Các nghệ sĩ HBSO diễn chạm tay vào quá khứ - Ảnh: HBSO
Nhân kỷ niệm 44 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện di chúc của Bác, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) sẽ giới thiệu đến khán giả mộ điệu chương trình nghệ thuật Khúc khải hoàn vào 20h ngày 18-5 tại Nhà hát TP.
Đại diện HBSO cho biết chương trình nằm trong kế hoạch quảng bá dòng nhạc truyền thống cách mạng của Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM, dự kiến tổ chức thường niên, nhằm giới thiệu những tác phẩm xuất sắc của các nhạc sĩ và biên đạo múa Việt Nam trong thời gian gần đây.
Lĩnh vực âm nhạc sẽ giới thiệu hai tác phẩm khí nhạc được công diễn lần đầu là Khúc khải hoàn viết cho dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Trọng Đài, sáng tác vào tháng 3-2019 và Bản Concerto cho violin và dàn nhạc của nhạc sĩ Hoàng Cương.
Nhạc sĩ Trọng Đài nói về tác phẩm "Khúc khải hoàn" tại họp báo giới thiệu chương trình diễn ra ngày 16-5 ở Nhà hát TP - Ảnh: HBSO
Nhạc sĩ Trọng Đài tốt nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky, ông viết khá nhiều tác phẩm khí nhạc, trong đó có hai bản giao hưởng, nhưng lại nổi tiếng bởi những ca khúc viết cho nhạc phim như: Hà Nội đêm trở gió, Chị tôi...
Ông viết Khúc khải hoàn tôn vinh con người Việt Nam kiên cường qua những thăng trầm lịch sử vẫn luôn sáng lên niềm tin, vượt qua mọi thách thức. Về tác phẩm mới nhất của mình, ông nói: “Tôi viết Khúc khải hoàn như muốn cùng mọi người chứng kiến sự đổi thay từng ngày của đất nước đang đón vận hội mới, trong âm hưởng trời đất giao hòa”.
Nhạc sĩ Hoàng Cương và con trai - nghệ sĩ violin Tuấn Cương Hoàng (áo xanh lá) - Ảnh: HBSO
Trong khi đó, nhạc sĩ Hoàng Cương có những ý tưởng đầu tiên về bản Concerto cho violon từ những năm 60 khi còn học tại Đức. Bản Concerto này đã được viết trong ba năm, từ 2007 và hoàn thành vào năm 2010.
Bản Concerto cho violin và dàn nhạc này cũng được dành tặng cho người con trai của tác giả, nghệ sĩ violin Tuấn Cương Hoàng, người đã giành nhiều giải thưởng danh giá tại Đức như: Ludwig Spohr (1994), Max Reger (1996), Leopold Mozart...
Hiện Tuấn Cương Hoàng đang là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng Philharmoniker Hamburg, Đức và sẽ lần đầu công diễn tác phẩm lần đầu của ba anh - nhạc sĩ Hoàng Cương cùng Dàn nhạc Giao hưởng HBSO.
Trong phần 1 của chương trình, bên cạnh hai tác phẩm khí nhạc lần đầu được biểu diễn sẽ là hai ca khúc nổi tiếng được nhiều người yêu thích: Bác Hồ một tình yêu bao la của nhạc sĩ Thuận Yến và Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người của nhạc sĩ Cao Việt Bách - thơ Đăng Trung.
Toàn bộ phần 1 của chương trình được dàn dựng và chỉ huy bởi nhạc trưởng trẻ tuổi, tài năng của HBSO - Trần Nhật Minh.
Các diễn viên của HBSO trong vở múa Chạm tay vào quá khứ - Ảnh: HBSO
Phần 2 của chương trình dành riêng giới thiệu vở múa đương đại Chạm tay vào quá khứ của hai biên đạo múa Nguyễn Phúc Hải và Nguyễn Phúc Hùng, âm nhạc Vũ Việt Anh, Henryk Górecki và Philip Glass.
Điểm nhấn của vở diễn là góc nhìn của thế hệ trẻ hôm nay về lịch sử chiến tranh của dân tộc. Những cảm nhận về sự phân ly giữa người hậu phương và người ở chiến trường. Bằng nghệ thuật, các tác giả dựng lên mối liên hệ tâm linh thật xúc động. Những người phụ nữ ở lại, nương tựa, nâng đỡ tinh thần nhau để đi qua từng ngày khắc khoải, đồng thời cũng là nguồn động lực, niềm hy vọng đối với những người nơi chiến trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận