“Căn cứ không quân Pituffik (trước đây là căn cứ không quân Thule) nằm trên đảo Greenland là một phần của hệ thống cảnh báo sớm do Mỹ thiết lập nhằm đề phòng nguy cơ bùng phát một cuộc tấn công bằng tên lửa từ Bắc Cực. Hệ thống cảnh báo sớm bao gồm cả radar, tiêu tốn hàng tỉ USD.
Tại đó, Mỹ cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng sân bay dành cho các chiến đấu cơ F-35 có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Những chiếc máy bay chiến đấu F-35 đã xuất hiện tại sân bay của khu căn cứ không quân ở đảo trong các cuộc tập trận không quân của Mỹ”, đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin trả lời Hãng thông tấn Nga RIA ngày 10-1.
Theo các nhà quan sát, khu căn cứ quân sự Pituffik là nơi có tầm quan trọng chiến lược quốc gia đối với Mỹ.
Cũng theo ông, quân đội Mỹ đã hiện diện ở Greenland từ Thế chiến II.
“Nga ủng hộ nỗ lực tăng cường sự ổn định ở Bắc Cực. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở các nước cùng bắt tay xây dựng một hệ thống an ninh quốc tế bình đẳng đối với tất cả các quốc gia giáp vùng cực bắc”, đại sứ Barbin nhấn mạnh.
Trước đó, nhà ngoại giao Nga từng nhận định cách Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tiếp cận đảo Greenland, vùng lãnh thổ thuộc Đan Mạch, có thể khiến tình hình trong khu vực xấu đi.
Ông cũng nói rằng việc ông Trump mong muốn giành quyền kiểm soát hòn đảo này cho thấy sự gò bó, miễn cưỡng, không còn tự do trong việc tăng cường ổn định và phát triển đối thoại ở Bắc Cực.
Đại sứ Nga tại Đan Mạch cũng cảnh báo Matxcơva sẽ tính đến các “phương án mới” trong kế hoạch quân sự của Nga tại Bắc Cực.
Cũng cùng ngày 10-1, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Andrei Kartapolov bày tỏ lo ngại nếu Greenland được sáp nhập vào Mỹ sẽ tạo ra “mối đe dọa quân sự” cho Nga.
Ông cảnh báo Mỹ có thể sử dụng đảo Greenland để phát động một cuộc tấn công vào Nga trong tương lai, sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tìm cách sáp nhập vùng lãnh thổ tự trị này của Đan Mạch vào Mỹ.
Trước đó, ông Donald Trump khiến thế giới xôn xao khi nói rằng “vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cảm thấy rằng việc sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết".
Tuy nhiên, chính quyền Greenland, các quan chức và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định vùng đất rộng lớn vốn là một phần của Đan Mạch trong hơn 600 năm nay không phải là “đồ để mua bán”.
Theo hiến pháp năm 1953 của Đan Mạch, nước này công nhận Greenland là một đơn vị hành chính. Thế nhưng, do vấp phải những phản kháng từ cộng đồng người bản địa ở Greenland, đến năm 2009 hòn đảo này được quyền tự quản về các vấn đề tư pháp, an ninh và tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên Đan Mạch vẫn chịu trách nhiệm về quyền công dân, tòa án tối cao, chính sách đối ngoại, quốc phòng và chính sách tiền tệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận