Phóng to |
Tuyến đê Nam Hang - Cả Cách vẫn còn khá sơ sài, nhiều khả năng sẽ không gia cố kịp trước mùa lũ - Ảnh: THANH TÚ |
Thậm chí có nơi quả quyết không làm lúa vụ ba nhưng tiền vẫn thu.
Mỗi nơi làm một kiểu
Những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi trở lại tuyến đê Nam Hang - Cả Cách để đi vào cánh đồng lúa rộng 2.600ha thuộc xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Vết tích của trận lũ năm 2011 vẫn còn nguyên vẹn trên đê với vô số cọc bạch đàn được người dân đóng xuống để giữ đê. Trên mặt đê lồi lõm, xe máy chạy lưng tưng như... cưỡi ngựa.
"Lẽ ra Nhà nước phải chủ động gia cố đê từ lâu. Nếu thu tiền của dân khó thì Nhà nước ứng vốn làm rồi dân sẽ đóng góp sau chứ làm thế này thiệt thòi cho dân quá" Ông Đinh Văn Đáng (nông dân xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) |
Gặp nhiều nông dân trong tuyến đê này hỏi năm nay có gieo sạ vụ ba hay không, họ thở dài thườn thượt: “Dân chúng tôi đương nhiên là muốn làm rồi, nhưng còn phải chờ chỉ đạo của chính quyền địa phương. Địa phương mới thông báo cho dân đóng tiền gia cố đê thôi, còn làm vụ ba thì chưa nghe”.
Ông Huỳnh Công A, ở ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, cho biết mới đây chính quyền địa phương thông báo mỗi hộ đóng góp 12 triệu đồng/ha để có tiền bồi thường cho những hộ bị mất đất cặp đê do địa phương cần mặt bằng để gia cố đê. Ông A lo lắng việc gia cố đê làm không kịp trước khi lũ về và nông dân không làm lúa vụ ba được.
Ông Nguyễn Trạng Sư, phó chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, xác nhận huyện có chủ trương gia cố đê bao để sản xuất lúa vụ ba và người dân phải đóng góp 1,2 triệu đồng/công (12 triệu đồng/ha) để bồi thường cho những hộ bị mất đất do gia cố đê. Theo ông Sư, số tiền này người dân sẽ đóng làm ba lần trong ba năm (mỗi năm 4 triệu đồng/ha) và xã bắt đầu thu từ vụ đông xuân đang sản xuất. Đến nay, các xã chỉ mới thu hơn 40% của năm đầu tiên nên chưa thể triển khai bồi thường, gia cố đê bao được và huyện cũng chưa quyết định có làm lúa vụ ba hay không.
Cách đó không xa, người dân thị xã Hồng Ngự cho biết chính quyền địa phương đã quyết định sẽ sản xuất lúa vụ ba. Khu vực làm vụ ba là ô đê bao xã Tân Hội, xã An Bình A, xã An Bình B và P.An Lạc với tổng diện tích khoảng 2.200ha. Để đảm bảo chống được lũ, thị xã Hồng Ngự cũng vận động dân đóng góp tiền. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 38 tỉ đồng. Dự kiến trong tháng 5 này sẽ thi công gia cố đê nhưng còn phụ thuộc việc dân góp tiền thế nào và tiến độ bồi thường cho người dân bị mất đất từ việc gia cố đê.
Trong khi đó, tại huyện Tân Hồng, theo ông Mai Văn Siêng - phó chủ tịch huyện, mặc dù năm nay huyện không chủ trương làm lúa vụ ba nhưng vẫn thu tiền của nông dân 1,5-4 triệu đồng/ha để bồi thường cho những hộ bị mất đất khi gia cố đê. “Huyện sẽ đầu tư gia cố tuyến đê dài 12km. Năm nay không làm vụ ba, nhưng các năm sau làm sẽ an tâm hơn” - ông Siêng nói.
Dân chưa đồng tình
Cầm tờ biên lai đóng tiền làm đê bao, ông Đinh Văn Đáng (66 tuổi, ở xã Thường Thới Tiền) cho biết vừa chạy hỏi mượn 3,2 triệu đồng để đóng trước cho 0,8ha đất, còn lại 0,4ha sẽ lo đóng sau với hi vọng được làm lúa vụ ba trong mùa lũ tới. Tuy nhiên sau khi đóng tiền xong ông nghe cán bộ ở xã nói đến giờ vẫn chưa biết có làm vụ ba hay không vì chưa thu đủ tiền. Nhiều hộ dân ở các ô bao thuộc xã Tân Thành A, Thông Bình, Tân Phước (huyện Tân Hồng) cũng không hài lòng khi địa phương bắt họ phải đóng tiền để nâng cấp đê nhưng lại không cho sản xuất lúa vụ ba.
Không chỉ người dân phải góp tiền gia cố đê không đồng tình, người dân bị lấy đất làm mặt bằng gia cố đê cũng chưa đồng ý giao đất do cho rằng giá bồi thường chưa thỏa đáng. Ông Phan Văn Chính - ở xã Thường Thới Tiền - kể ông chưa đồng ý giao ba công đất để làm đê vì giá bồi thường chỉ có 150 triệu đồng/công là quá thấp. Không riêng gì ông Chính, nhiều hộ dân có đất nằm cặp đê bị thu hồi hiện vẫn chưa đồng ý giá bồi thường, chưa giao đất để gia cố đê nên địa phương chưa quyết định có làm lúa vụ ba hay không.
Trong khi đó, ông Mai Văn Siêng cho biết chính quyền địa phương chỉ làm trung gian để người dân trong vùng đê bao thỏa thuận với nhau về giá tiền bồi thường. Khi nào có mặt bằng huyện sẽ đầu tư làm đê. Còn dân không đồng tình, không thỏa thuận được thì phải chờ... vận động tiếp.
Dân phải góp tiền bồi thường cho người mất đất Ngày 7-5, ông Nguyễn Văn Dương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện tỉnh đã có sẵn 70 tỉ đồng để đầu tư gia cố, nâng cấp đê bao ở ba huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự. Tuy nhiên, chủ trương của tỉnh là không thu hồi đất để làm đê nên người dân trong vùng đê bao được hưởng lợi khi làm lúa vụ ba phải đóng góp tiền bồi thường cho những hộ ở sát đê bị mất đất khi nâng cấp đê. Nếu dân trong vùng đê bao đó, kể cả những hộ bị thu hồi đất không đồng tình thì địa phương không làm. Nơi nào dân đồng tình, đóng góp tiền bồi thường để có mặt bằng gia cố đê thì triển khai nâng cấp đê ngay để làm lúa vụ ba. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận