07/01/2019 14:57 GMT+7

Đàm phán thương mại: Mỹ lẫn Trung đều muốn thỏa hiệp

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Các chuyên gia nhận định vòng đàm phán thương mại kéo dài hai ngày giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cả hai nước đều mong muốn thỏa hiệp.

Đàm phán thương mại: Mỹ lẫn Trung đều muốn thỏa hiệp - Ảnh 1.

Một bến cảng tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Báo Guardian đưa tin các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau trong hai ngày 7 và 8-1 ở cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ sau khi đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày giữa hai bên.

Sau cuộc gặp không đạt thỏa thuận hồi tháng 12-2018 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cả hai bên đã đồng ý hoãn tăng thuế áp lên hàng hóa của nhau để tiến hành các cuộc đàm phán về chuyển giao công nghệ cũng như vấn đề ăn cắp sở hữu trí tuệ và an ninh mạng.

Nếu Washington và Bắc Kinh không đạt được thỏa thuận nào sau cuộc gặp ngày 7 và 8-1 ở Bắc Kinh thì mức thuế áp lên 200 tỉ hàng hóa Trung Quốc của Mỹ sẽ tăng từ 10% như hiện tại lên 25% vào tháng 3-2019.

Ngày 6-1 ông Trump cũng nhận định rằng Trung Quốc đang chịu áp lực phải đạt được thỏa thuận trước các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước này đang chậm lại.

"Tôi nghĩ Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề. Nền kinh tế của họ đang không hoạt động tốt. Tôi nghĩ rằng đó là động lực lớn để họ đàm phán" - ông Trump nói.

Trong khi đó, các nhà phân tích tin rằng vòng đàm phán thứ 6 này khó có thể tạo ra một bước đột phá lớn nhưng sẽ đặt nền tảng quan trọng cho một thỏa thuận mà hai bên mong muốn đạt được.

Hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đối mặt với một số vấn đề kinh tế. Trung Quốc chịu áp lực xuất khẩu và suy thoái kinh tế trong khi thị trường chứng khoán Mỹ đang tụt dốc.

Giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Renmin ở Bắc Kinh, ông Shi Yinhong, cho rằng với lý do trên Mỹ và Trung Quốc đều sẵn sàng đàm phán và trông đợi một thỏa thuận giữa đôi bên.

"Tôi nghĩ rằng có thể đạt được thỏa thuận trước tháng 3 nếu cả hai bên đàm phán nhanh chóng" - ông Shi nói.

Lãnh đạo Trung Quốc đang chịu áp lực phải chấm dứt cuộc chiến thương mại này do ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu và niềm tin của người tiêu dùng và làm nền kinh tế của nước này phát triển chậm lại.

Dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Mỹ là Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish, các quan chức từ Bộ Tài chính, Bộ Năng lượng và nông nghiệp cũng như Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng.

Tuy nhiên phái đoàn không có bất kỳ quan chức cấp cao nào của chính quyền Washington. Đây là dấu hiệu cho thấy vòng đàm phán này là trù bị cho các vòng đàm phán cấp cao hơn.

Chuyên gia thương mại về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, ông Scott Kennedy, nhìn nhận cuộc gặp hôm nay sẽ bàn về những vấn đề nảy sinh từ chính sách công nghiệp "Made in China 2025" (tạm dịch là Sản xuất tại Trung Quốc 2025) của Trung Quốc. Mỹ cho rằng chính sách này vi phạm luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới.

Bên cạnh đó cũng có khả năng đại diện Tập đoàn Huawei của Trung Quốc sẽ xuất hiện trên bàn đàm phán.

Theo ông Kennedy, nếu hai bên có thể đạt được tiến bộ trong việc xác định các vấn đề chính và thu hẹp các giải pháp khả thi thì điều này sẽ mở đường cho Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sang Washington trong tuần tới.

Chiến tranh thương mại khiến thương mại quốc tế nhộn nhịp hơn Chiến tranh thương mại khiến thương mại quốc tế nhộn nhịp hơn Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng dệt may Việt Nam Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng dệt may Việt Nam Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng gì đến bất động sản Việt? Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng gì đến bất động sản Việt?
ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên