
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trong cuộc gặp ngày 18-2 tại Riyadh, Saudi Arabia - Ảnh: Bộ Ngoại giao Saudi Arabia
Còn quá sớm để có thể nói liệu cuộc gặp Mỹ - Nga ở Saudi Arabia có mang lại một thỏa thuận hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine hay không. Nhưng riêng việc Mỹ và Nga lần đầu tiên ngồi lại với nhau sau ba năm đã cho thấy những thay đổi nhanh chóng trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Thay đổi toàn diện
Dù được dự báo trước nhưng hành động này của ông Trump vẫn gây bất ngờ cho tất cả các bên, từ các nước có liên quan cho đến các đối thủ và thậm chí cả đồng minh của Mỹ.
Cùng với các chính sách an ninh biên giới, thuế quan thương mại, viện trợ nước ngoài, chính quyền mới đang nhìn nhận và đánh giá lại "lợi ích quốc gia" của Mỹ với tư cách là siêu cường số 1 thế giới và kéo theo đó là những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại không chỉ với đồng minh, đối thủ mà còn cả những nền tảng của sự vận hành của thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.
Trước hết, có thể thấy cách tiếp cận đối ngoại của Tổng thống Trump khác nhiều với chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Biden, tái định hình lại toàn bộ các mối quan hệ đồng minh, đối tác, đối thủ của Mỹ.
Thậm chí so với nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump còn có những bước đi quyết liệt hơn để hiện thực hóa cam kết "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Trong chiến dịch vận động tranh cử ông đã tuyên bố sẽ chấm dứt chiến sự trong vòng 24 giờ, và sau khi tái cử đã cam kết sẽ giải quyết xung đột Nga - Ukraina trong vòng sáu tháng.
Ông Trump cho rằng kinh nghiệm đàm phán trong kinh doanh sẽ là chìa khóa để ông mang lại thỏa thuận cho cuộc xung đột này, từ đó tạo đột phá trong chiến lược đối ngoại của Mỹ.
Hơn nữa, khác với nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ lần này những ý tưởng của Tổng thống Trump sẽ có sự ủng hộ và được thúc đẩy bởi các lãnh đạo có cùng chung tầm nhìn, chí hướng như Phó tổng thống J. D. Vance, Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz và nhiều lãnh đạo khác.
Rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước khi nhiều ý tưởng của mình không trùng quan điểm với các quan chức khác trong chính quyền, trong nhiệm kỳ này ông Trump đã lựa chọn những người cùng tư tưởng để tạo ra sự đồng thuận trong việc thúc đẩy những vấn đề được coi là lợi ích của Mỹ.
Nước cờ khai cuộc
Cùng với đó, khác với chính quyền Tổng thống Biden, ông Trump sẽ không do dự sử dụng sức mạnh của nước Mỹ, "cây gậy" sẽ được sử dụng nhiều hơn "củ cà rốt".
Có lẽ trong lúc các đối thủ của Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, Nga đang lún sâu vào cuộc chiến tiêu hao chưa thấy lối ra, Trung Quốc vẫn chưa vượt qua những thách thức kinh tế từ sau dịch COVID-19 và các nước đồng minh EU gặp nhiều khó khăn nội bộ, nước Mỹ vẫn giữ được vị thế của mình nếu không muốn nói là còn gia tăng hơn trong tương quan so sánh với các đồng minh và đối thủ.
Với sức mạnh đó, nước Mỹ có thể buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán nếu không muốn bị "trừng phạt thêm về kinh tế và quân sự", bỏ qua sự tham gia của Ukraine, phớt lờ vai trò của các đồng minh EU và gạt Trung Quốc ra ngoài lề.
Cuối cùng có thể đây là bước đi khai cuộc trong "bàn cờ lớn" của Mỹ. Phải chăng chính quyền mới của ông Trump đã quyết định thay đổi hoàn toàn thế cuộc, bỏ qua các nước đồng minh để tái cấu trúc quan hệ với Nga và tập trung vào một đối thủ chiến lược hơn, lâu dài hơn là Trung Quốc.
Bất chấp xung đột Nga - Ukraine nổ ra, xét về mặt dài hạn, Trung Quốc là cường quốc duy nhất hiện nay có khả năng, tiềm lực và ý chí để thách thức vị trí siêu cường số 1 của Mỹ.
Chưa biết nước Nga có chịu thỏa hiệp, Ukraine có chấp nhận thỏa thuận và một nền hòa bình dựa trên sự dàn xếp của các nước lớn có bền vững hay không, nhưng những gì Tổng thống Trump đã làm đến nay cho thấy giai đoạn bốn năm tới sẽ chứng kiến một nước Mỹ đơn phương và quyết liệt hơn trong các vấn đề quốc tế và trong quan hệ với các nước.
Điều chỉnh và thích nghi
Trong quan hệ quốc tế "hai con voi đánh nhau thì cây cỏ chết, hai con voi yêu nhau thì cây cỏ cũng chết", xét cho cùng các nước lớn vẫn quyết định luật chơi trên trường quốc tế, các nước khác thường không có sự lựa chọn ngoài việc quan sát và tìm cách linh hoạt điều chỉnh và thích nghi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận