Người dân thị trấn Mái Dầm - nơi đặt Nhà máy giấy Lee & Man VN - đối thoại với Cục Môi trường miền Nam và chính quyền huyện Châu Thành - Ảnh: LÊ DÂN |
Vấn đề dư luận đang quan tâm là vì sao nhà máy này được vận hành trở lại sau nhiều tháng “án binh bất động”? Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giấy phép xả thải của nhà máy vừa được cấp lại có gì đặc biệt?
Nước thải sau xử lý phải nuôi được cá
Theo tài liệu chúng tôi nắm được, ngày 25-1, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường TN-MT) Võ Tuấn Nhân đã ký quyết định phê duyệt ĐTM đối với Nhà máy giấy Lee & Man VN tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Quyết định nói rõ đây là ĐTM được lập lại. ĐTM đã phê duyệt trước đây không còn hiệu lực.
Theo đó, Bộ TN-MT phê duyệt ĐTM các hạng mục gồm: nhà máy giấy cứng bao bì công suất 420.000 tấn/năm, nhà máy nhiệt điện công suất 50 MW, bến cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu vận tải không quá 20.000 tấn đầy tải, nhà máy xử lý nước cấp công suất 40.000 m3/ngày đêm.
Riêng nhà máy bột giấy, khai thác nước mặt sông Hậu, vận chuyển nguyên vật liệu ngoài nhà máy không thuộc phạm vi ĐTM này.
Điểm đáng lưu ý là Bộ TN-MT quy định nước thải của Nhà máy giấy Lee & Man VN phải xử lý đạt quy chuẩn quốc gia của công nghiệp giấy và bột giấy, các thông số môi trường khác phải đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp.
Nước thải sau khi xử lý đạt cột A sẽ cho qua hồ sinh học. Hồ này có chức năng lưu chứa nước thải sau xử lý của nhà máy trong ba ngày. Tại đây có bể chỉ thị nuôi cá thông với hồ sinh học.
Nước thải trước khi xả ra sông Hậu phải đạt các tiêu chuẩn nêu trên và đảm bảo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng dân cư sống xung quanh dự án.
Công trình thu gom, xử lý nước thải có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, có camera kết nối Internet để theo dõi và truyền số liệu về Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang để kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, hệ thống quan trắc tự động còn được lắp sau hồ sinh học, trước khi xả ra sông Hậu.
Đối với các hạng mục công trình có phát sinh khí thải cũng phải lắp hệ thống quan trắc tự động. Nhà máy cũng phải có hệ thống xử lý bụi và mùi hôi trong phạm vi dự án. Việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, nước thải được thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát của Tổng cục Môi trường và các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang.
Việc cho người dân giám sát việc xử lý nước thải của Nhà máy giấy Lee & Man VN là điểm mới của ĐTM vừa được phê duyệt. Vấn đề đặt ra là quy định này có được thực thi không?
Ông Lê Quốc Việt - phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang - nói ngày 1-4 nhà máy đã đưa 4-5 hộ dân vào giám sát việc khắc phục ô nhiễm. Sở TN-MT sẽ tiếp tục yêu cầu Công ty TNHH giấy Lee & Man VN cho người dân vào giám sát việc khắc phục từ nay đến đầu tháng 5-2017 theo cam kết của chủ đầu tư.
Người dân vào giám sát hoạt động xử lý nước thải của nhà máy đã là quy định, nên sẽ được thực hiện thường xuyên.
“Chúng tôi sẽ công bố số điện thoại của người phụ trách của Công ty TNHH giấy Lee & Man VN và lãnh đạo UBND thị trấn Mái Dầm để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân” - ông Việt nói.
Tháng 5-2017 sẽ... hết mùi hôi
Sau khi có giấy phép xả nước thải ra sông Hậu, Nhà máy Lee & Man VN được phép vận hành thử nghiệm từ đầu tháng 3-2017 và kéo dài 6 tháng dưới sự giám sát của Tổng cục Môi trường và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn người dân trong vùng đã phản ứng gay gắt do mùi hôi phát sinh từ nhà máy giấy.
Sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh tình trạng này, chiều 3-4 UBND huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) tổ chức đối thoại với 30 hộ dân sống xung quanh Nhà máy giấy Lee & Man VN về việc nhà máy gây ô nhiễm.
Bà Nguyễn Kim Tiến (ở đối diện kho than) bức xúc cho rằng bụi than bay ra ngoài rất nhiều nhưng không thấy công ty cho phun nước để giảm bụi. Ngoài ra mùi hôi từ nhà máy xông ra rất khó chịu.
Ông Trần Phong, cục trưởng Cục Môi trường miền Nam - Bộ TN-MT, khẳng định bụi bay ra ngoài gây ô nhiễm khu dân cư xuất phát từ kho than đá. Còn tiếng ồn mà người dân phản ảnh là do hệ thống làm mát nhà máy nhiệt điện khi khởi động gây ra.
Cả hai việc này sẽ được khắc phục bằng cách lắp thêm các tấm chắn.
Riêng mùi hôi, ông Phong cho biết có bốn vị trí phát ra mùi hôi gồm: khu thu bùn, khu ép bùn đóng bánh, bể yếm khí và khu vực đốt khí mêtan. Hiện Nhà máy giấy Lee & Man VN đang rà soát và đưa ra phương án khắc phục.
“Nhà máy cam kết 10 ngày nữa mùi hôi từ khu ép bùn sẽ được giải quyết. Các khu còn lại sẽ được cô lập bằng nhà kín, lắp máy ozone. Ngày 17-4 lắp đặt xong hệ thống ozone. Chủ đầu tư cam kết sẽ khắc phục 100% mùi hôi vào khoảng ngày 5-5” - ông Phong nói.
Còn ông Tống Hoàng Khôi, chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cam kết sẽ tiếp tục theo dõi sát quá trình vận hành thử nghiệm của Nhà máy giấy Lee & Man VN, đảm bảo nhà máy này không gây ô nhiễm, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Có thật sự an toàn? Sau khi phê duyệt ĐTM, ngày 21-2, Bộ TN-MT tiếp tục có quyết định cho phép Nhà máy Lee & Man VN được xả nước thải từ hệ thống xử lý thải ra sông Hậu. Vị trí xả thải là tại ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (Hậu Giang). Nước thải từ hồ sinh học được bơm ra sông theo phương thức xả ra mặt nước, ven bờ với lưu lượng lớn nhất là 20.000 m3/ngày đêm. Điều đáng quan tâm là trong danh mục 23 chỉ tiêu trong bảng thông số và giới hạn nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải của Nhà máy giấy Lee & Man VN mà Bộ TN-MT đưa ra có nhiều chất độc hại cho môi trường và sức khỏe con người như: dioxin, xyanua, đồng, chì, sắt, crôm và vi khuẩn coliform. Đương nhiên hàm lượng các chất này khi thải ra sông Hậu rất thấp, nhưng cũng là mối lo ngại thực sự đối với nguồn nước. Mặc dù vậy, Bộ TN-MT cho phép nhà máy giấy xả thải tới ngày 11-12-2025, kèm theo yêu cầu quan trắc ba tháng/lần tại hai vị trí cách nơi xả thải 100m về phía thượng nguồn và hạ nguồn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận