Ông Cho Yang Ho - chủ tịch hãng hàng không Korean Air, xuất hiện ở Văn phòng công tố quận nam Seoul sáng 28-6 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, sáng nay 28-6, ông Cho đã có mặt tại Văn phòng công tố quận Nam Seoul để trả lời thẩm vấn về các cáo buộc liên quan tội trốn thuế, lạm dụng tín nhiệm và biển thủ.
Đại gia Cho, 69 tuổi, đã có mặt trình diện vào khoản 9h30 sáng nay, giờ địa phương.
Trước khi bước vào cuộc thẩm vấn chưa rõ kéo dài bao lâu, vị chủ tịch đầy quyền lực cúi đầu phát biểu trước truyền thông: "Tôi rất lấy làm tiếc. Tôi sẽ thành thực tham gia cuộc thẩm vấn. Tôi sẽ nói hết mọi chuyện với các công tố viên".
Ông Cho và em gái của mình bị cáo buộc đã trốn thuế hơn 50 tỉ Won (44,7 tỉ USD) dựa trên quyền thừa kế liên quan các cổ phần từ nước ngoài thừa kế của cha mình là ông Cho Choong Hoo, nhà sáng lập tập đoàn Hanjin.
Vị chủ tịch tập đoàn hiện tại cũng bị nghi ngờ biển thủ 20 tỉ Won từ quỹ của công ty Korean Air và gây ra những tổn thất tài chính cho tập đoàn khi tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình mình kiếm tiền bỏ túi riêng dễ dàng trong những giao dịch với các chi nhánh của tập đoàn Hanjin.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Moon Jae In đã cam kết sẽ kềm chế quyền lực của các tập đoàn kinh tế hùng mạnh mà người Hàn gọi là chaebol vốn từng góp phần tạo nên kỳ tích cho Hàn Quốc và cải thiện sự quản trị của các tập đoàn này.
Một trong những vụ việc tiêu biểu của quá trình xuống cấp về quản trị của các chaebol là vụ bê bối đút lót đổi lấy quyền lợi liên quan đến cựu tổng thống Park Geun Hye và ông Lee Jae Yong - lãnh đạo của Samsung Electronics và cũng là "thái tử" của tập đoàn Samsung.
Ông Park Ju Gun, lãnh đạo công ty phân tích doanh nghiệp, bình luận: "Có vẻ như chính phủ đang sử dụng vụ bê bối của Korean Air để chế ngự các tập đoàn lớn như Samsung và Hyundai".
Nhân viên Korean Air từng xuống đường hồi tháng 5-2018 đòi các thành viên gia đình họ Cho rời công ty vì đã gây tổn hại cho quyền lợi của nhân viên - Ảnh: REUTERS
Vợ và hai con gái ông Cho hiện cũng đang là đối tượng điều tra của nhiều cáo buộc liên quan việc hành xử không đúng với nhân viên, sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp để làm ôsin trong gia đình và trốn thuế...
Mầm mống tạo ra những yêu cầu điều tra đối với gia đình họ Cho xuất phát từ những hành xử không chuẩn mực của hai cô con gái nhà Cho, vốn được cất nhắc làm lãnh đạo trong Korean Air.
Kiểu hành xử coi nhân viên dưới quyền không ra gì của họ đã tạo ra làn song căm phẫn ở Hàn Quốc, thúc đẩy chính quyền vào cuộc.
Trong mắt người dân, nhiều thiếu gia nhà giàu ở Hàn Quốc, không chỉ riêng với gia đình họ Cho, đã dựa trên đồng tiền của gia đình để hành xử kiểu "coi trời bằng vung".
Khi xã hội Hàn Quốc đã đủ tiến bộ, người dân không còn có thể chấp nhận kiểu sống "ăn trên, ngồi chốc" đó nữa.
Trước đây, dư luận từng tạm yên sau khi cô con gái cả của nhà họ Cho bị xử án tù ở tòa thì sóng gió biến thành bão táp sau vụ cô con gái út Cho Hyun Min đã nổi nóng trong một cuộc họp với nhân viên dưới quyền và hất nước vào mặt một người tham dự cuộc họp.
Do không nhận lỗi ngay và còn có ý thách thức dư luận bằng những phát ngôn trên mạng xã hội nên vụ việc dẫn đến những cáo buộc khác liên quan đến các thành viên còn lại của gia đình.
Hôm 31-5, cảnh sát Seoul đã thông báo đang tìm kiếm một lệnh bắt giữ đối với bà Lee Myung Hee, vợ của ông Cho, với cáo buộc bạo hành nhân viên.
Theo cảnh sát Seoul, bà Lee, 69 tuổi, đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc như tấn công các lái xe và quản gia trong gia đình, cũng như các công nhân sửa chữa nhà của bà và công nhân xây dựng một khách sạn thuộc hãng hàng không Korean Air.
Bà Lee được cho là đã lợi dụng quyền lãnh đạo để thường xuyên ngược đãi, xúc phạm và làm tổn thương người yếu thế trong xã hội mà không cảm thấy tội lỗi.
Theo các cáo buộc này, bà Lee đã mắng chửi, la hét nhân viên và có những hành động bạo lực với họ.
Bà Lee đã bị cảnh sát triệu tập 2 lần trong tháng 5 để thẩm vấn về những cáo buộc trên, trong đó có cuộc thẩm vấn dài nhiều giờ liền.
Gia đình ông Cho, Chủ tịch Korea Air, còn đang bị cáo buộc lợi dụng các chuyến bay của Korean Air để buôn lậu hàng xa xỉ và trốn thuế nhập khẩu.
Theo Reuters, cổ phiếu của Korean Air đã bị mất 21% giá trị từ tháng 4 vừa qua khi các vụ bê bối bùng nổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận