12/10/2019 12:17 GMT+7

Dàn nhạc giao hưởng ăn khách 'bất thường'

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Dàn nhạc giao hưởng vốn được xem là hàn lâm, chỉ dành cho “nhà có điều kiện” hai năm nay bỗng dưng ăn khách bất thường. Không chỉ các giọng ca thính phòng, mà ca sĩ dòng dân gian cũng muốn thử sức.

Dàn nhạc giao hưởng ăn khách bất thường - Ảnh 1.

Ca sĩ Phạm Thùy Dung trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Mặt trời trong live show Trăng hát ngày 29-9 tại Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh: BTC

Các nhà tổ chức sô nhạc ở Việt Nam lâu nay thường chỉ thuê ban nhạc nhẹ và các ca sĩ thính phòng ở Việt Nam có rất ít cơ hội hát với dàn nhạc giao hưởng, dù nói như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: "Ca sĩ thính phòng hát với ban nhạc nhẹ chẳng khác nào mặc áo phông với quần lụa, không phù hợp". Nhưng dễ nhận thấy gần đây ngày càng nhiều ca sĩ chọn trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng trong những live show của mình.

Dàn nhạc giao hưởng có thể chơi rất mạnh nhưng cũng có thể rất nhẹ, khẽ, tình cảm nương theo giọng ca sĩ. Năng lượng của một dàn nhạc với 50-60 nhạc công truyền tới cảm xúc khán giả rất lớn.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi

"Chịu chơi" dù tốn kém

Sau 20 năm hoạt động nghệ thuật, năm 2017 ca sĩ thính phòng Đăng Dương mới làm live show Mặt trời của tôi có dàn nhạc giao hưởng tham gia. Tiếp nối Đăng Dương, giọng ca thính phòng Lan Anh làm live show Ánh trăng tình yêu với dàn nhạc giao hưởng vào tháng 11-2018, Phạm Thùy Dung làm live show Trăng hát cũng với dàn nhạc giao hưởng vào tháng 9 vừa qua.

Ca sĩ Đinh Trang cho biết cô chỉ mới có 10 lần được hát với dàn nhạc và live show của Đăng Dương khiến cô cảm thấy lạc quan, rằng "dù thị trường có bất công cho những giọng ca thính phòng nhưng vẫn còn hi vọng".

Để làm album Hát đợi anh về ra được chất thính phòng mà tiết kiệm chi phí, Đinh Trang nhờ nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng dùng thiết bị điện tử giả lập âm thanh của dàn nhạc giao hưởng.

Không chỉ ca sĩ thính phòng, ca sĩ dòng dân gian như Tân Nhàn cũng đưa dàn dây của dàn nhạc giao hưởng vào live show Trở về tổ chức vào tháng 3-2019. "Có dàn nhạc giao hưởng sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều, sẽ thỏa mãn được khán giả khó tính, muốn cách tân" - Tân Nhàn giải thích.

Nhạc trưởng Lưu Quang Minh (dàn nhạc Maius Philharmonic) cho rằng các ca sĩ đều mơ được hát với dàn nhạc giao hưởng "bởi vẻ đẹp choáng ngợp của dàn nhạc và âm sắc phong phú giúp nghệ sĩ thăng hoa".

Nếu so về số lượng nhạc công, nhạc cụ cũng như độ "khủng" về âm thanh thì dàn nhạc giao hưởng với 50-60 nhạc công ăn đứt một ban nhạc điện tử chỉ có 5-6 người. Do đó chi phí mời dàn nhạc giao hưởng rất lớn.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - người đã làm live show và album cho ca sĩ Đăng Dương, Lan Anh, Tân Nhàn, Phạm Thùy Dung, Đinh Trang... - cho biết cách đây 10 năm giá thu đĩa giao hưởng đã khoảng 100 triệu đồng cho 10 phút, nay muốn làm một album ca sĩ phải chi tiền tỉ cho dàn nhạc giao hưởng. Tân Nhàn cũng đã chi gần 4 tỉ đồng cho sô Trở về, trong đó tốn kha khá cho dàn nhạc.

Đã đến thời?

Đời sống kinh tế phát triển hơn trước chính là yếu tố then chốt khiến dàn nhạc giao hưởng ăn khách hơn. Không chỉ các nhà tổ chức, các ca sĩ, mà những nhãn hàng lớn cũng muốn có dàn nhạc giao hưởng để khẳng định uy tín và đẳng cấp.

Mặt khác, nhu cầu của khán thính giả cũng dần tăng lên. Cùng với đó là sự phát triển của các thiết bị kỹ thuật cho phép căn chỉnh âm thanh qua hệ thống mic cho dàn nhạc giao hưởng...

Ngoài ra, chính các dàn nhạc cũng thay đổi tích cực. Hiện nay, ở Việt Nam có ba dàn nhạc chuyên nghiệp do Nhà nước đầu tư: Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, hai dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng - nhạc, vũ kịch TP.HCM và Nhà hát Nhạc, vũ kịch Việt Nam.

Bên cạnh đó là sự xuất hiện của những dàn nhạc tư nhân, phải kể tới dàn nhạc tư nhân đầu tiên của Việt Nam là Maius Philharmonic (tiền thân là Rhapsody Philharmonic) đã tồn tại 10 năm nay.

Nhạc trưởng Lưu Quang Minh cho biết: "Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là kinh phí, rồi địa điểm phòng tập, nhạc cụ, nhân sự... Nhưng bằng tình yêu âm nhạc, chúng tôi vẫn đi cùng nhau đến giờ và tự hào vì là dàn nhạc giao hưởng đầu tiên ở Việt Nam có album riêng (album Việt Nam) do nhạc sĩ Việt Nam sáng tác, nhạc công Việt Nam chơi".

Năm 2017, dàn nhạc giao hưởng Mặt trời với một nửa nhạc công là người nước ngoài xuất hiện, liên tục tổ chức các chương trình hòa nhạc, mời nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam trình diễn, làm các chương trình giáo dục âm nhạc miễn phí và hỗ trợ các ca sĩ thính phòng Việt Nam làm live show...

Năm nay, dàn nhạc mới quyết định tổ chức các buổi hòa nhạc có bán vé, mà sắp tới là đêm nhạc của nghệ sĩ dương cầm Jean-Yves Thibaudet vào ngày 23-10.

Thiếu nhiều thứ

Dễ nhận thấy các ca sĩ làm live show có dàn nhạc giao hưởng đều đang cố gắng "Việt hóa" chương trình để tiếp cận khán giả nhiều hơn. Lan Anh hát bolero với dàn nhạc giao hưởng thì Tân Nhàn hát chèo, xẩm, chầu văn với dàn dây.

Live show thính phòng của Phạm Thùy Dung cũng phải "pha" thêm các ca khúc nhạc đỏ và các ca khúc thuộc dòng nhạc giao thoa để chương trình bớt "nặng".

Nhạc trưởng Lê Phi Phi cho biết: "Chất lượng các show có dàn nhạc giao hưởng tham gia phụ thuộc vào nhạc sĩ phối âm cho các bài hát cùng dàn nhạc giao hưởng, quan trọng nhất là căn chỉnh âm thanh qua hệ thống mic cho dàn nhạc giao hưởng. Ở nước ta, đội ngũ những người làm âm thanh chuyên nghiệp dạng này còn rất hiếm, nên không phải sô nào có dàn nhạc giao hưởng tham gia cũng thành công mỹ mãn".

Có dàn nhạc rồi, các ca sĩ phải đối mặt với sự khan hiếm tác phẩm. Hiện nay, nguồn tác phẩm cũ viết cho giao hưởng có hạn, nguồn tác phẩm mới để lại dấu ấn rất ít; các ca sĩ vì vậy loanh quanh sử dụng các tác phẩm cổ điển, tiền chiến, nhạc đỏ, nhạc kịch broadway...

Trình độ công nghệ cũng như nhân sự để phục vụ dàn nhạc giao hưởng vẫn đang ở mức dò dẫm. Những live show như của Đăng Dương, Lan Anh vì điều kiện kỹ thuật chưa cho phép nên không thể làm DVD tiêu chuẩn.

Dàn nhạc giao hưởng ở Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều thứ. Muốn làm album, nhiều ca sĩ chọn ra nước ngoài vì ở Việt Nam chưa có phòng thu tiêu chuẩn cho dàn nhạc giao hưởng.

Và các nhà hát hiện nay mới chỉ phục vụ hát thính phòng, chứ chưa có nhà hát tiêu chuẩn cho dàn nhạc giao hưởng. Tuy nhiên, với người trong nghề, phong trào làm live show với dàn nhạc giao hưởngmang tín hiệu tích cực.

“Nhạc giao hưởng thính phòng không thể làm tràn lan như âm nhạc phổ thông. Sự xuất hiện của nó cũng khiêm tốn, nhưng có sức nặng.

Nó góp phần làm giảm sự mất cân bằng giữa các thể loại âm nhạc (dù sự mất cân bằng trong nền âm nhạc Việt Nam còn kéo dài nhiều chục năm nữa).

Bây giờ, mỗi năm có vài chương trình là phù hợp với điều kiện kinh tế của ca sĩ, các đơn vị tài trợ và cả khán giả. Thế là vui rồi” - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ.

TP.HCM có dàn giao hưởng trẻ SPYO với buổi hòa nhạc đầu tiên TP.HCM có dàn giao hưởng trẻ SPYO với buổi hòa nhạc đầu tiên

TTO - Tối 13-1, Dàn nhạc giao hưởng trẻ Sài Gòn SPYO đã ra mắt khán giả mộ điệu với buổi hòa nhạc đầu tiên mang tên 'Once upon a spring' tại Nhà hát Thành phố.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên