09/11/2022 19:48 GMT+7

Đại tướng Phan Văn Giang: Thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự trong dự án Luật phòng thủ dân sự là cần thiết để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, củng cố, sửa chữa các công trình hạ tầng.

Đại tướng Phan Văn Giang: Thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết - Ảnh 1.

Đại tướng Phan Văn Giang - Ảnh: PHẠM THẮNG

Băn khoăn việc lập Quỹ phòng thủ dân sự

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật phòng thủ dân sự chiều ngày 9-11, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn về quy định Quỹ phòng thủ dân sự.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề có nên thành lập quỹ này nữa hay không vì liên quan đến hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố hiện đã có Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ phòng, chống dịch…

Ông cũng cho rằng việc điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan cho Quỹ phòng thủ dân sự là chưa phù hợp. Dẫn chứng từ Quỹ bảo vệ môi trường, ông Hòa đánh giá lâu nay đang được thực hiện tốt, giờ điều tiết cho quỹ khác mà gây sự cố, mất cân đối ai chịu trách nhiệm?

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị khi Quỹ phòng thủ dân sự hình thành trên cơ sở đều tiết từ các quỹ cần phải xác định rõ, cụ thể chi hỗ trợ theo đúng nội dung chi của từng quỹ. Không thể chi hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống thiên tai cho các thảm họa, sự cố ngoài thiên tai.

Ngoài ra có ý kiến đề nghị cần điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết với quỹ này và Quỹ phòng, chống thiên tai.

Cũng theo dự thảo, phòng thủ dân sự được quy định thành 4 cấp độ, trong đó cấp độ 1, 2, 3 căn cứ vào phạm vi địa giới hành chính. Còn cấp độ 4 được áp dụng để "ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp".

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nói cần "cân nhắc kỹ". Bởi thảm họa, sự cố cùng tính chất mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường như nhau nhưng có thể xác định cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau. 

Đại biểu ví dụ sự cố xảy ra tại hai xã trong một huyện thì xác định phòng thủ dân sự cấp độ 1; nhưng hai xã này ở hai huyện trong tỉnh lại được xác định ở cấp 2. Như vậy là chưa phù hợp.

Ông cũng nhấn mạnh không phải mọi trường hợp hậu quả thảm họa, sự cố trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh cũng lớn hơn hậu quả thảm họa, sự cố trong phạm vi địa bàn cấp huyện.

Ngược lại có trường hợp thảm họa, sự cố trên phạm vi cấp huyện gây hậu quả về tính mạng, sức khỏe, tài sản lớn hơn nhiều thảm họa, sự cố xảy ra trên phạm vi cấp tỉnh.

Ông đề nghị dự luật căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự và các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng. 

Đại tướng Phan Văn Giang: Thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ảnh: PHẠM THẮNG

Lập quỹ để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ khẩn cấp

Giải trình sau đó, Đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết dự thảo luật chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa.

Việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục với sự cố, những loại hình thiên tai, dịch bệnh thông thường thực hiện theo quy định của luật hiện hành.

Để không chồng chéo với luật chuyên ngành, dự thảo luật đã quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố và các cấp độ phòng thủ dân sự cũng như các biện pháp trong từng cấp độ...

Về việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự, theo ông Giang là cần thiết để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, củng cố, sửa chữa các công trình hạ tầng; bảo đảm cấp thiết cho lương thực, thực phẩm, thuốc và các nhu cầu cấp thiết khác do hậu quả của thảm họa, sự cố...

Dự thảo luật quy định quỹ được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh. Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở hỗ trợ đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Điều tiết từ quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến thảm họa sự cố, bảo đảm Quỹ phòng thủ dân sự hoạt động không chồng chéo, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật.

Ông lấy ví dụ trong phòng, chống dịch COVID-19 cần tăng cường nguồn tài chính mua vắc xin nên thành lập Quỹ vắc xin. Dù lúc đó Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ bảo vệ môi trường vẫn còn nhưng nếu áp dụng các quỹ này thì luật chưa cho phép, cho nên phải có quỹ mới.

Do đó dự thảo luật quy định điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến phòng thủ dân sự là phù hợp, bảo đảm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố.

Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội dự án Luật phòng thủ dân sự Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội dự án Luật phòng thủ dân sự

TTO - Dự thảo Luật phòng thủ dân sự được trình Quốc hội đưa ra 4 cấp độ. Trong đó chủ tịch UBND cấp huyện được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1; chủ tịch UBND cấp tỉnh được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên