04/04/2015 06:37 GMT+7

Đại thắng mùa xuân 1975: Sức mạnh nội sinh làm nên chiến thắng

PHẠM VŨ - QUỐC THANH
PHẠM VŨ - QUỐC THANH

TT - 116 tham luận gửi đến hội thảo khoa học cấp nhà nước “Đại thắng mùa xuân 1975 - sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình” là bản tóm tắt đa diện, đa chiều của 21 năm kháng chiến chống Mỹ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (trái) gặp gỡ các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Quang Định

Hội thảo do Bộ Quốc phòng - Ban Tuyên giáo trung ương - Thành ủy TP.HCM tổ chức tại TP.HCM ngày 3-4. 

Điểm chung của các bài tham luận là ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình đã sinh ra sức mạnh nội sinh, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài suốt hàng chục năm.

Vượt sức mình

“Ý chí ấy đã khiến một cô gái Sài Gòn xinh đẹp, đoan trang, học thức và cả giàu có như cô Tám Thảo (tức bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung) trở thành một thành viên trong cụm tình báo H63 của chúng tôi”, câu chuyện của ông Tư Cang (tức đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu) đã làm sống lại hàng trăm, hàng ngàn những câu chuyện về con người trong thời chiến tranh.

Cả ông Tư Cang nữa, chính ông cũng bao lần vượt sức mình để sắm nhiều vai khác nhau trong hoạt động tình báo.

“Tất cả chúng tôi khi ấy đã sống, làm việc, chiến đấu không phải vì nghĩa vụ, trách nhiệm, mà là “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Ánh lửa ấy là lý tưởng thống nhất đất nước, là mơ ước hòa bình, từ đó sinh ra sức mạnh trong mỗi người, cộng hưởng thành sức mạnh nội sinh của dân tộc” - ông Đinh Xuân Dũng, phó chủ tịch Hội đồng Lý luận - phê bình văn học nghệ thuật trung ương, nói.

Sức mạnh nội sinh ấy đã giúp những thành phố, làng mạc, ruộng vườn dù bị tàn phá bởi mưa bom bão đạn nhưng vẫn còn chỗ để che chở con người, vẫn còn sản sinh ra được lúa ngô khoai sắn để nuôi quân ra trận.

Sức mạnh nội sinh ấy giúp những mẹ, những chị dù cạn khô nước mắt vì mất mát vẫn căng sức để làm một hậu phương vững chắc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải gặp gỡ các đại biểu dự hội thảo “Đại thắng mùa xuân 1975 - sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình” - Ảnh: Q.Định

Thúc đẩy một cuộc vượt sức nữa

Chiến tranh đã đi qua 40 năm, nói lại những câu chuyện chiến tranh bao giờ cũng là để nói tiếp những câu chuyện trong hòa bình.

Trong thư gửi các đại biểu tham dự hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh:

“Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta đang đứng trước thời cơ và thách thức mới, đặt ra những nhiệm vụ to lớn, nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Qua cuộc hội thảo rất quan trọng và có ý nghĩa này, tôi tin tưởng các đồng chí sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ta để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc và thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”.

Sức mạnh nội sinh của dân tộc liệu có thể và bao giờ sẽ thúc đẩy một cuộc vượt sức nữa để biến giấc mơ giàu mạnh, phát triển, độc lập, hạnh phúc, tự do của hòa bình trở thành hiện thực?

Bằng những trải nghiệm tuổi 95, gần 80 năm hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Thọ Chân vừa nhấn giọng vừa tha thiết:

“Chúng ta không thể ru ngủ mình sau thắng lợi vì còn lắm chuyện đa đoan. Toàn dân phải cần cù và sáng tạo, góp sức xây dựng đất nước. Dân phải giàu, nước phải mạnh. Chúng ta không được phép nghèo, vì nghèo tức thì hèn yếu”.

Khẳng định tầm quan trọng của tư tưởng, ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - nêu bật những giá trị văn hóa, tinh thần phong phú của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, anh hùng, bất khuất, dũng cảm, thông minh, sáng tạo, yêu chuộng hòa bình, giàu lòng nhân nghĩa, có tinh thần đoàn kết quốc tế...

Ông Huynh khẳng định công tác tư tưởng góp phần xây dựng con người Việt Nam trong kháng chiến, từ đó mà sức mạnh nội sinh đã sinh ra.

“Tin dân, trọng dân, học dân, dựa vào dân, huy động sức mạnh của toàn dân” - Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân rút ra bài học sâu sắc nhất mà ông lĩnh hội được từ quá trình chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thực tiễn quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng TP.HCM.

Lịch sử đã chọn Sài Gòn làm nơi bắt đầu và kết thúc cuộc kháng chiến 21 năm chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Quá trình 40 năm hòa bình, thống nhất vừa qua cũng chọn TP.HCM làm đầu tàu, nơi xuất phát những động lực của phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Sức mạnh nội sinh của dân tộc, một lần nữa nếu có thể cộng hưởng, sẽ lại sinh ra từ đây?

Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - cam kết:

“TP.HCM chắc chắn sẽ tiếp thu được nhiều nội dung sâu sắc từ hội thảo khoa học quan trọng này, nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử và văn hóa của độc lập, tự do, của ý chí thống nhất Tổ quốc, của khát vọng hòa bình, của quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, đặc biệt về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, để càng trân trọng giữ gìn và phát huy những thành quả mà cha ông ta đã ngàn đời vun đắp.

Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - thành phố anh hùng”.

* Trung tướng VÕ VĂN TUẤN (phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam): 

Không ai muốn chiến tranh cả

Tôi đánh giá cao về khát vọng hòa bình. Chúng ta đang cùng nhau tìm ý nghĩa, bài học kinh nghiệm được rút ra trong lịch sử và áp dụng trong thực tiễn. Như tôi đã nói, chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm, 60 năm, 70 năm... (ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc), chứ không phải kỷ niệm một chiến thắng mới nào nữa. Đấy là điều mong muốn nhất, không ai muốn chiến tranh cả.

Muốn giữ gìn được như vậy, quân đội, công an và thế trận lòng dân đều phải vững mạnh. Chúng ta cần lấy bài học trong những giai đoạn trước, vận dụng vào thực tiễn, đảm bảo giữ gìn được hòa bình.

* Đại tá, PGS.TS HỒ SƠN ĐÀI (nguyên trưởng phòng khoa học quân sự Quân khu 7):

Nhân văn nhất là được sống trong yên bình

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc là một sự kiện lịch sử rất vĩ đại và tự nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa.

Một trong những ý nghĩa của nó là phản ánh sự kết tinh một tinh thần, đó là nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu hòa bình, chấm dứt chiến tranh của nhân dân Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung.

Vấn đề nhân văn nhất đối với loài người là được sống trong yên bình, lao động trong hòa bình. Đó cũng là thông điệp của cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Đại thắng mùa xuân 1975 - sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình”.

* Bạn NGUYỄN TRẦN ĐÔNG DUY (20 tuổi, sinh viên năm 1 ngành sư phạm lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Hiểu giá trị lịch sử mới có động lực bảo vệ hòa bình

Chủ đề của hội thảo khoa học này có giá trị thời sự rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình ở nhiều nơi trên thế giới diễn biến rất phức tạp và nước ta là một trong những quốc gia chịu sự tác động sâu sắc của diễn biến này, nên cần hiểu rõ tầm vóc lịch sử, ý nghĩa lịch sử của những cuộc cách mạng mà cha ông để lại. Hiểu được giá trị của nó, chúng ta mới có động lực bảo vệ hòa bình, phát triển đất nước.

PHẠM VŨ - QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên