14/08/2017 11:55 GMT+7

Đan Mạch: lo cho dân tốt mới là đại sự

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TTO - Chuyện đồn đoán phu quân nữ hoàng Đan Mạch không vui khi không hài lòng trong đời sống hôn nhân đã trở thành chuyện gây bàn tán nhưng với người dân, quan trọng là họ đã làm được gì cho đất nước.

Hoàng thân Henrik và Nữ hoàng Margrethe II trong buổi học cuốn gỏi cuốn tại Trung tâm dạy nghề cho trẻ đường phố KOTO ở Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2009 - Ảnh: AFP
Hoàng thân Henrik và Nữ hoàng Margrethe II trong buổi học cuốn gỏi cuốn tại Trung tâm dạy nghề cho trẻ đường phố KOTO ở Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2009 - Ảnh: AFP

Ở châu Âu, các hoàng gia chỉ “trị vì” mà không “cai trị” bởi được xem như biểu trưng tối cao cho quốc gia và truyền thống của dân tộc, cũng như một phương tiện hữu hiệu để ngăn chặn nguy cơ nền dân chủ bị đe dọa, khi có một thủ tướng lộng quyền chẳng hạn.

Cho dù vẫn có những ý kiến cho là các hoàng gia chỉ mang tính “trang trí” và làm tốn tiền thuế của dân, thì hoàng gia vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số thần dân.

Do vậy cũng dễ hiểu vì sao người dân Đan Mạch lại bị sốc nặng vì chuyện ầm ĩ liên quan tới hậu sự của Hoàng thân Henrik, phu quân Nữ hoàng Margrethe Đệ Nhị.

Không muốn làm “tên hề trong triều đình”

Ngày 4-8, Hoàng thân Henrik, 83 tuổi, đột ngột tuyên bố là ông sẽ không an táng cùng một huyệt với nữ hoàng khi qua đời!

Trong khi dư luận Đan Mạch và các nước trong khối Scandinavia đang xôn xao, thì ngày 8-8 Hoàng thân Henrik lại lên tiếng chỉ trích vợ mình khi trả lời phỏng vấn của tuần báo ảnh Se og Hør tại lâu đài Château de Caix - biệt điện mùa hè của họ tại miền nam nước Pháp.

Hoàng thân Henrik than phiền rằng Nữ hoàng Margrethe không cho ông sự tôn trọng mà “một người vợ bình thường dành cho chồng mình”.

Ông nói rõ: “Tôi yêu nữ hoàng nhưng nữ hoàng đã biến tôi thành một tên hề trong triều đình. Tôi không kết hôn với nữ hoàng để được an táng trong thánh đường Roskilde”.

Vị hoàng thân từng có 5 năm thuở ấu thơ sống tại Hà Nội cũng nói chỉ có nữ hoàng mới có thể giải quyết chuyện này vì ông chỉ muốn táng chung một khi được đối xử ngang hàng với vợ mình.

Nhiều người Đan Mạch cho rằng Hoàng thân Henrik đang tạo áp lực với Nữ hoàng Margrethe nhằm đổi danh hiệu của mình từ “hoàng thân” thành “vương phu” (Kongegemal).

Trước đây Hoàng thân Henrik từng bày tỏ trên báo chí sự không hài lòng khi người hôn phối của một quốc vương (Kong) cũng được gọi là “Dronning” như một nữ hoàng, trong khi người hôn phối của nữ hoàng thì không được gọi là “Kong” mà là “Prins” - hoàng tử hay hoàng thân, hoặc là “Prinsgemal” (hoàng tế - người trở thành hoàng thân qua hôn phối với hoàng tộc).

Theo ông, đây là sự phân biệt đối xử.

Hoàng thân Henrik và Nữ hoàng Margrethe II tay trong tay ở lâu đài hè tại Pháp gần đây. Hình ảnh được công bố sau thông tin lùm xùm về quan hệ gia đình của hai người - Ảnh: AFP
Hoàng thân Henrik và Nữ hoàng Margrethe II tay trong tay ở lâu đài hè tại Pháp gần đây. Hình ảnh được công bố sau thông tin lùm xùm về quan hệ gia đình của hai người - Ảnh: AFP

Quan trọng là phục vụ dân

Theo nhà báo Đan Mạch gốc Pháp Stéphanie Surrugue - người đã nhiều lần phỏng vấn Hoàng thân Henrik và là tác giả cuốn Chân dung một ông hoàng cô đơn, thì danh hiệu đối với ông là vấn đề quan trọng. Không phải là ông muốn làm vua mà vì danh xưng “hoàng thân” khiến ông cảm thấy mình quá thấp so với vợ.

Khi kết hôn với trưởng công chúa Margrethe năm 1967, bá tước Henri Marie Jean André de Laborde de Monpezat - một nhà ngoại giao Pháp trẻ có ngoại hình của một diễn viên điện ảnh - đã trở thành “Hoàng thân” Henrik của Đan Mạch.

Dù có chung niềm đam mê với nghệ thuật nhưng nhà quý tộc Pháp có nhiều nghệ sĩ tính này có vẻ khó hòa hợp với xã hội Bắc Âu vốn trọng sự giản dị, khiêm tốn hơn là lối sống hào nhoáng của giới quý tộc và nghệ sĩ Tây Âu.

Do vậy các cuộc thăm dò dư luận trong 10 năm trở lại đây cho thấy trong hoàng gia Đan Mạch thì người được yêu mến thứ hai, sau nữ hoàng, là thái tử phi Mary, còn người ít được yêu mến nhất chính là Hoàng thân Henrik!

Cuối năm 2015, Hoàng thân Henrik từng gây xôn xao dư luận khi tuyên bố sẽ rút lui khỏi các nghi lễ chính thức bên cạnh nữ hoàng từ tháng 1-2016.

Quyết định nghỉ hưu này không được nhiều người đồng tình vì khi ấy ông vẫn tỏ ra hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn tham gia các buổi đi săn, tiệc tùng và vì hoàng thân được xem như cánh tay phải của nữ hoàng.

Nhiều người Đan Mạch tỏ ra xót xa khi thấy nữ hoàng của họ lẻ loi trong những chuyến tuần du thăm dân chúng vào mùa hè.

Hoàng gia Đan Mạch tới giờ vẫn không đưa ra bình luận nào, chỉ có ngày 10-8 vừa qua thái tử Frederik nói ngắn gọn là ông “lấy làm tiếc” về quyết định của cha mình khi báo chí đặt câu hỏi trong một buổi lễ mà ông chủ trì.

Tuy nhiên, những chỉ trích của Hoàng thân Henrik có vẻ không ảnh hưởng tới uy tín của Nữ hoàng Margrethe II vì người Bắc Âu nói chung quan tâm đến những đóng góp cho xã hội và cộng đồng của một người hơn là chuyện đời tư.

Chẳng hạn như nữ hoàng, trong những năm gần đây tuy sức khỏe giảm sút vẫn nỗ lực làm tròn các nhiệm vụ của mình với đất nước. Với người Đan Mạch, và hình như với người dân toàn thế giới nói chung, thì điều này mới đáng quan tâm.

Theo truyền thống của hoàng gia trị vì lâu năm nhất châu Âu, và thứ hai thế giới (sau hoàng gia Nhật Bản), người đứng đầu vương quốc cùng người hôn phối khi tạ thế sẽ được an táng chung trong một huyệt tại thánh đường Roskilde.

Đây được xem như một vinh dự cũng như sự ghi nhận công lao hỗ trợ của người hôn phối dành cho quốc vương hay nữ hoàng của họ.

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên