Phóng to |
Tóc dài trên sóng
Tối qua biển động, mưa gió nên chị Đặng Thị Cách không ra khơi. Sáng sớm nay người phụ nữ nhỏ nhắn mới chèo chiếc thuyền thúng bé xíu ra biển giăng lưới. Hôm nào chồng chị - anh Huỳnh Anh - không đi ghe thì còn ra với vợ, còn bình thường chị vẫn bơi đi như thế. Những tấm lưới dài tới 1,5km, nặng hàng chục cân được chị bủa ra trong lộng một cách khéo léo. Tay phải của chị cầm mái chèo giữ cho con thuyền tròng trành khỏi lật trên con sóng lớn.
Tay trái nhịp nhàng gỡ từng mảng lưới bung xuống biển. Vậy mà chiếc thúng vẫn cứ lướt đi mới hay, giữa vùng nước rộng cả cây số vuông. Trên đường theo một chiếc ghe ra biển cách bờ chừng 2 hải lý chúng tôi gặp nhiều người đàn ông bơi thuyền, nhưng thật không có một hình ảnh nào sinh động, lạ lùng và đẹp như thế.
Phóng to |
Một góc xóm chài Sơn Trà |
Đàn ông ra biển quần cộc, đen nhẻm, ăn sóng nói gió, còn chị Cách tóc dài, khẩu trang bịt mặt che nắng, uyển chuyển bơi chèo như không cần dùng sức, và cất giọng nhẹ nhàng nữ tính: “Tui giăng lưới như vầy mất nửa tiếng, chờ ba tiếng sau bơi ra kéo lưới lên”.
Nước da mịn màng, chỉ có đôi bàn tay chị là chai sần với những vết cắt của lưới. Chị Cách có ba đứa con, và những tấm lưới ghẹ này đã góp phần nuôi sống cả gia đình.
Đánh lưới buổi ngày không kiếm được nhiều bằng ban đêm. Vậy buổi tối cũng bơi ra bơi vào như vậy? “Không có, tụi tui ở luôn ngoài biển, mấy hải lý chớ ít đâu!”. Chị Cách chỉ dừng lại giây lát rồi tất tả bơi đi. Hằng đêm, cứ 1 giờ là phụ nữ Sơn Trà chèo thuyền ra biển, rồi lênh đênh đến 8-9 giờ sáng mới về. Mỗi thuyền có một hoặc hai cây đèn hột vịt, một tấm tre đan làm chỗ ngủ. Chị Nguyễn Thị Cúc cho biết: “Mỗi đêm như vậy chúng tôi cũng kiếm được dăm bảy chục ngàn đồng. Những hôm trúng đậm được vài trăm ngàn đồng”.
Nhưng các cô, các chị ở Sơn Trà không chỉ ra khơi để lưới ghẹ và câu mực. Họ còn đi ghe như đàn ông. Nhiều thiếu nữ đã đi biển ròng rã mấy ngày liền như trai tráng. Chị Cúc là con thứ ba trong gia đình có bốn chị em gái. Ba mất sớm, chị phải đi làm nuôi bà nội, nuôi mẹ, nuôi em. 17 tuổi chị theo ghe của ông bác ra khơi cùng bốn người đàn ông khác là anh em họ.
Chị cười rất tươi: “Thì tui cũng làm việc như họ thôi: bủa lưới, vớt cá, lại lo cả cơm nước. Chỉ không làm tài công thôi”. Các bà các cô bơi lội không kém gì đàn ông, ra khơi mấy chuyến là quen với sóng gió nên thấy cũng không vấn đề gì. “Tui tranh thủ đi làm để còn lấy chồng, tưởng rằng lấy chồng rồi khỏi ra biển nữa, ai ngờ chừ vẫn đi vậy!”.
Sơn Trà có 708 hộ, rất nhiều nhà có phụ nữ đi biển. Trưởng thôn Đoàn Văn Minh không giấu sự tự hào: “Vào mùa vụ có hàng trăm phụ nữ ra khơi, không phải mùa thì luôn có khoảng 70 người thường xuyên ra biển. Nhiều người đi lưới ghẹ không thua gì đàn ông như cô Ngoan, cô Tuyết...”. Chị Cúc kể: “Cách đây ít lâu con Mỹ, con Tỉ đi oánh lưới đục (lưới mắt dày) trúng cả 500.000 đồng. Ghẹ xanh cỡ 15.000-20.000đ/kg. Ghẹ loại bự 35.000 đồng”.
Nhưng sướng nhất là những hôm trúng cả cá úc, cá mú. Anh Vũ - cán bộ Đoàn xã - cho biết: “Nhiều đàn ông đi bạn (làm trên tàu đánh cá) còn thua. Nhiều chị làm lướt cả chồng luôn”. “Thật khó để thống kê các bà đi biển làm ra bao nhiêu tiền - phó chủ tịch xã Phạm Tấn Lập nói - nhưng chúng tôi biết chắc đàn bà rất nhạy cảm ở chỗ nhìn luồng nước đoán ở đâu nhiều ghẹ nhiều cá, mấy ông mấy anh nào tinh ý theo kịp”.
Giọt nước mắt trong đêm khơi
Phóng to |
Chị Hai Hồng và người bạn đêm khơi của mình - cây đèn hột vịt |
Nhiều người đàn ông Sơn Trà mà chúng tôi gặp thậm chí cũng không biết rõ nguồn gốc lý do vì sao phụ nữ ở đây lại ra biển. Ông Minh nói họ đã đi từ hồi những năm 1970. Ông Lập cho biết nghề này kiếm ra tiền nên phụ nữ cũng muốn đi. Nhưng tại sao cả xã Bình Đông, cả một vùng ngư dân trải dài duyên hải miền Trung lại chỉ có mỗi xóm nhỏ này có chuyện lạ lùng như thế? Ngay xóm bên cạnh Sơn Trà thôi tuyệt nhiên cũng không có người đàn bà nào ra khơi. Ông Quí giải thích thêm: “Vì Sơn Trà nằm ngay sát biển nên đi câu dễ dàng”. Nhưng thiếu gì xóm chài nằm sát biển như Sơn Trà?
Riêng chuyện này chỉ có phụ nữ mới hiểu phụ nữ thôi. Chị Cúc chẳng cần suy nghĩ đâu xa mà trả lời ngay: “Phụ nữ Sơn Trà đi biển từ sau năm 1974, tất cả bắt đầu từ hai chị Hai Hồng và Ba Thành. Đó là hai chị đi biển đầu tiên ở cái làng này!”.
Hai người phụ nữ “ngôi sao” ở Sơn Trà này là hai chị em ruột. Cả hai lại giống nhau ở chỗ chịu nhiều nỗi vất vả, khổ đau. Chồng cùng mất đột ngột năm 1974, cả hai chị cùng hụt hẫng vì thấy mình mỗi người một nách phải nuôi bốn đứa con thơ dại. Họ chưa hề ra khơi. Chỉ đi bán cá hay ở nhà lo cơm nước, vá lưới... Tội nghiệp hơn, chị Hồng còn có một người con bị nhiễm chất độc da cam từ nhỏ, lơ ngơ chẳng biết gì. Không còn cách nào khác, cả hai người mò mẫm ra biển khi thậm chí bơi còn chưa thạo.
Chị Hồng kể lại: “Lúc đầu chỉ dám đi gần bờ thôi. Những đêm ngồi lênh đênh một mình một thúng trên biển sợ lạnh cả sống lưng, nhưng nghĩ đến mấy đứa con ở nhà nên rồi cũng qua được”. Người đàn bà 56 tuổi này ngồi mân mê cây đèn hột vịt, người bạn duy nhất của chị trong đêm trường biển cả:
“Tôi cũng không nghĩ rằng mình với em gái là hai người phụ nữ đầu tiên đi biển ở đây. Mà đi một mình, lại đêm hôm có ai biết đâu. Chỉ có cây đèn là biết. Đèn được bỏ trong một cái chai nhựa, bên dưới chằng thêm một tấm phao để lỡ có rơi xuống nước cũng không tắt. Những hôm trời thanh, biển êm thì sau khi buông lưới xong có thể ngủ một giấc. Còn gặp phải hôm trời lừa (biển động) thì chỉ có ngồi đợi lúc kéo lưới. Còn mưa gió? Thì khoác áo mưa và tát nước liên tục cho thuyền khỏi chìm. Chẳng ai bỏ về cả vì không lẽ ra đây rồi lại về tay không?”.
- Những đêm dài lê thê trên biển như vậy chị sợ nhất điều gì? - chúng tôi hỏi.
- Tui không sợ mưa gió, không sợ buồn. Chỉ sợ nhất đèn bị tắt. Lúc đó không có ai trên biển nhìn thấy mình nữa.
- Chị sợ ghe đụng phải thúng của mình?
- Tôi cũng không sợ cái đó, mà sợ ghe đụng phải lưới, mất hết lưới là mình trắng tay, không có cá nuôi con...
Một tấm lưới 250.000 đồng. Mà mỗi lần đi chị mang tới 12-15 tấm. Vậy nhưng chuyện bị ghe đụng rách lưới là thường xuyên. Có những ngày về nhà không được ngủ nữa vì khi vá lưới xong thì đã đến giờ ra khơi tiếp. “Hôm rồi một chiếc ghe đụng rách lưới, tui phải đi kiện mãi mới được người ta đền cho được một nửa. Còn nếu đèn tắt, ghe đụng phải lưới thì mình ráng chịu vì đó là lỗi của mình”.
Có lần giữa cơn dông đèn tắt, đêm mờ mịt không thấy gì hết, mò chẳng thấy lưới đâu. Chị Hồng khóc mãi không thiết bơi vào bờ nữa. Nhưng rồi nghĩ cảnh mấy đứa con... Phải ráng vào thôi, không thể buông xuôi dù hôm nay phải vay tiền người ta, rồi những ngày dài sau đó phải bán rẻ ghẹ cho người ta đến tận khi nào xóa hết nợ.
Vậy mà chị Hai Hồng, chị Ba Thành vẫn nuôi con khôn lớn, lại còn xây nên ngôi nhà nhỏ, gả chồng vợ cho con cái. Đám thiếu nữ trong làng thì ngưỡng mộ họ nên “đua đòi” đi theo chị Hai, chị Ba ra khơi.
Không tốn tiền dầu máy, chỉ bơi bằng đôi tay nên thật tiết kiệm. Rồi thêm an toàn vì phụ nữ không chủ quan, hồi nào tới giờ chẳng ai bị chuyện gì. Ông phó chủ tịch xã bình luận thêm: “Dạo này đàn ông đi bạn khó khăn, phụ nữ Sơn Trà càng làm chủ gia đình hơn”.
Không có cái cảnh quen thuộc chồng ra khơi, vợ ở nhà cơm nước, buôn bán như mọi làng chài khác, ở Sơn Trà có một cuộc sống khác khi mỗi buổi sáng có những đứa con ra bãi biển mong mẹ trở về. Trước khi ra khơi, những người phụ nữ ở đây cũng lên lăng cá Ông (cá voi) của làng khấn vái, không chỉ mong cho đàn ông ra khơi mạnh giỏi mà còn cho chính mình vào lộng bình an.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận