27/12/2024 14:30 GMT+7

Dân khóc ròng với đường 300 tỉ chậm tiến độ, cứ mưa thành sình lầy

Dự án đường Phan Huy Chú, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hơn 300 tỉ đồng chậm tiến độ, chưa hẹn ngày hoàn thành, dân khóc ròng vì đường thành sình lầy.

Dân khóc ròng vì đường như sình sau mỗi cơn mưa - Ảnh 3.

Học sinh liên tục "vồ ếch" trên con đường đến trường - Ảnh: MINH PHƯƠNG

Ngày 26-12, sau cơn mưa, bà con tiểu thương chợ Chi Lăng và học sinh đều phải khổ sở chật vật trên con đường sình lầy, trơn trượt khiến xe phải nhích từng tí. Nhiều bạn đọc phản ánh đến Tuổi Trẻ Online cho biết tiểu thương như "chết đứng" vì buôn bán không được.

Đường sình lầy, tiểu thương "chết đứng", học sinh té ngã

Chị H., một tiểu thương, cho biết mỗi ngày chứng kiến phụ huynh chở các em đi học té ngã nhiều lần. 

"Có hôm 3, 4 người ngã chùm vào nhau rất nguy hiểm. Tôi chỉ mong tuyến đường này sớm hoàn thành chứ cứ mưa xuống là tiểu thương "chết đứng" vì hàng hóa bán không chạy. Đường lầy lội nên người dân cũng không muốn đi chợ", bà H. nói.

Được biết đoạn đường trên thuộc dự án đường Phan Huy Chú (từ đoạn tiếp giáp đường 30-4 đến hết phường Khánh Xuân) giai đoạn 1 có chiều dài gần 3,8km, tổng mức đầu tư 307 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2024. 

Tuy nhiên đến nay sau hơn 21 tháng thi công tiến độ vẫn ì ạch. Chỉ mới có khoảng 1,4km đoạn cuối hiện đã thảm nhựa mặt đường, bảo đảm việc đi lại. 

Còn đoạn đầu tuyến, vẫn "giậm chân tại chỗ" mà nguyên nhân, theo lãnh đạo phường Khánh Xuân, là do nhiều người dân cho rằng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng không đúng, có trường hợp bồi thường 0 đồng nên phản đối.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Dân khóc ròng vì đường thành sình lầy sau mỗi cơn mưa - Ảnh 4.

Có nhiều đoạn, đường có lớp bùn dày 20-30cm sau mỗi trận mưa khiến người dân, học sinh đi lại hết sức vất vả - Ảnh: MINH PHƯƠNG

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Đại Thắng, phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết UBND TP đã có văn bản trả lời một số hộ dân thắc mắc về phương án đền bù, hỗ trợ "0 đồng". 

Đối với diện tích đất ở của các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ đủ điều kiện để đền bù, hỗ trợ; đối với vị trí đất thuộc chỉ giới giao thông sẽ không đủ điều kiện để được bồi thường về đất.

Thành phố đã thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 151 hộ dân với kinh phí gần 28,2 tỉ đồng.

Còn lại 57 hộ dân (đầu tuyến) có phê duyệt phương án nhưng chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng, lý do giá trị đền bù thấp hoặc giá trị 0 đồng. 

"Do vướng mắc về giá giao đất tái định cư theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, UBND thành phố đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, giải quyết.

Thành phố đang tiếp tục vận động để người dân đồng thuận, hoàn thành dự án, góp phần vào công tác chỉnh trang đô thị, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn", ông Thắng nói.

Dân khóc ròng vì đường thành sình lầy sau mỗi cơn mưa - Ảnh 5.Đường xuống cấp đọng nước sình lầy

TTO - Người dân đi lại khó khăn vì đường Lương Ngọc Quyến (P.13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM) xuống cấp, đường gồ ghề, nhiều vị trí trên đường có ổ gà, ổ voi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên