10/06/2013 07:40 GMT+7

Dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ được tín nhiệm cao

MAI HƯƠNG - LÊ KIÊN thực hiện
MAI HƯƠNG - LÊ KIÊN thực hiện

TT - Bắt đầu tuần làm việc này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, đồng thời sẽ bắt đầu các phiên chất vấn thành viên Chính phủ.

* Quốc hội đánh giá tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấp* Sẽ công khai tỉ lệ phiếu tín nhiệm

Tuổi Trẻ trao đổi với một số đại biểu Quốc hội về những suy nghĩ, trăn trở và những vấn đề sẽ đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

KtmyERr6.jpgPhóng to
Các đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Sơn, Trần Hoàng Ngân, Trương Văn Vở (từ trái qua) - Ảnh: VIỆT DŨNG - MAI HƯƠNG

Ông Nguyễn Anh Sơn (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định): Đại biểu không dễ bị vận động hành lang

* Ông suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cao cấp trong bộ máy nhà nước lần đầu tiên được Quốc hội thực hiện?

- Lá phiếu của đại biểu phải thể hiện được suy nghĩ, nguyện vọng của cử tri đối với những lĩnh vực, trọng trách mà người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm đang nắm giữ.

Đối với các vị lãnh đạo thuộc diện lấy phiếu, tôi cho rằng kết quả lần này sẽ giúp họ nhận thấy mức độ tín nhiệm của Quốc hội đối với mình như thế nào. Sự đánh giá ấy sẽ giúp các vị tự điều chỉnh công tác của mình cho tốt hơn.

* Ông chịu những sức ép nào khi cầm lá phiếu thể hiện mức độ tín nhiệm của cá nhân mình?

- Khó có thể nói là không có sức ép nào. Sức ép trước nhất là từ trách nhiệm của cá nhân mình, tức là mình phải làm sao thể hiện được đúng nhận xét khách quan, vô tư đối với các vị ấy. Ngoài ra, tôi phải nói thật là cũng có những sức ép tế nhị, cũng rất khó nói. Nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ nhìn vào cái chung, vì cái chung để mình đưa ra quyết định, thể hiện quan điểm của mình đúng mực nhất chứ không vì cái riêng. Đó là điều chắc chắn.

* Ở nhiều nước, nghị sĩ quốc hội có vị thế độc lập bởi họ làm việc chuyên trách. Ở nước ta thì mối quan hệ giữa các đại biểu với nhau khá phức tạp, tuy địa vị pháp lý ở Quốc hội là ngang nhau nhưng trong quan hệ hành chính lại là cấp trên - cấp dưới, rồi quan hệ trung ương - địa phương chi phối. Theo ông, đặc điểm này tác động như thế nào đến lá phiếu?

- Đúng là Quốc hội nước ta khác nghị viện nhiều nước bởi đặc điểm đó. Nhưng tôi tin với trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, tất cả vì cái chung thì những yếu tố như trên sẽ không chi phối đến mức quyết định tới lá phiếu của đại biểu Quốc hội.

* Do đặc điểm của mối quan hệ như trên đã nói, dư luận đặt ra vấn đề liệu có những hoạt động lobby (vận động hành lang) đối với các đoàn đại biểu Quốc hội hoặc các nhóm đại biểu Quốc hội từ những vị giữ trọng trách thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm?

- Tôi nghĩ rằng những vị có ý định lobby hoặc tiến hành lobby thì chắc chắn sẽ nhận được kết quả ngược. Mỗi đại biểu Quốc hội đều có suy nghĩ độc lập, có danh dự của mình. Theo dõi nhiều khóa Quốc hội, tôi cho rằng chất lượng đại biểu ngày càng được nâng lên, tính độc lập, khách quan trong suy nghĩ, đánh giá ngày càng cao. Do vậy, không dễ gì tác động đến đại biểu Quốc hội để làm sai lệch kết quả. Lobby nhiều chưa chắc phiếu đã cao.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Chỉ là đánh giá bước đầu

* Đến giờ phút này, ông thấy tác dụng lớn nhất của việc lấy phiếu tín nhiệm là gì?

- Đây là dịp đánh giá những người do Quốc hội bầu. Nó giúp người được lấy phiếu thể hiện tinh thần làm việc năng nổ hơn và xóa được tư duy nhiệm kỳ. Còn đại biểu Quốc hội thể hiện được trách nhiệm của mình là thay mặt người dân giám sát những chức danh đó. Khi số phiếu được công khai, các bộ trưởng sẽ thấy rõ hơn việc làm vừa qua của mình hiệu quả tới đâu, đem lại niềm tin, sự tín nhiệm đến mức nào. Đây có thể xem là một lần lấy mẫu để điều tra lên tới gần 500 phiếu, nhất là khi đại biểu Quốc hội là những người đại diện cho nhân dân trên khắp cả nước thì lần “lấy mẫu” này có một giá trị lớn.

* Theo quan điểm của ông, những yếu tố nào được ông đánh giá cao khi “chấm điểm” các chức danh?

- Tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta hết sức chia sẻ với các bộ trưởng, nhất là khi tình hình kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, lấy phiếu lần này chỉ là cơ sở bước đầu. Đến lần thứ hai, nó sẽ phản ánh rõ hơn vì nhiệm kỳ của các bộ trưởng kéo dài năm năm mà bây giờ chưa đi được nửa chặng đường. Nói cách khác, đây mới chỉ là thông tin ban đầu để giúp các bộ trưởng làm việc tốt hơn trong thời gian tới.

* Nhiều người cho rằng vị nào càng ít đụng chạm thì tín nhiệm sẽ càng cao?

- Cá nhân tôi nghĩ không có chuyện đó. Đây không phải bình chọn thi đua khen thưởng. Xét thi đua khen thưởng thì có khi còn dĩ hòa vi quý với nhau, anh bầu tôi, tôi bầu anh rồi cuối cùng ai cũng lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Ở đây là đại biểu Quốc hội đánh giá quá trình làm việc của anh. Cho nên không phải anh cứ im lặng là được. Tôi tin những bộ trưởng im lặng, ít nói thì phiếu sẽ không cao. Những vị nào dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nhận trách nhiệm và giải quyết những tồn đọng, lỗ hổng trong công việc mới được đánh giá cao.

* Nếu chất vấn các bộ trưởng, ông sẽ ưu tiên chất vấn chuyện gì?

- Tôi quan tâm tới chuyện làm sao cứu được nông dân vì nông dân vừa là người đem lại an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia, góp phần cải thiện cán cân thương mại. Đóng góp của nông nghiệp rất lớn nhưng nông dân hiện nay đang phải chịu lỗ kép: giá lương thực thực phẩm giảm nhưng chi phí của họ cho thuốc men, dịch vụ y tế tăng rất cao, chi phí giao thông, điện nước cũng lên và nông dân đang rất khổ sở. Giải quyết vấn đề cho nông dân cũng có nghĩa là giải quyết an sinh xã hội. Tôi muốn biết bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải tính sao trước tình hình này. Dư luận, nông dân đòi hỏi ông phải có sự mạnh mẽ trong điều hành để bảo vệ lĩnh vực mình đang phụ trách.

Đại biểu Trương Văn Vở (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai): Tôi quan tâm việc thực hiện lời hứa

* Tại kỳ họp Quốc hội lần này, ông có nhiều vấn đề bức xúc muốn chất vấn các bộ trưởng?

- Vấn đề tôi quan tâm nhất là tình trạng khai thác rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, ngày càng đáng báo động. Việc chuyển diện tích rừng tự nhiên sang làm các việc khác, chẳng hạn như làm thủy điện hay trồng cao su, cũng còn nhiều chuyện đáng nói.

Một vấn đề nữa là cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, kể cả sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chuyện này Chính phủ đã chỉ đạo gần hai năm nhưng việc thực hiện còn quá chậm.

* Ông có suy nghĩ gì trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm?

- Tôi cho rằng đây là bước đổi mới quan trọng của đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng trong công tác đánh giá cán bộ. Việc làm này phù hợp với nguyện vọng từ lâu nay của cử tri, của nhân dân. Không phải lấy kỳ này xong là kết thúc mà phải thông qua thực tiễn để tiếp tục kiểm nghiệm quá trình thực hiện nhiệm vụ của các chức danh, qua đó có đánh giá nhằm thẩm định mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhất là với cán bộ cao cấp của Nhà nước. Nếu người đứng đầu ngành mà để ngành bất ổn thì không thể nói là hoàn thành nhiệm vụ.

* Ông quan tâm đến yếu tố nào nhất khi bỏ phiếu?

- Tôi cho rằng quan trọng nhất là sự chủ động giải quyết kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri trong lĩnh vực mình phụ trách. Một yếu tố nữa là việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri.

Ông Lê Việt Trường

(phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh):

Khó có chuyện tất cả đều tín nhiệm cao như nhau

Công tác chuẩn bị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua rất công phu, đã có văn bản hướng dẫn quy trình lấy phiếu, rồi yêu cầu tất cả các chức danh đó phải có bản tự đánh giá về quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình năm qua. Tôi đánh giá cao tinh thần cầu thị của những báo cáo đã kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc bản thân mình, những mặt làm được và chưa làm được. Có vị còn nêu rõ hạn chế, yếu kém này là do trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, cá biệt trong đó cũng có một số báo cáo mới chủ yếu nêu thành tích, không có một câu nào nói đến trách nhiệm cá nhân về những hạn chế trong lĩnh vực phụ trách. Đối với những báo cáo như vậy thì chúng tôi thấy không thỏa đáng. Không nên né tránh vì đã làm việc tất nhiên có ưu điểm và nhược điểm, cần phải thẳng thắn sẽ nhận được sự chia sẻ.

Nhớ lại khi bắt đầu khóa Quốc hội đã tiến hành công tác kiện toàn bộ máy nhân sự. Tất cả đại biểu ở các miền được bầu về dự họp có tới hơn 60% là mới, chỉ có khoảng 30% tái cử. Lúc bấy giờ mức độ hiểu biết về các nhân sự đưa ra còn hạn chế, nhất là các nhân sự ở trung ương, thậm chí có những trường hợp lần đầu tiên đại biểu nghe tên, lần đầu tiên thấy mặt. Nhưng kết quả bầu và phê chuẩn nhân sự của Quốc hội như chúng ta đã biết là không phải tỉ lệ đều giống nhau. Chẳng hạn khi Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình, có những trường hợp chỉ trên 60% và có những trường hợp trên 90%. Như vậy ngay lúc đó đại biểu đã có nhãn quan chính trị của mình khi bỏ phiếu. Quốc hội đã đi gần được nửa nhiệm kỳ, chắc chắn thời gian qua đại biểu đã có thêm nhiều cơ sở để đánh giá sát hơn. Không thể nào sàn sàn trên 90% cả, chắc là khó có điều đó.

V.V.Thành ghi

Quốc hội đánh giá tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấp

* Sẽ công khai tỉ lệ phiếu tín nhiệm

Hôm nay (10-6), lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm của mình đối với các chức danh cao cấp trong bộ máy nhà nước, bao gồm: Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, các thành viên Chính phủ (27 người), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (17 người), chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tổng số người giữ chức danh thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm là 49. Tuy nhiên, do Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là hai vị trí mới được bầu nên không thuộc diện phải lấy phiếu tín nhiệm lần này, như vậy Quốc hội sẽ bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm 47 vị.

Dự kiến Quốc hội sẽ thành lập ban kiểm phiếu với trên 20 thành viên từ các đoàn đại biểu Quốc hội khác nhau.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Nương, trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai tỉ lệ tín nhiệm đối với từng trường hợp được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, đúng như nội dung nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Theo điều 6 của nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người được ban kiểm phiếu công bố tại kỳ họp, trong đó có nội dung tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” và tỉ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND.

Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Nếu người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội tín nhiệm.

* Trong tuần này, một nội dung rất đáng chú ý trong chương trình nghị sự của Quốc hội là việc chất vấn và trả lời chất vấn với tổng thời gian hai ngày rưỡi, bắt đầu từ chiều 12-6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chốt danh sách trả lời chất vấn trước Quốc hội. Theo đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ trả lời chất vấn Quốc hội.

K.HƯNG - LÊ KIÊN

MAI HƯƠNG - LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên