27/07/2016 10:35 GMT+7

Đại hội Đảng Dân chủ: trái đắng ngày khai mạc 

TS TERRY F. BUSS, (HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA HOA KỲ), THÚY ĐÀO CHUYỂN NGỮ
TS TERRY F. BUSS, (HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA HOA KỲ), THÚY ĐÀO CHUYỂN NGỮ

TTO - Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ rối bời ngay trong ngày làm việc đầu tiên. Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận cho thấy con đường tới Nhà Trắng của bà Hillary Clinton ngày càng gập ghềnh.

*** Error ***
Những người ủng hộ ông Bernie Sanders xúc động khi nghe ông phát biểu tại ngày khai mạc đại hội - Ảnh: Reuters

Đại hội Đảng Dân chủ bắt đầu trong sự hỗn loạn khi những người ủng hộ ông Bernie Sanders gây náo loạn, cho rằng nếu không bị ngấm ngầm phá hoại thì ông Bernie đã giành thắng lợi trước bà Hillary Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng này.

Chủ tịch đảng từ chức

Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ (DNC), bà Debbie Wasserman-Schultz, đã bị chiến dịch tranh cử của ông Bernie Sanders cáo buộc việc ngấm ngầm ủng hộ bà Hillary Clinton và phá hoại ông Bernie.

WikiLeaks đã công bố hàng loạt email mật chứng minh những cáo buộc trước đó của ông Bernie đối với bà Debbie và DNC.

Sáng ngày khai mạc đại hội, bà Debbie Wasserman-Schultz đã cố gắng trấn tĩnh những đại biểu đến từ bang Florida, tuy nhiên đáp lại là sự la ó ầm ĩ cả khán phòng. Bà Debbie, vốn dự định chủ trì đại hội lần này, đã buộc phải từ chức và rút khỏi đại hội trong sự bẽ bàng.

Sự cố này đã khiến những người ủng hộ ông Bernie tức giận hơn nữa, bởi họ cho rằng suốt các vòng bầu cử sơ bộ cả hệ thống đã bị lừa gạt.

Hãy nhớ rằng các “siêu đại biểu” đã bỏ phiếu ủng hộ bà Hillary thậm chí từ trước khi chiến dịch tranh cử bắt đầu. Nếu những người ủng hộ ông Bernie tin rằng cuộc bầu cử của họ đã bị “đánh cắp”, bà Hillary rất có thể sẽ thua cuộc.

Rất lạ là người quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã lên tiếng cáo buộc Chính phủ Nga đột nhập hệ thống dữ liệu của DNC để trợ giúp đối thủ Donald Trump.

Cũng có thể đúng là người Nga đứng sau vụ rò rỉ này, nhưng hiện giờ vẫn chưa có bằng chứng xác thực nào. Vụ bê bối này có thể sẽ không kéo dài bởi bà Debbie Wasserman-Schultz đã từ chức. Và DNC cũng đã lên tiếng xin lỗi ông Bernie.

Thông điệp xuyên suốt trong bài phát biểu của đệ nhất phu nhân Michelle Obama nhấn mạnh nước Mỹ thật tuyệt vời - đó là “Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ”. Đây rõ ràng là sự phản bác thông điệp tranh cử của ông Trump - “Hãy khiến nước Mỹ tuyệt vời trở lại”.

Phe Dân chủ muốn thuyết phục cử tri rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama là điều tuyệt vời và bà Hillary Clinton sẽ tiếp tục giữ gìn và tăng cường những thành tựu của kỳ trước.

Tuy nhiên ngay sau đó, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người từng được cân nhắc cho vị trí cấp phó của bà Hillary và là một thành viên đầy tâm huyết của đảng dân chủ giống như ông Bernie, đã liệt kê một danh mục các vấn đề tồn đọng của nước Mỹ. Tiếp đến là ông Bernie với những công kích còn mạnh mồm hơn nữa về thực trạng nước Mỹ.

Chưa có câu trả lời chắc chắn

Trong bài phát biểu, ông Bernie Sanders đã lên tiếng ủng hộ bà Hillary. Tuy nhiên, hầu hết nội dung phát biểu chỉ tập trung vào những chính sách có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa tạo nên “cuộc cách mạng nhân dân”.

Mục đích của ông là duy trì cuộc cách mạng của mình bằng cách kéo bà Hillary nghiêng hơn nữa về cánh hữu.

Trong những ngày tới, phe Dân chủ sẽ tiếp tục đưa ra những đề cương chính sách mới của ông Sanders và Warren. Những chính sách này nhằm thu hút và làm hài lòng tất cả mọi thành phần dân chúng.

Các chính sách này còn có một mục đích nữa là lái sự quan tâm của người dân khỏi những vụ bê bối cũng như những vấn đề về niềm tin, tính cách và khả năng lãnh đạo của bà Hillary.

Tóm lại, ông Bernie đã trao cho bà Hillary tất cả những gì bà hi vọng có được. Nhưng bà Hillary cần phải giành được lá phiếu của toàn bộ những người ủng hộ ông Bernie để trở thành tổng thống. Họ có ủng hộ bà không? Hay họ sẽ từ chối quyền bỏ phiếu? Không ai có câu trả lời chắc chắn cả.

Ba tháng cuối cùng tới đây của chiến dịch tranh cử sẽ tràn ngập những cãi lộn ầm ĩ của hai phe, để lại hậu quả là một nước Mỹ bị suy yếu, chia rẽ và tổn thương bất kể phe thắng cuộc là ai.

Chính những tầm nhìn trái ngược về nước Mỹ đã đặt ra một vấn đề lớn cho bà Hillary. 

Bà sẽ phải một mặt biện hộ cho Tổng thống Obama bất chấp những thất bại của ông và mặt khác phải đưa ra được một tầm nhìn mới mà không làm lu mờ chính quyền trước. 

Đối thủ Trump đang công kích mạnh vào các vấn đề này của đảng Dân chủ. Một tầm nhìn có sức thuyết phục với các cử tri sẽ quyết định ai trở thành tổng thống.

Ông Trump “qua mặt” bà Clinton

Trước thềm đại hội, CNN công bố một thông tin không vui cho đảng Dân chủ khi kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho biết tỉ lệ ủng hộ ông Trump đã tăng kể từ sau đại hội đảng Cộng hòa hồi tuần trước.

Theo đó, tỉ lệ ủng hộ ông Trump là 44% so với 39% của bà Clinton.

Đây là thành tích cao nhất của tỉ phú Mỹ trong thăm dò của CNN từ tháng 9-2015. Trong thăm dò trước kỳ đại hội Đảng Cộng hòa, bà Clinton dẫn trước ông Trump đến 7 điểm.

Khảo sát của CNN cũng cho thấy tỉ lệ được yêu thích của ông Trump tăng mạnh và tỉ phú Mỹ được tin tưởng hơn về lĩnh vực kinh tế, khủng bố và chính sách đối ngoại.

TRẦN PHƯƠNG

TS TERRY F. BUSS, (HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA HOA KỲ), THÚY ĐÀO CHUYỂN NGỮ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên