Tía ơi má dìa! được xem là một trong những vở kịch tiêu biểu của Nhà hát kịch Idecaf. Đại Nghĩa trở lại với vai diễn ông Sáu Lôi, là bạn thân thiết với ông Tư Chơn (Quốc Thịnh) và bà Tám Diệu (Phi Nga).
Ông Sáu Lôi Đại Nghĩa: Thương bạn mà như… phá bạn!
Tía ơi má dìa! (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Vũ Minh) do cố đạo diễn Vũ Minh dàn dựng, ra mắt lần đầu tại Nhà hát kịch Idecaf năm 2012.
Nay nhà hát làm lại với sự tái dựng của vợ chồng đạo diễn Quốc Thịnh - Tuyết Mai. So với bản dựng cũ, Tía ơi má dìa! phiên bản 2024 có khá nhiều sự thay đổi.
Tuy nhiên, câu chuyện chính vẫn xoay quanh mối tình thắm thiết của vợ chồng ông Tư Chơn - bà Thắm.
Bà Thắm là cô con gái cưng của gia đình giàu nhất Chợ Lớn, nhưng cô lại yêu và theo chàng trai nghèo ở cù lao Rén mà không màng cưới hỏi.
Có với nhau hai mặt con, nhưng một ngày bà Thắm đột ngột mất tích. Ông Tư Chơn sống trong đau khổ, nhớ nhung. Ông không cho lập bàn thờ, cũng không làm giỗ vì chưa thấy xác vợ thì ông không tin là bà đã chết.
Và một ngày ông không chịu ngồi yên ôm đau đớn nữa, mà bắt đầu lên đường tìm vợ…
Gây ấn tượng và dẫn mạch xuyên suốt trong vở diễn ngoài nỗi đau tìm vợ của ông Tư còn là câu chuyện xúc động của ba người bạn già Tư Chơn - Sáu Lôi - Tám Diệu (Phi Nga).
Họ là những người bạn thân từ thuở nhỏ và luôn bên nhau lúc vui buồn. Cách vở khai thác thâm tình của những người bạn này đã đem đến nụ cười thật dễ chịu, duyên dáng.
Ông Sáu Lôi, bà Tám Diệu vì thương bạn khổ sở nên lúc nào cũng sát cánh bên bạn. Vì thương quá nên có lúc làm lố sanh ra… hư bột hư đường!
Sự tung hứng hợp lý, vừa vặn của ba nghệ sĩ Quốc Thịnh, Đại Nghĩa, Phi Nga đã đem đến những lớp diễn hài khiến khán giả cười mà thương. Thương cái tình bạn đáng quý của những người nông dân chân chất ở cái cù lao nghèo.
Kỳ vọng với Tía ơi má dìa!
Có thể nói so với mặt bằng các vở diễn hiện nay của làng kịch thành phố thì Tía ơi má dìa! phiên bản 2024 là vở diễn khá, được dàn dựng sạch sẽ, gọn ghẽ, có câu chuyện tình cảm, tình huống hài được xử lý tốt, không có hài xàm, lực diễn của diễn viên đồng đều.
Tuy nhiên, vì đây được đánh giá là vở diễn hay nên có lẽ phiên bản 2024 không thể tránh khỏi sự kỳ vọng và so sánh với bản đầu tiên.
Từ khi đầu quân về Idecaf, vai Tư Chơn là vai nặng ký nhất của diễn viên trẻ Quốc Thịnh. Thịnh được xem là diễn viên giỏi trong các nghệ sĩ cùng trang lứa của anh.
Anh có thể diễn đa năng từ bi, hài đến độc, diễn xuất của anh rất có chiều sâu.
Tuy nhiên, Tư Chơn trước đó là vai diễn xuất sắc của nghệ sĩ Thành Lộc, là vai diễn cần phải nhắc trong sự nghiệp của anh.
Ai đã xem Tía ơi má dìa! Thành Lộc đóng có lẽ sẽ nhớ như in hình ảnh ông Tư Chơn đầy khắc khoải, đặc biệt là lớp Thành Lộc độc diễn nỗi nhớ vợ khiến người ta phải rơi nước mắt.
Sự thành công quá lớn của đàn anh có lẽ cũng là áp lực với Quốc Thịnh. Cái được của Thịnh trong vở diễn là anh không lặp lại bóng của người đi trước. Nhưng ở suất đầu tiên tối 1-8, Thịnh có vẻ còn căng thẳng.
Thịnh cần thêm thời gian để thấm nhân vật và làm cho ông Tư Chơn sâu sắc hơn, khiến người ta có thể khóc cười với nhân vật của mình.
Tía ơi má dìa! sử dụng rất nhiều bài lý, ca khúc mang âm hưởng dân ca… Tuy nhiên, nhạc nghe rất mượt, có ý kiến cho rằng nếu các bài ca được ca chân phương hơn, thể hiện rõ nội tâm nhân vật hơn thì có lẽ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho vở.
Tía ơi má dìa! được dựng lần đầu Tết năm 2012. Năm 2016 vở được đưa sang Mỹ lưu diễn.
Tía ơi má dìa! có sự góp mặt của nghệ sĩ Quốc Thịnh, Đại Nghĩa, Phi Nga, Hoàng Trinh, Hồng Ánh, Công Danh, Đông Hải, Quốc Tuấn, Ngọc Nguyên, Thái Hiển…
Ngoài ba người bạn già Đại Nghĩa, Quốc Thịnh, Phi Nga thì nhân vật Tô Ánh Ngọc của Hồng Ánh cũng khiến khán giả cười đau ruột.
Đào đẹp Hồng Ánh tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập "nhân vật cà chớn" của mình ở Idecaf với một bà Ánh Ngọc nông cạn, ham tiền, ham vẻ bề ngoài nhưng cũng rất dễ thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận