18/06/2024 18:11 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: Hoạt động kinh doanh cổ vật đang rất khó kiểm soát

Với đề xuất cấm xuất khẩu di vật, cổ vật để tránh mất di sản ra nước ngoài, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng là cần thiết trong bối cảnh nhiều cổ vật bị đấu giá, kinh doanh ở nước ngoài.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu về dự thảo Luật Di sản văn hóa - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu về dự thảo Luật Di sản văn hóa - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 18-6, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi.

Cấm kinh doanh có thể giới hạn quyền sở hữu tài sản

Theo tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay Luật Di sản văn hóa sửa đổi tập trung vào ba nhóm chính sách. Trong đó quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa nhằm xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ thể di sản trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia sẽ thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị. Dự luật chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng để nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cần quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm "chuyển nhượng", "mua bán", "kinh doanh" để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau.

Bởi có ý kiến cho rằng việc quy định không được kinh doanh đối với bảo vật quốc gia là giới hạn quyền sở hữu tài sản của công dân theo quy định của Bộ luật Dân sự. Quy định trên cũng chưa đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự.

Quan tâm đến hoạt động kinh doanh cổ vật đang diễn ra trên thị trường hiện nay, phát biểu tại tổ, đại biểu Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) cho rằng hoạt động kinh doanh di vật, cổ vật đang diễn ra rất phổ biến, nhưng rất khó kiểm soát.

Theo đại biểu, mặc dù dự thảo đã đề cập đến các quy định khung cơ bản nhưng vẫn mong muốn sớm có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh, dịch vụ di vật, cổ vật. Trong đó, đề nghị quy định về điều kiện để được tạo ra bản sao di vật, cổ vật và trách nhiệm của người làm các bản sao.

Kinh doanh cổ vật diễn ra phổ biến, rất khó kiểm soát

Đồng tình, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh vấn đề quản lý bảo vật quốc gia cần được coi trọng để tránh các di sản văn hóa, cổ vật, bảo vật… bị thất thoát, bị bán ra nước ngoài.

Ông dẫn chuyện vừa qua Việt Nam phải mua lại bảo vật quốc gia bị đấu giá ở Pháp khiến dư luận đánh giá "rất không tốt".

"Chúng ta coi các loại bảo vật này là có một không hai, nhưng mà nước ngoài bán đấu giá buộc chúng ta phải mua lại với giá cao. Do đó, việc quản lý bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, riêng cần phải quy định rạch ròi, cụ thể để không làm thất thoát, hay lọt ra nước ngoài" - ông Hòa nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Hòa, hiện nay số lượng bảo vật quốc gia của Việt Nam ngày càng khan hiếm, chỉ còn "đếm trên đầu ngón tay". Vì vậy ông đề nghị nếu loại bảo vật này thuộc sở hữu tư nhân thì phải đăng ký để quản lý, người sở hữu phải có trách nhiệm bảo quản để không bị hư hao, thất thoát.

"Nếu bảo vật bị mất phải báo cáo cho cơ quan chức năng để truy tìm. Nếu bán thì chỉ được bán cho người trong nước, có địa chỉ hẳn hoi, để cơ quan chức năng còn biết, quản lý và tuyệt đối không được bán cho người nước ngoài", đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Độc đáo phòng trưng bày cổ vật Việt Nam tại bảo tàng BỉĐộc đáo phòng trưng bày cổ vật Việt Nam tại bảo tàng Bỉ

Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bỉ (MRAH) không chỉ lưu giữ kho tàng nghệ thuật và lịch sử phong phú của Bỉ, mà còn trưng bày các hiện vật từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên