Tuyết phủ dày những ngọn núi tại thị trấn Tasiilaq, đảo Greenland - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters ngày 18-12 cho biết Đan Mạch đã đồng ý cho phép mở lãnh sự quán Mỹ ở Greenland, đảo tự trị thuộc Đan Mạch và là hòn đảo lớn nhất thế giới.
Trước đó hồi tháng 8, quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ - Đan Mạch đã nảy sinh căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất ý tưởng mua lại hòn đảo Greenland.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen quyết không bán hòn đảo và gọi ý tưởng của ông Trump là vô lý, trong khi nhà lãnh đạo Mỹ hủy luôn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch vào tháng 9.
"Cùng với Greenland, chúng tôi tiếp tục đối thoại với Mỹ về việc phát triển ở Bắc Cực và hợp tác chặt chẽ về sự hiện diện của Mỹ ở Greenland" - Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi đầu tháng 12, sau đối thoại song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã công bố các kế hoạch hợp tác chiến lược lớn hơn với Mỹ ở Bắc Cực, đồng thời hứa hẹn tăng cường giám sát khu vực này.
Theo Hãng tin Reuters, việc lập lãnh sự quán ở Greenland nằm một phần trong kế hoạch lớn hơn của Mỹ để mở rộng sự hiện diện về ngoại giao cũng như thương mại ở Greenland và Bắc Cực.
Trước đây, Mỹ đã mở lãnh sự quán tại Greenland vào năm 1940 sau khi Đức quốc xã chiếm đóng Đan Mạch và đóng cửa vào năm 1953. Theo kế hoạch, lãnh sự quán mới có thể được mở vào năm 2020 tại thủ phủ của Greenland. Dù Mỹ chọn ai lãnh đạo lãnh sự quán này, họ đều phải nhận được sự đồng ý từ Bộ Ngoại giao Đan Mạch.
Giới chuyên gia nhận định việc thiết lập hiện diện lớn hơn ở Greenland sẽ cần thiết với Mỹ căn cứ vào vị trí địa lý và các nguồn tài nguyên của hòn đảo này. Hiện Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác cũng đang để mắt tới vùng đất Bắc Cực đầy băng giá này.
Hồi tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một chương trình nhằm tái khẳng định sự hiện diện của Matxcơva ở Bắc Cực, trong đó có kế hoạch xây cảng cùng các cơ sở hạ tầng khác và mở rộng đội tàu phá băng. Nga muốn giành lợi thế ở một khu vực được cho cất giữ tới 1/4 lượng dầu khí chưa được khai thác trên Trái đất.
Trong khi đó, Trung Quốc xem Greenland là nơi giàu có các nguyên tố đất hiếm và những nguồn tài nguyên khác, cũng như quan trọng trong các kế hoạch quân sự đầy tham vọng của nước này trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận