trung niên hầu như chưa quan tâm đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận