27/12/2018 13:45 GMT+7

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng dệt may Việt Nam

N.AN
N.AN

TTO - Nhờ đầu tư các dự án sợi từ giai đoạn trước nên doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) năm 2018 tăng mạnh, đạt hai con số trong bối cảnh nhiều nước xuất khẩu dệt may tăng chậm.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng dệt may Việt Nam - Ảnh 1.

Ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu gần 37 tỉ USD - Ảnh: N.AN

Thông tin được ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex, đưa ra tại buổi họp báo về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 sáng 27-12.

Kim ngạch xuất khẩu toàn tập đoàn là 3,05 tỉ USD. Doanh thu 2018 là 48,6 nghìn tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận toàn tập đoàn 1.532 tỉ đồng, tăng 16% so với kế hoạch và tăng 6,2% so với 2017. Đáng chú ý là lợi nhuận công ty mẹ tăng tới 35%.

Theo ông Hiếu, nguyên nhân khiến cho doanh thu và lợi nhuận tăng vọt bên cạnh việc chuyển dịch được đơn hàng chất lượng cao, mà còn là do một loạt các dự án Vinatex đầu tư giai đoạn 2015 - 2016 đến thời điểm này bắt đầu có "trái ngọt".

Đơn cử như dự án sợi Phú Hưng, sợi Nam Định, sợi Phú Cường (Đồng Nai). Đây là ba dự án Vinatex trực tiếp rót vốn, đến nay vượt qua điểm lỗ trước thời gian phê duyệt là sau 3 năm đầu tư, nên giúp cho lợi nhuận công ty mẹ tăng cao.

"Nếu không có chuyện chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, dự án sợi rất mỹ mãn, vì đa phần các nhà máy sợi của tập đoàn 9 tháng đầu năm đã hoàn thành chỉ tiêu. Song 3 tháng cuối năm thị trường ảm đạm, biến động và nhiều đơn vị bị ảnh hưởng lớn", ông Hiếu cho hay.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng có ảnh hưởng đến ngành dệt may trong các tháng cuối năm. Theo đó, chỉ tiêu xuất khẩu của cả ngành kỳ vọng vượt qua 37 tỉ USD, nhưng do tác động của cuộc chiến này nên kim ngạch ước đạt 36,164 tỉ USD.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Hiếu, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng đến 2 con số, với mức 16%. Nhiều nước xuất khẩu dệt may là đối thủ như Ấn Độ, Băngladesh thậm chí còn tăng trưởng âm, hay Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tăng 5-7% với giá trị không cao...

Về nội địa năm 2018, tổng doanh thu Tập đoàn đạt 9.385 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Các đơn vị làm tốt thị trường như dệt may Phong Phú, Việt Thắng, Việt Tiến, Nhà Bè...

Trong bối cảnh diễn biến thị trường khó lường, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi Mỹ có thể áp thêm 15% thuế, ông Hiếu cho biết tập đoàn đặt ra mức tăng trưởng vừa phải từ 8 - 10%. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khoảng 40 tỉ USD.

Giải pháp tập trung là tập đoàn đầu tư chiều sâu, thay thế máy móc cũ lạc hậu bằng thiết bị tiên tiến, đặc biệt khâu nào đang sử dụng nhiều lao động sẽ thay thế để tăng năng suất.

Hai là tập trung chăm sóc tốt cho đội ngũ người lao động, gồm điều kiện làm việc và thu nhập, bảo toàn lực lượng lành nghề.

Ba là xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa sợi dệt, nhuộm và may để tận dụng CPTPP và EVFTA.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may có đơn tương đối dài, đến hết quý II, thậm chí một vài đơn vị có đơn hàng đến tháng 9 sang năm. Còn lại hầu hết đã có đơn hàng đến quý I. Tuy nhiên, các nhà máy sợi gặp khó khăn, nhưng đa số đều đã ký xong và chạy đơn tháng 1-2019.
Dệt may kỳ vọng vào cạnh tranh giá ở thị trường EU Dệt may kỳ vọng vào cạnh tranh giá ở thị trường EU

TTO - Cam kết linh hoạt về quy tắc xuất xứ cộng gộp, cùng với cơ hội cạnh tranh lớn về giá so với nhiều nước xuất khẩu chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) khiến ngành dệt may VN có thêm nhiều kỳ vọng khi EVFTA thông qua.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên