Nhiều cổ đông hỏi lãnh đạo ngân hàng khi nào thì được chia cổ tức - Ảnh: A.H.
Tại đại hội cổ đông SCB tổ chức hôm nay, 16-4, các cổ đông tiếp tục truy lãnh đạo ngân hàng về việc bao giờ được chia cổ tức.
Đứng lên đặt câu hỏi đầu tiên, cổ đông Nguyễn Đình Hiếu hỏi lãnh đạo ngân hàng bao giờ mới hết trích lập dự phòng rủi ro hoặc trích dự phòng ít hơn 45% lợi nhuận vì mức trích hiện nay lên tới 90%. "Bao giờ ngân hàng có thể chia cổ tức cho cổ đông chứ cổ đông nhỏ lẻ chờ lâu quá rồi?", cổ đông này chất vấn.
Tương tự, cổ đông Lê Thành Công cũng nhắc lại lời hứa của hội đồng quản trị ngân hàng năm ngoái rằng sẽ dành 600 tỉ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cho cổ đông theo hình thức bổ sung cổ phiếu. Tuy nhiên năm nay ngân hàng vẫn chưa chia cổ tức.
"Nếu chưa chia thì tiền đó nhập vào vốn điều lệ. Tuy nhiên sắp tới việc tăng vốn điều lệ của SCB chỉ chào bán cho cổ đông "nhà giàu" (sở hữu 0,5% vốn trở lên), những cổ đông nhỏ lẻ muốn thì lại không được mua. Tại sao không bán cho "người nghèo"?", cổ đông này đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc SCB, cho biết trong điều kiện đang tái cơ cấu, ngân hàng chưa thể chia cổ tức cho cổ đông vì Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép. Ông động viên cổ đông nên kiên nhẫn chờ đợi.
Về nợ xấu, SCB bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và trích lập dự phòng.
"Người ta hay nói khoản trích lập dự phòng là lương khô, tôi không nghĩ là "ăn lúc đói" mà giữ lại để nâng cao năng lực tài chính. Khi xử lý xong nợ xấu thì nguồn tiền này sẽ được hoàn nhập. Nguồn dự phòng của SCB hiện lên tới 8.200 tỉ đồng là rất lớn. Khi trích lập xong dự phòng, ngân hàng bán được tài sản đảm bảo bao nhiêu thì con số đó sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận bấy nhiêu. Có ngân hàng 15 năm không chia cổ tức, sau đó cổ phiếu khi lên sàn có giá lên tới 5-7 chấm", ông Văn dẫn chứng.
Một cổ đông khác lại chất vấn lãnh đạo ngân hàng vì sao huy động vốn với lãi suất quá cao. "Trong thời gian tới, ngân hàng phải suy nghĩ để hạ thấp lãi suất huy động để hạ lãi suất cho vay", cổ đông này đề nghị.
Giải thích về việc này, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho hay hiện nay có đến 37 ngân hàng trên thị trường, cạnh tranh rất quyết liệt. Theo ông Văn, cổ đông cho rằng SCB phải hạ lãi suất, nhưng vẫn phải giữ mục tiêu phát triển là điều khó. Nếu muốn hạ lãi suất ngay thì tất cả các hoạt động dịch vụ và sản phẩm của SCB phải được nâng lên… để lôi kéo khách hàng về chất lượng.
"Trong vòng ba năm tới SCB sẽ khác, không những về dịch vụ mà còn về cả những lợi ích mang lại cho khách hàng và cổ đông", ông Văn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận