Phóng to |
Nhóm ngành cơ khí - ôtô được đánh giá có nhu cầu nhân lực lớn. Trong ảnh: giảng viên Nguyễn Sỹ Châu hướng dẫn sinh viên năm 3 khoa cơ khí Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thực hành với mô hình động cơ ôtô - Ảnh: Như Hùng |
Theo GS Phạm Phụ - Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), nhiều nước phát triển hiện vẫn rất quan tâm đến khoa học công nghệ. Họ luôn có nhiều chính sách nhằm lôi kéo sinh viên có năng lực khoa học công nghệ ở các nước đang phát triển để đào tạo. Tuy nhiên VN lại rất dửng dưng với vấn đề này.
“Thời gian qua chúng ta chỉ làm những điều rất đơn giản thâm dụng lao động, nhưng với tình hình công nghệ của VN hiện nay thì tôi rất e ngại. Sự phát triển của nền khoa học công nghệ đe dọa sự phát triển của đất nước vì nhận thức về ngành nghề đang bị lệch lạc” - GS Phạm Phụ cảnh báo.
Đìu hiu nhóm ngành công nghệ
Công nghệ mới chỉ... lắp ráp TS Dương Minh Tâm, phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết hiện tại TP.HCM có 15 khu công nghiệp - khu chế xuất và một khu công nghệ cao, nhưng điều đáng buồn là 65% lao động ở các khu này là lao động phổ thông. Hiện nay, các khu này đang có 270.000 lao động là công nhân lắp ráp và 10.000 lao động có trình độ ĐH. Dự kiến đến năm 2015, số công nhân lắp ráp sẽ lên gần 400.000 người, trong khi đó lao động có trình độ ĐH chỉ 13.000 người. |
Thực tế nhiều bạn trẻ đang chọn ngành theo phong trào, hoặc chịu áp lực từ phía gia đình. Trước kỳ thi tuyển sinh năm nay, thí sinh Lê Duy Hùng (Đà Nẵng) tâm sự: “Em thích ngành cơ khí, nhưng bố mẹ và các anh chị em không đồng tình vì cho rằng học nghề này vất vả... Giờ em chọn ngành quản trị kinh doanh, không biết có phù hợp với mình...”.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thế Hưng (Quảng Nam) cho biết quyết định đăng ký dự thi ngành tài chính - ngân hàng cũng do bạn bè rủ rê. “Từ năm lớp 10, em dự tính học công nghệ phần mềm vì em rất mê tìm hiểu lĩnh vực này nên quyết tâm học tốt các môn thi khối A. Tuy nhiên đến năm lớp 12, mấy đứa bạn nói học tài chính - ngân hàng sau này mới dễ kiếm việc làm nên em cũng nghe theo...” - Hưng chia sẻ.
ThS Lê Thị Ngọc Phượng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn - cho biết dù thế mạnh của trường là đào tạo các ngành công nghệ nhưng trên thực tế những năm gần đây nhà trường vẫn gặp khó khăn trong tuyển sinh ở lĩnh vực này. “Mặc dù nhà trường đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút người học với mức học phí ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn các ngành khác nhưng vẫn không cải thiện được, mỗi lớp chỉ có 15-20 sinh viên” - bà Phượng chia sẻ.
Tại Trường ĐH Văn Lang, những năm gần đây dù trường vẫn đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh các ngành công nghệ nhưng so với ngành kinh tế quy mô đào tạo ít hơn rất nhiều. Năm 2002, tỉ lệ ngành kỹ thuật công nghệ của trường chiếm hơn 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2004 giảm xuống 36,5% và giảm dần sau mỗi năm, đến năm 2011 con số này còn khoảng 28%.
“Không chọn người yêu mà chọn người lập gia đình”
Theo GS.TS Đào Văn Lượng - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, tình trạng cung cầu lao động hiện tại cho thấy không chỉ ngành công nghệ mà các ngành khác cũng rất thiếu lao động và cần những lao động tay nghề giỏi. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chưa tốt, phương pháp tự tuyên truyền của các trường ĐH vẫn còn yếu. Ông Lượng cho rằng để khắc phục, Nhà nước, cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng nhân lực đều phải thực hiện tốt hơn vai trò của mình.
Nhiều người nhìn nhận kỹ thuật công nghệ là những ngành học luôn có nhu cầu và mang lại giá trị xã hội to lớn. Trong khi hiện nay khoa học kỹ thuật còn ít được quan tâm, xã hội cũng ít đặt hàng với ngành này. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống thì ví von rằng với thực tế xã hội hiện nay, người ta không chọn người yêu mà chọn người lập gia đình để so sánh với việc chọn trường của giới trẻ. Ông cho rằng thí sinh có tâm lý chọn ngành dễ đậu để thi, dễ kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, ra trường có lương cao để học trong khi những điều này sẽ biến động theo thị trường. “Muốn đẩy mạnh khoa học công nghệ thì phải tạo say mê cho học sinh, phải cho thấy nhu cầu xã hội với ngành này, phải điều chỉnh chương trình đào tạo, tăng thực hành, cần tạo dựng các thần tượng về khoa học kỹ thuật cho học sinh” - ông Tống nói.
Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết TP.HCM mỗi năm cần 260.000 lao động, đào tạo mỗi năm được 270.000 người nhưng vẫn thiếu lao động. Từ cách đây 20 năm, lãnh đạo TP đã nghĩ việc lập những khu chế xuất để thu hút công nghệ nước ngoài nhằm phát triển khoa học kỹ thuật, kinh tế trong nước. Nhưng sau 20 năm, lao động trình độ ĐH ở đây chỉ khoảng 6%, còn lại vẫn là lao động phổ thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận