08/05/2016 17:19 GMT+7

Đại đội nữ pháo phòng không

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ở Thái Bình có một đại đội pháo phòng không toàn nữ, hiện là đơn vị nữ pháo thủ duy nhất của Việt Nam. Đó là đại đội 4 dân quân gái xã Đông Lâm (huyện Tiền Hải).

Năm chị em dân quân trên mâm pháo - Ảnh: My Lăng
Năm chị em dân quân trên mâm pháo - Ảnh: My Lăng

Những nữ dân quân này ăn, ngủ, nghỉ, tăng gia sản xuất... ngay tại đơn vị. Giờ giấc, sinh hoạt đảm bảo nghiêm ngặt y như trong quân đội.

Những pháo thủ nông dân

Sau tiếng kẻng báo động, chỉ mất hai phút, các nữ pháo thủ đã đâu vào đấy tại vị trí của mình trên mâm pháo.

Mâm pháo cao xạ 37 li một nòng này có từ năm 1967. Sau gần 50 năm, nó vẫn gắn với những nữ dân quân chân lấm tay bùn và vẫn có giá trị tác chiến trong nhiệm vụ canh gác “cổng trời”. Toàn bộ thao tác đều bằng cơ bắp của những phụ nữ.

“Chúng tôi duy trì nghiêm túc chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến với một khẩu đội thường trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện các mục tiêu và đưa ra các phương án chiến đấu.

Khẩu đội cũng bám sát nhiệm vụ thông báo bay hằng ngày từ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình và các đơn vị liên quan rồi tuần tra, canh gác, huy động lực lượng bảo vệ an toàn các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và địa phương” - chị Hương Lý, đại đội trưởng, nói.

“Cả nước chỉ có duy nhất Thái Bình có đại đội pháo phòng không dân quân nữ này đấy” - thượng úy Phạm Văn Đông (cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện Tiền Hải) tự hào bảo. Nhỏ tuổi nhất trong khẩu đội trực chiến là Trần Thị Lương, 32 tuổi. Người gắn bó lâu nhất (14 năm) với mâm pháo này là chị Lương Thị Dưỡng, đại đội phó.

Họ là những phụ nữ nông thôn chân chất thật sự trong màu áo dân quân. Quanh năm suốt tháng làm bạn với mâm pháo nên ai cũng da sạm, tóc xơ, gương mặt mộc chẳng chút son phấn, bàn tay thô ráp...

Đại đội anh hùng

Đại đội dân quân gái xã Đông Lâm tiền thân là đại đội nữ dân quân huyện Tiền Hải với 100% quân số nữ. Đại đội này được thành lập ngày 22-12-1967 gồm 82 chị em từ 18-25 tuổi.

Đại đội có nhiệm vụ bảo vệ cống Lân - một công trình tưới tiêu cho 40.000ha đất cấy lúa màu của bốn huyện phía nam tỉnh Thái Bình và bảo vệ ba cầu trên trục đường giao thông quan trọng của huyện, khống chế hoạt động của máy bay địch trên cửa sông Hồng và sông Trà Lý.

Kết thúc chiến tranh, đại đội đã chiến đấu 129 trận lớn nhỏ, trực tiếp bắn rơi hai máy bay Mỹ và cùng với đại đội 4 bộ đội địa phương của tỉnh bắn rơi và làm bị thương bốn máy bay khác. Tháng 12-1973, đại đội đã được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau ngày đất nước giải phóng, đại đội này tiếp tục được duy trì. Đến năm 1984, đại đội được bàn giao về UBND xã Đông Lâm quản lý, lấy tên là đại đội 4 dân quân gái xã Đông Lâm.

Hiện nay nhiệm vụ của đại đội đặc biệt này là bảo vệ vùng trời phía nam của tỉnh. Đơn vị thường xuyên phối hợp với trạm rađa 25, sư đoàn 363 phòng không - không quân, sư đoàn 395 Quân khu 3... trong các phương án chiến đấu, đánh địch đột nhập đường không.

Đại đội hiện có 40 chiến sĩ và luôn có một khẩu đội trực chiến 24/24 giờ. Những dịp đặc biệt của đất nước như Đại hội Đảng, ngoài trận địa luôn mở sẵn hai khẩu. Khi có lệnh, chỉ cần hai phút tất cả pháo thủ đã có mặt trên mâm pháo, sẵn sàng chiến đấu.

Cứ thứ tư hằng tuần, từ sáng đến chiều các chị lại dành cả ngày ngoài trận địa huấn luyện. Thao tác mở lán pháo, đặt pháo, di chuyển pháo lên xuống... nếu như với đàn ông chỉ cần ba người thì các chị lại cần tới 10 người. Sau mỗi buổi lăn lộn trên thao trường, ai nấy đều mệt nhoài, tóc bết mồ hôi, bắp tay mỏi nhừ.

Đam mê mâm pháo

Hoàn cảnh nhiều người trong đại đội này rất khó khăn vì hằng tháng mỗi chị em chỉ nhận được gần 3 triệu đồng tiền phụ cấp.

Nếu không vì trách nhiệm với quá khứ lừng lẫy của đại đội pháo thủ của các bà, các chị trong lịch sử để lại, không vì đam mê quá lớn với mâm pháo, họ đã chọn con đường làm công nhân Khu công nghiệp Tiền Hải với mức thu nhập 5-6 triệu đồng.

“Mình tham gia đại đội từ năm 2012. Lúc đầu nhà mình phản đối lắm vì ra đây trực chiến rất căng, 24/24 giờ” - chị Trần Thị Lương cho hay.

Ở nhà chị là một nông dân quanh năm suốt tháng gắn với ruộng đồng, thóc lúa, cấy cày... Vậy mà lại mê mâm pháo đến nỗi thuyết phục chồng cho ra trực chiến ở đơn vị. Mọi việc quán xuyến nhà cửa, dạy dỗ con cái học hành... đều giao hết cho chồng.

Đại đội trưởng Phan Thị Hương Lý, người đã có gần 10 năm gắn bó với đại đội, tâm sự: “Từ lúc còn bé tôi đã thích súng pháo rồi, thấy các chị các cô bên mâm pháo nhìn mê lắm. Cứ mơ lớn lên làm sao được như vậy.

Mình tham gia từ năm 2001 đến năm 2009 thì lấy chồng, ở nhà sinh con. Nhưng sau nhớ mâm pháo quá, nài nỉ chồng cho tham gia lại. Đến đầu năm 2015 khi con trai mình được 4 tuổi chồng mới cho quay lại đơn vị”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên