01/08/2015 10:30 GMT+7

​Đàm phán TPP không đạt được thỏa thuận

THU ANH
THU ANH

TTO - Cuộc họp Bộ trưởng thương mại thuộc Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hôm 31-7 (giờ Mỹ) đã không thể đạt được một thỏa thuận tự do hóa thương mại giữa các nước trước bất đồng giữa Nhật và khu vực Bắc Mỹ về ngành xe hơi.

Đàm phán TPP đã không thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Ảnh: Reuters
Đàm phán TPP đã không thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Mỹ và Nhật Bản đã cố gắng để nhất trí các quy định về xuất xứ đối với xe hơi, trong đó xác định khi nào một sản phẩm được chỉ định xuất xứ trong khu vực tự do thương mại và không bị đánh thuế. 

Các nhà sản xuất xe hơi của Nhật lấy nhiều linh kiện từ Thái Lan, một nước không nằm trong TPP.

Về cơ bản Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí phần lớn các quy định nhưng phải có được sự ủng hộ từ Canada và Mexico, những nước dính chặt với ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ. 

Nhật Bản cũng muốn Mỹ nhanh chóng bỏ thuế đối với linh kiện xe hơi Nhật nhập vào Mỹ. New Zealand cũng nói họ không ủng hộ một thỏa thuận trong đó không mở cửa đáng kể thị trường sữa.

Các bộ trưởng cũng chưa thể nhất trí về vấn đề dữ liệu dùng để phát triển thuốc sinh học sẽ được bảo vệ bao lâu. Các nhà sản xuất thuốc của Mỹ muốn 12 năm nhưng Úc muốn chỉ 5 năm.

Reuters dẫn lời đại diện thương mại của Mỹ Michael Froman khẳng định sau cuộc họp ở Hawaii (Mỹ) rằng: “Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các cuộc gặp tuần qua. Chúng tôi đang tiến tới một thỏa thuận”. 

Kết quả kể trên đã làm nản lòng nhiều đại biểu tham gia đàm phán, những người đã cố gắng làm việc xuyên đêm để vượt qua các vấn đề còn tồn tại và đạt được những tiến bộ đáng kể về nhiều vấn đề gây tranh cãi. 

Bộ trưởng thương mại Úc Andrew Robb nói vấn đề nằm ở 4 nền kinh tế lớn là Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico trong bối cảnh các nước đã giải quyết được 98% vấn đề.  

Theo Reuters, thất bại trong việc đi đến một thỏa thuận được coi là một tin buồn đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama trên phương diện thỏa thuận này là công cụ kinh tế của chính quyền Mỹ trong chính sách xoay trục châu Á và là thời cơ để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực. 

Đàm phán ở Hawai có sự tham dự của 650 đại biểu, 150 nhà báo, được coi là cơ hội cuối cùng để đi đến một thỏa thuận, đúng lúc để quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay, trước kỳ bầu cử tổng thống năm 2016.

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên