Viết tiếp bài viết Lệch lạc khi chọn ngành nghề và Quyết định làm thay đổi cuộc đời
Phóng to |
Chủ động cùng con xác định các phương án lựa chọn là cách hỗ trợ con có hiệu quả. Trong ảnh: phụ huynh trao đổi với con trong chương trình tư vấn “Cùng con chọn nghề” năm 2011 do Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh tư liệu |
TTO xin trích đăng:
* Cũng có khi nghề… chọn người!
Mãi đến khi đặt bút vào bộ hồ sơ đăng ký thi đại học tôi mới bắt đầu cảm thấy bị chới với, thật sự lúc đó tôi không biết mình thích gì và cần gì. Học lực của tôi chỉ ở mức khá, trong khi lúc đó khối C lại đang rất ít người chuộng, học xong sẽ làm gì là câu hỏi tôi trăn trở nhất, có lúc tôi đã nghĩ đến nước không thi đại học nữa.
+ Tôi rất đồng cảm với những tâm sự của các bạn trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Việc đăng những chia sẻ này là cách để người lớn thật sự hiểu rõ những tâm tư, nguyện vọng của các bạn trẻ chứ không duy ý chí áp đặt với tuyên ngôn nghề nghiệp đó có hái ra nhiều tiền không. Tôi nhớ câu nói mà một người thầy gửi gắm đến tôi "Không nghề nghiệp nào tự nhiên kiếm ra nhiều tiền. Có giàu hay không là ở chính bản thân em" |
Cuối cùng tôi chọn Báo chí với quan niệm “viết văn cũng như viết báo”. Hên sao tôi đã thi đậu vào cái ngành mà khi nhập học mới biết là “hot” nhất trường.
Nhưng cũng từ lúc này tôi đã bắt đầu ý thức được cái điều mình thích, tôi đã yêu những người thầy, cô nhiệt tình, năng động, yêu những tờ báo mới mỗi sáng, yêu những con người tận tụy không ngại vất vả và gian khổ để đưa thông tin đến với độc giả, làm thay đổi cuộc đời với những người bất hạnh.
Nghề đã chọn tôi như thế, và tôi cũng quyết theo nghề đến cùng.
Nhưng không phải ai cũng luôn thỏa mãn với những gì mình đã có, tôi chỉ tiếc rằng mình không có nhiều cơ hội để lựa chọn, không có điều kiện để hỗ trợ cho con đường đi của mình, chỉ mong các bạn trẻ phải vững vàng và tìm kiếm mọi sự trợ giúp tốt nhất để không bị vấp ngã.
Mong thầy cô, cha mẹ, xã hội quan tâm nhiều hơn tới những nơi học sinh còn nhiều thiếu thốn để các em có cơ hội được thực hiện ước mơ và thể hiện hết tài năng của mình.
* Học nghề này vẫn làm rất tốt nghề khác
Nếu ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn đã có ước mơ và lựa chọn nghề nghiệp cho mình và đầu tư cho ngành mình mơ ước thì là tốt rồi. Nhưng thực tế từ ước mơ, thực hiện ước mơ và sau này đam mê với ước mơ đó còn là một con đường rất dài và khi đi làm rồi, ta mới phát hiện ra mình có gắn bó được với nó hay không.
Khi còn là học sinh, mình chỉ mơ ước được trở thành cô giáo dạy cấp 3. Ngày đó thi vào ngành sư phạm rất khó, phải thật sự học chăm, giỏi mới thi đậu, và mình đã học ngày học đêm để thi cho đậu.
Trong 4 năm đại học mình vẫn rất hài lòng với ước mơ mình đang theo đuổi. Thế nhưng đến khi học xong đại học, khi thật sự trở thành cô giáo mình mới phát hiện ra nó chẳng phù hợp với mình tí nào. Lúc đó mình suy nghĩ, nếu cứ gắn bó với nghề này thì chỉ là duy trì sự sống vì mình không đam mê, mình không cống hiến, và như thế sẽ thật sự là thảm họa.
Thế là mình quyết định bỏ nghề. Đó quả là một lựa chọn khó khăn. Bởi vì nhà mình rất khó khăn, bỏ nghề dạy học mình không biết sẽ phải làm gì để sống. Nhưng mình vẫn quyết bỏ, vì đây là cơ hội cuối cùng, vì chỉ sau 1 năm nữa mình sẽ không có lựa chọn khác.
Lúc đó mình làm đủ nghề để sống và có tiền đi học thêm ngoại ngữ. Mình cũng không biết học ngoại ngữ ra để làm gì, nhưng học khi có cơ hội là dùng thôi. Thế rồi khi mình giỏi ngoại ngữ, mình làm đủ các công việc qua nhiều công ty. Trong 3 năm mình làm 10 công ty với 10 công việc khác nhau nhưng mình vẫn thấy nhàm chán vì công việc luôn lặp lại.
Thế rồi đến 1 ngày mình vào làm trong một cơ quan báo chí. Công việc bận tối mắt tối mũi, nhiều khi phải làm thâu đêm, với tiền lương xứng đáng. Sau năm năm làm việc mình vẫn thấy yêu công việc này. Câu chuyện của mình kể ra để cho các bạn biết rằng phải đến khi làm ta mới biết mình có yêu nó hay không. Ví dụ không nhất thiết cứ phải học báo chí mới làm được báo chí. Bạn cứ học thật tốt trong đại học đi đã, tranh thủ học thật nhiều kiến thức khác vào và học tốt ít nhất 1 ngoại ngữ, sau này bạn muốn làm công việc gì cũng có cơ hội đấy. Bởi vì đi làm rồi thì nghề sẽ dạy nghề thôi. Ai giỏi nghề thật sự là người đó có đam mê và làm việc hết mình đó bạn ạ.
* Tồn tại suy nghĩ "cứ học đại rồi tính"
Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ lựa chọn sai ngành nghề để học. Lý do trước đó các bạn không được tư vấn kỹ, không biết mình là ai, mình thích gì, ngành nghề nào phù hợp với bản thân.
Công tác hướng nghiệp cho học sinh còn quá yếu kém và mang tính chung chung. Cha mẹ thì cứ nghĩ con cái mình học ngành nào ra dễ xin việc, có thu nhập cao hoặc có chung truyền thống với gia đình là tốt chứ ít người nghĩ đến ước muốn của con em.
Bên cạnh đó, các môn học ở bậc phổ thông khác xa một trời một vực so với những môn mà các bạn sẽ được học trên ĐH và cũng khác xa với những gì các bạn sẽ làm sau này nên các học sinh không thể tự liên hệ giữa các môn học ở trường với các môn ở ĐH, với môi trường làm việc của từng ngành nghề. Chính vì vậy các bạn trẻ không có cái nhìn tổng quát khi chọn ngành, từ đó dẫn đến chọn bừa, chọn theo lời khuyên của người khác và thường có suy nghĩ "Cứ học đại rồi sẽ được thôi". Từ đó dẫn đến một bộ phận không nhỏ học nhầm ngành. Hậu quả sẽ là một lực lượng lao động làm việc mà họ không mong muốn, dẫn đến chất lượng lao động không cao, xã hội vì thế mà chậm phát triển.
Quyết định thay đổi cuộc đời Đời ta phải do ta quyết địnhĐời ta do ai định đoạt?Tin tưởng quyết định bản thân để không hối tiếcLựa chọn sai, có phải đã thất bại? Bạn đã từng có quyết định thay đổi cuộc đời như những người bạn trong loạt bài này? Bạn có hối tiếc, ân hận vì đã không dám quyết định, hoặc vì quyết định sai trong chuyện học hành, công việc, tình cảm...? Hãy chia sẻ những câu chuyện của bạn cũng như suy nghĩ của bạn trong vấn đề lựa chọn, quyết định trong cuộc sống. Email gửi về tto@tuoitre.com.vn, hoặc ở phần Ý kiến bạn đọc bên dưới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận