Nghiên cứu do các nhà khoa học của Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha) dẫn đầu, được công bố trên tạp chí Địa Chất.
Chuyện gì đang xảy ra ở Đại Tây Dương?
Theo nghiên cứu, vùng hút chìm này hiện nằm dưới eo biển Gibraltar - dải biển ngăn cách Tây Ban Nha và Morocco - và có thể mở rộng về phía tây tới Đại Tây Dương, vì vậy có thể khiến bồn trũng đại dương dần đóng lại.
Sự dịch chuyển địa chất đáng kể này được dự đoán sẽ xảy ra "sớm" về mặt địa chất - khoảng 20 triệu năm nữa - cho thấy nhân loại có thể chứng kiến sự thay đổi to lớn này.
Các đới hút chìm, nơi một mảng kiến tạo bị đẩy xuống dưới một mảng khác, là điểm xảy ra các sự kiện địa chấn dữ dội. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng sự hình thành các đới hút chìm mới có thể báo trước việc toàn bộ đại dương biến mất. Quá trình này có thể đang diễn ra với Đại Tây Dương.
"Chúng tôi có lý do chính đáng để nghĩ rằng Đại Tây Dương đang bắt đầu đóng lại. Các đới hút chìm là nguyên nhân khiến các đại dương đóng lại, bằng cách kéo đáy đại dương chìm vào lớp phủ của Trái đất, nối các lục địa lại với nhau", giáo sư João Duarte, khoa khoa học của Đại học Lisbon, nói.
Eo biển Gibraltar rộng chỉ khoảng 16km, là điểm giao nhau của mảng Á - Âu và châu Phi. Trong vùng hút chìm này, mảng châu Phi đang lặn xuống bên dưới mảng Á - Âu, khuấy động hoạt động địa chấn và làm tăng nguy cơ động đất.
Hiện tại, hoạt động của vùng hút chìm được mô tả là "đang ngủ yên", với sự chuyển động của các mảng chìm vào lớp phủ Trái đất diễn ra chậm chạp.
Tuy nhiên, Duarte và các cộng sự suy đoán rằng các đới hút chìm có khả năng mở rộng, một hiện tượng gọi là "xâm lấn hút chìm".
Cảnh báo nguy cơ địa chấn
Mặc dù vùng hút chìm Gibraltar hiện trải dài khoảng 201km và đạt độ sâu hơn 563km, nhưng đây lại là một trong những vùng nhỏ nhất trên toàn cầu. Giáo sư Duarte cho rằng vùng này có thể kéo dài tới khoảng 804km trong 20 triệu năm nữa.
Thông qua các mô phỏng máy tính theo dõi sự phát triển của đới hút chìm từ kỷ Oligocene (34 triệu đến 23 triệu năm trước) cho đến tương lai, các nhà nghiên cứu dự đoán vùng này sẽ di chuyển về phía tây qua eo biển Gibraltar trong 20 triệu năm tới.
Những mô hình dự báo sự xuất hiện của hệ thống vùng hút chìm mới tại Đại Tây Dương giống như vành đai lửa Thái Bình Dương. Điều này thu hẹp dần đáy đại dương và kéo các lục địa lại gần hơn, có khả năng dẫn đến sự biến mất của Đại Tây Dương.
Phát hiện cũng dự báo các mối nguy hiểm địa chấn trong khu vực. Trận động đất lớn và tàn khốc ở Lisbon năm 1755 gần như đã xóa sổ vùng đất này, cướp đi sinh mạng của khoảng 12.000 người. Vụ việc như lời nhắc nhở về tính dễ tổn thương do địa chấn của khu vực, đòi hỏi những nỗ lực ứng phó liên tục.
Giáo sư Duarte nhấn mạnh những tiến bộ công nghệ đã giúp họ có những phát hiện đáng chú ý. Về cơ bản, xâm lấn hút chìm vốn là quá trình ba chiều đòi hỏi các công cụ tiên tiến và siêu máy tính mà cách đây vài năm còn chưa có.
"Bây giờ chúng tôi có thể mô phỏng chi tiết sự hình thành của vòng cung Gibraltar và cả cách vòng cung này có thể phát triển trong tương lai", ông chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận