Thứ 6, ngày 26 tháng 2 năm 2021
Đại dịch kéo dài, con người liệu có phát triển khả năng kháng virus corona?
TTO - Con người có thể không bao giờ phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus corona, theo nghiên cứu mới về kháng thể của các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc.

Virus corona dưới kính hiển vi điện tử - Ảnh: AP
Cho đến nay, nhiều nỗ lực để chống lại đại dịch vẫn đang được các quốc gia thực hiện. Một giả định đầy hi vọng hiện nay rằng những người mắc COVID-19 được chữa khỏi sẽ tạo ra các kháng thể bảo vệ họ khỏi tái nhiễm. Thậm chí, một số quốc gia đang xem xét cấp giấy chứng nhận miễn dịch, người khỏi bệnh hiến huyết tương để phát triển vắcxin.
Thế nhưng, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đại học Texas (Mỹ) và Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) lại đi ngược lại điều đó.
Các nhà khoa học phân tích dữ liệu và nghiên cứu xem xét liệu các nhân viên y tế tại bệnh viện ở Vũ Hán, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bị nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu của đợt bùng phát đại dịch tại đây, đã phát triển các kháng thể hay chưa.
Kết quả cho thấy ít nhất hơn 5.000 trong số hơn 23.000 mẫu nghiên cứu đã bị mắc COVID-19 nhưng chỉ có 4% số đó đã phát triển các kháng thể vào tháng 4.
Điều đó có nghĩa là không phải ai nhiễm bệnh cũng tạo ra kháng thể hoặc sản xuất kháng thể lâu dài.
Kháng thể là các phân tử được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để liên kết với protein tăng đột biến của virus và ngăn chặn nó lây nhiễm vào các tế bào. Một số kháng thể như immunoglobulin G, hoặc IgG, có thể tồn tại trong cơ thể trong một thời gian dài. Chúng được tìm thấy ở những bệnh nhân hô hấp cấp tính nặng (SARS) 12 năm sau khi họ bị mắc và khỏi bệnh.
Trong số 4% nhân viên y tế và 4,6% nhân viên Bệnh viện đa khoa Vũ Hán có kháng thể IgG thì người mắc COVID-19 có triệu chứng rõ ràng có xu hướng tạo ra nhiều kháng thể hơn bệnh nhân không triệu chứng.
Theo bác sĩ Wang Xinhuan từ Bệnh viện Trung Nam (Đại học Vũ Hán), trưởng nhóm nghiên cứu, hơn 10% số người trong nghiên cứu của họ có thể đã mất bảo vệ kháng thể trong vòng một tháng hoặc lâu hơn.
"Các xét nghiệm kháng thể có thể không đủ để biết liệu ai đó đã bị nhiễm hay chưa. Sự hiện diện của các kháng thể như IgG có thể không đủ để cung cấp khả năng miễn dịch sau này. Ý tưởng về một giấy chứng nhận miễn dịch cho bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục cũng không hợp lệ", bác sĩ Wang Xinhuan nói.
Trong khi đó, nghiên cứu riêng biệt của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) cho rằng bệnh nhân mắc COVID-19 càng tạo nhiều kháng thể thì càng có kết quả tệ. Trong số những bệnh nhân được nghiên cứu, người có nhiều kháng thể nhất đã chết.
Hiện giới khoa học thế giới chưa có phản ứng nào về kết luận này. Các xét nghiệm kháng thể của nhóm nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc hiện nay chỉ tiến hành trong một vài tháng nên kết quả có thể không chính xác.
Nhưng nếu điều đó là đúng thì làm sẽ thay đổi rất nhiều hướng nghiên cứu các liệu pháp dựa trên kháng thể, chiến lược y tế công cộng và phát triển vắcxin trong tương lai.
-
TTO - Chiều 26-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp đã họp khẩn thông tin trường hợp dương tính COVID-19 phát hiện trên địa bàn. Đây là đối tượng vượt biên trái phép từ Campuchia về Việt Nam vào tối 23-2.
-
TTO - Ngày 26-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có công văn chỉ đạo các ủy viên UBND TP, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện về việc tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn.
-
TTO - Chiều tối nay 26-2, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 5 ca bệnh COVID-19 mới, trong đó có một phụ nữ 24 tuổi từ Campuchia nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở về huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
-
TTO - Danh sách bạn đọc 'Cùng Tuổi Trẻ góp vắcxin COVID-19' (tính đến 11g ngày 26-2) và đóng góp các nhà hảo tâm từ ngày 1 đến 29-1-2021.
-
TTO - Xe chở bôxit đang di chuyển qua đèo Bảo Lộc theo hướng Đà Lạt - TP.HCM thì lấn đường tông vào xe khách 16 chỗ dẫn đến vụ tai nạn liên hoàn khiến 5 ôtô, 1 xe máy hư hỏng nặng.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận