17/03/2022 08:48 GMT+7

'Dân trông chừng kẻ gian, để mắt cán bộ'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhiều lần gửi lời nhờ cử tri, nhân dân tăng cường giám sát các lĩnh vực ngành công thương quản lý, giúp phát hiện, xử lý sai phạm và điều chỉnh bất cập.

Dân trông chừng kẻ gian, để mắt cán bộ - Ảnh 1.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16-3 - Ảnh: Q.H.

"Dân trông chừng được kẻ gian và để mắt đến cán bộ", ông Diên nói.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 16-3 tuy là thực hiện trong khuôn khổ một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đã được tổ chức với quy mô chưa từng có, như một phiên chất vấn của Quốc hội. Đầu cầu tại phòng họp Diên Hồng đã kết nối trực tuyến đến tất cả các tỉnh thành với sự tham gia của đông đảo đại biểu chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trên cơ sở đề xuất của 54 đoàn đại biểu Quốc hội, các bộ trưởng Bộ Công thương và bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường đã được lựa chọn "đăng đàn" để giải đáp hai vấn đề đang "rất nóng" trong thời gian qua là xăng dầu và đất đai. Ông khẳng định đây là hình thức giám sát trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội, bám sát thực tiễn và hơi thở cuộc sống.

Như vậy, với hình thức chất vấn được mở rộng quy mô như lần này, cử tri ngày càng cảm nhận được Quốc hội hoạt động thường xuyên, tăng cường tính đại diện, thay vì chỉ "xuân thu nhị kỳ" như trước. Những vấn đề "nóng hổi" kịp thời đặt lên bàn nghị sự thì sẽ sớm có cơ hội được trình bày, giải đáp, giải quyết, khắc phục những tồn tại, bất cập đang diễn ra trong thực tế, giảm bức xúc xã hội.

Những vấn đề đại biểu đặt ra lần này được gạn lọc từ "hơi thở cuộc sống" rõ ràng đã phản ánh sự bận tâm, lo lắng, trăn trở của hàng triệu cử tri. Giá xăng tăng 7 lần liên tiếp trong các đợt điều chỉnh không những ảnh hưởng đến công tác điều tiết vĩ mô, mà còn tác động rộng rãi đến từng bữa ăn của mỗi gia đình. 

Bộ trưởng khẳng định "nguồn cung không bao giờ thiếu", nhưng đại biểu nêu thực tế có những cây xăng "treo biển hết hàng". Tại sao vậy? Nếu công tác điều hành "trơn tru", không có những mắt xích lỗi, những chiêu trò trục lợi thì hẳn là không nảy sinh ra những bất cập như vậy.

Hay trong chính sách quản lý đất đai, đặc biệt là đấu giá, nhiều đại biểu đã điểm danh "vụ Thủ Thiêm" để nêu lên các hệ lụy từ việc "thổi giá", bỏ cọc, trục lợi, làm náo loạn thị trường, bất ổn xã hội. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận không chỉ có hành vi "thổi giá" mà còn có "ghìm giá", trốn thuế... 

Các hành vi này đều đã được nhận diện, xảy ra trên thực tế và đều có hại. Cũng như ông Diên, ông Hà đề nghị các đại biểu Quốc hội và người dân phát hiện những sai phạm, bất cập thì báo cho cơ quan chức năng xử lý.

Nếu hai vị bộ trưởng đều mong nhân dân trăm tay ngàn mắt giúp trông chừng kẻ gian, để mắt cán bộ nhằm phát hiện sai phạm, chỉ ra bất cập thì các ông cũng cần thiết lập được những kênh liên lạc hiệu quả và duy trì thường xuyên, chắc chắn sẽ được người dân trợ giúp tích cực.

Cuối cùng, hiệu quả của một phiên chất vấn không nằm ở việc trao đi đổi lại trên nghị trường để nhận diện rõ tồn tại và giải pháp mà phải được thể hiện ở chính sách được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và hiện thực hóa trong cuộc sống. Do vậy, chúng ta cần thời gian để kiểm chứng hiệu quả của phiên chất vấn này.

Video: Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Video: Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

TTO - Hôm nay 16-3, phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 2 nhóm vấn đề nóng là công thương, tài nguyên & môi trường sẽ được tiếp sóng trực tiếp trên Tuổi Trẻ Online. Mời bạn đọc đón xem.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên