16/08/2022 17:04 GMT+7

Chính phủ đề xuất quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Theo thượng tướng Nguyễn Tân Cương - tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự là mức độ cao nhất của thảm họa, sự cố về phòng thủ dân sự.

Chính phủ đề xuất quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự - Ảnh 1.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương tại phiên họp chiều 16-8 - Ảnh: PHẠM THẮNG

Trình bày tờ trình dự án Luật phòng thủ dân sự trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16-8, thượng tướng Nguyễn Tân Cương, tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết dự thảo luật gồm 7 chương với 75 điều.

Tại tờ trình, Chính phủ xin ý kiến vấn đề tình trạng khẩn cấp về phòng phủ dân sự. Theo đó, phương án 1 quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự. Đây cũng là phương án thể hiện tại dự thảo luật.

Thượng tướng Cương cho hay tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự là mức độ cao nhất của thảm họa, sự cố về phòng thủ dân sự.

Ông nói việc quy định các biện pháp mang tính chất dân sự trong tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự (không quy định các biện pháp về quốc phòng, an ninh) là hết sức cần thiết, tạo cơ sở luật định quan trọng để thực hiện các giải pháp trong tình huống xảy ra thảm họa, sự cố.

Đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về phòng thủ dân sự, đặc biệt là các biện pháp hợp pháp, áp dụng được ngay khi xảy ra thảm họa, sự cố ở các cấp độ, trạng thái khác nhau; kịp thời xử lý những vấn đề bất cập trong thời gian qua.

“Thực tế thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 cho thấy việc áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh chưa đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh như giãn cách xã hội, cơ chế cách ly tập trung, xây dựng cơ sở y tế, chính sách đặc thù phục hồi kinh tế, an sinh sau thảm họa, sự cố”, thượng tướng Cương cho hay.

Phương án 2 là không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự. Thượng tướng Cương nêu rõ ưu điểm khi chọn phương án 2.

Trong đó khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự có thể áp dụng quy định hiện hành ở Hiến pháp 2013, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp và các luật khác.

Dù vậy, ông Cương nêu việc không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự có nhược điểm là chưa khắc phục được khoảng trống của hệ thống pháp luật, chưa giải quyết được những vướng mắc và yêu cầu từ thực tiễn.

“Với 13 loại thảm họa, sự cố quy định tại dự thảo luật này thì một phần được thể hiện tại các luật chuyên ngành, nhưng các luật đó chưa bao quát đầy đủ và chưa có điều chỉnh hợp lý về tình trạng khẩn cấp”, ông Cương nói.

Ở cơ quan thẩm tra, qua thảo luận cũng có 2 loại ý kiến. Theo thiếu tướng Lê Tấn Tới - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, một số ý kiến thấy cần thiết quy định phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp nhưng đề nghị sửa lại tên mục là phòng thủ dân sự trong trường hợp khẩn cấp để tránh chồng chéo với hoạt động phòng thủ dân sự thông thường.

Một số ý kiến đề nghị tổng kết thực hiện quy định về tình trạng khẩn cấp và xây dựng luật về tình trạng khẩn cấp trước...

Thường trực ủy ban đề nghị nghiên cứu kỹ, nếu quy định cần làm rõ các “khoảng trống” pháp lý của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, các luật khác để chỉnh lý, tránh chồng chéo, trùng lắp...

Về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự, tướng Cương nêu theo dự thảo là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự.

Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành trung ương và các cấp địa phương...

Thẩm tra nội dung này, thiếu tướng Lê Tấn Tới cho hay thường trực ủy ban tán thành việc đổi mới cơ cấu, tổ chức, điều hành chỉ đạo công tác phòng thủ dân sự theo hướng gọn đầu mối, tăng cường phân công, phân cấp...

Song cơ quan này đề nghị cần đánh giá kỹ kết quả hoạt động, mô hình chỉ huy, chỉ đạo để quy định phù hợp.

Vợ lấy luôn thẻ ATM của chồng, cha mẹ bắt con đi học thêm suốt có phải bạo lực gia đình? Vợ lấy luôn thẻ ATM của chồng, cha mẹ bắt con đi học thêm suốt có phải bạo lực gia đình?

TTO - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng nói việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là bạo lực gia đình không là rất khó, nên cơ quan soạn thảo cố gắng phân làm 4 nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện như dự thảo luật sửa đổi.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên