Tối 26-12, sau 4 năm nỗ lực, Ban Khoa học Trái đất và Giảm thiểu rủi ro địa chất thuộc UNESCO tiếp tục trao danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần 2 cho hệ thống hang động núi lửa cho UBND tỉnh Đắk Nông.
Công viên địa chất Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa, có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, trong đó có hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước…
Các nhà khoa học từng phát hiện về di chỉ khảo cổ người tiền sử sinh sống trong khu vực hang động núi lửa của công viên địa chất, đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó còn rất nhiều các loại khoáng sản, đá quý…
Việc tái thẩm định danh hiệu 4 năm một lần do các chuyên gia UNESCO thực hiện, là thước đo giúp tỉnh Đắk Nông đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế và định hình chiến lược phát triển công viên địa chất toàn cầu bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Văn Mười - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cho biết Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận vào tháng 7- 2020, trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ 3 tại Việt Nam, sau Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, đưa tỉnh Đắk Nông chính thức gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Công viên địa chất Đắk Nông minh chứng cho nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị
Ông Jonathan W. Baker - đại diện UNESCO tại Việt Nam - chúc mừng Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được UNESCO tái thẩm định thành công và trở thành Công viên địa chất toàn cầu giai đoạn 2024–2027.
"Thành tựu này chính là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đắk Nông trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của công viên địa chất. Đây là cơ hội mới cho Đắk Nông để củng cố thương hiệu toàn cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế, đồng thời nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường thế giới", ông Jonathan W. Baker nói.
Bên cạnh việc đón nhận danh hiệu "Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 2", UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã tổ chức hội thảo "Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững".
Theo các chuyên gia, cần kết hợp tiềm năng to lớn của Đắk Nông trong cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ và hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nông nghiệp.
Phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, tận dụng địa hình đưa du lịch cộng đồng gần hơn với công chúng. Nhưng đặc biệt, cần bảo tồn hệ thống hang động, khôi phục lễ hội truyền thống…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận