Các bị cáo vụ án Bầu Kiên đồng loạt phản bác cáo trạng Bị cáo dẫn luật, cơ quan chức năng né tòaACB đòi trả 718 tỉ, Vietinbank chỉ Huyền Như
Đây là điều mà các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo nhận được khi hỏi đại diện VietinBank, Ngân hàng Nhà nước và người có quyền, nghĩa vụ liên quan Huỳnh Thị Huyền Như để làm rõ về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đại diện Ngân hàng Nhà nước là bà Nguyễn Thị Phụng trả lời hàng chục câu hỏi của luật sư là: “Xin lỗi, câu này tôi không trả lời và tôi không biết”.
“Không trả lời” cũng là câu trả lời của Huỳnh Thị Huyền Như khi luật sư đặt câu hỏi về việc Như chiếm đoạt số tiền đó như thế nào. Huyền Như cũng lặp đi lặp lại: “Lâu quá rồi, tôi không nhớ”.
Còn đại diện VietinBank là ông Nguyễn Tiến Hùng thì luôn nói “tôi không trả lời” khi các luật sư muốn làm rõ những vấn đề liên quan đến quy trình gửi tiền, rút tiền hoặc thực hiện dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng tại ngân hàng này. Trước câu hỏi về trách nhiệm dân sự của VietinBank, ông Hùng cho rằng lời khai của Huỳnh Thị Huyền Như trước tòa nêu rõ trách nhiệm này không thuộc về VietinBank và thuộc một vụ án khác và “không trả lời ở đây”.
Với câu hỏi của luật sư Vũ Xuân Nam về việc người dân mang tiền đến ngân hàng mở tài khoản thì tiền trong tài khoản của người dân ai quản lý, đại diện VietinBank nhắc nhở: “Tôi lưu ý luật sư tránh tình trạng hỏi rộng quá ngoài phạm vi vụ án, có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người dân gửi tiền và như vậy ảnh hưởng xấu đến dư luận quần chúng, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân”. Đồng thời, đại diện VietinBank cho rằng tài khoản của khách hàng và số dư trên tài khoản của khách hàng thì khách hàng tự quản lý.
Liên quan đến số tiền 718 tỉ đồng của ACB bị mất, luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn và Lý Xuân Hải) hỏi đại diện VietinBank nghĩ sao khi bản án sơ thẩm Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên VietinBank chỉ phải trả 24 tỉ đồng, đây là số tiền còn lại trong tài khoản của 19 nhân viên ACB. Ông Hùng nói bản án chưa có hiệu lực nên không trả lời.
Liên quan đến tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, trả lời luật sư, ông Kiều Chí Công (Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát) nói ông không rõ 20 triệu cổ phần mà ACB sở hữu là bị thế chấp hay cầm cố bởi cơ quan điều tra thông báo thế nào thì ông viết đơn như thế. Ông Công khẳng định: “Tôi không tố cáo ai cả”.
Ông Công cũng cho biết trong đơn gửi cơ quan điều tra thì ông yêu cầu cơ quan điều tra thu hồi tiền của ACBI chứ không phải thu hồi tiền của ông Nguyễn Đức Kiên vì công ty của ông Công ký hợp đồng với ACBI chứ không ký với ông Kiên. Ngay sau khi thu hồi được toàn bộ số tiền, Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát mua lại được số cổ phần ấy và ông Công không đòi thêm khoản tiền nào từ ACBI trong phiên tòa này.
Còn đại diện Công ty cổ phần thép Hòa Phát (ông Mai Văn Hà, phó tổng giám đốc) xác nhận chính ông ký vào giấy đề nghị phong tỏa 20 triệu cổ phần bị thế chấp. Tại phiên tòa, đại diện Thép Hòa Phát nói biết rõ việc số tài khoản này đang được thế chấp tại Công ty chứng khoán ACB (ACBS). Nhưng ông Hà cũng nói sau khi ký xác nhận phong tỏa số cổ phần này thì quên không thông báo với hệ thống văn thư nên toàn hệ thống công ty không biết.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên, đề nghị ông Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT Thép Hòa Phát, nói rõ hơn về việc bàn bạc giữa ông Long và bị cáo Kiên trong việc hoán đổi cổ phần giữa hai tập đoàn. Ông Long nói mọi lời khai của ông Kiên là chính xác, khi xảy ra sự việc ông có khai với cơ quan điều tra về việc Hòa Phát muốn thoái vốn ở lĩnh vực bất động sản, còn ông Kiên muốn để lại cổ phần của Thép Hòa Phát nên hai người thống nhất chủ trương với nhau. Sau đó, ông Nguyễn Đức Kiên với tư cách cá nhân, mua xong số cổ phần mà Hòa Phát sở hữu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận