08/12/2017 07:44 GMT+7

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
VŨ VIẾT TUÂN thực hiện

TTO - Sáng 7-12, tại Hà Nội, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước Việt Nam phối hợp với Cục Lưu trữ Pháp tổ chức triển lãm Dấu ấn văn hoá Pháp qua tài liệu lưu trữ.

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 1.

Đại biểu hai nước Việt – Pháp tham quan triển lãm - Ảnh: V.V.TUÂN

Tuổi Trẻ Online có cuộc trò chuyện với nhà sử học Dương Trung Quốc về giá trị của những di sản văn hoá Pháp tại Việt Nam còn đến hôm nay.

Điều ấn tượng nhất là tại triển lãm, chúng ta gặp lại những tư liệu cách đây hàng trăm năm. Nếu chúng ta nhìn lại kinh nghiệm của cá nhân trong việc lưu trữ giấy tờ, sách vở của gia đình, dòng tộc..., sẽ thấy để gìn giữ được kho tư liệu khổng lồ thế này khó đến mức nào.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

* Với tư cách là nhà sử học, ông cảm nhận ra sao về những dấu ấn di sản Pháp tại Việt Nam qua tài liệu lưu trữ được trưng bày tại triển lãm?

- Người Pháp không chỉ đặt nền móng thiết chế mà còn xây dựng những tập quán, thói quen cho người Việt Nam. Thế hệ cha anh chúng ta là những người được hưởng nền giáo dục của họ.

Những tài liệu với nét bút tẩy xoá, sửa chữa ngang dọc cho thấy cả quá trình thay đổi nhận thức khi hình thành một văn bản nào đó. Bây giờ, những điều đó sẽ mất đi vì chỉ cần một vài click chuột máy tính thay thế.

Chúng tôi, những người nghiên cứu lịch sử, được hưởng thụ nhiều nhất những thành quả lưu trữ này. Những người nghiên cứu quá khứ là dựa trên tư liệu. 

Bên cạnh tư liệu về ký ức thì tư liệu về văn bản, thư tịch, hình ảnh rất quan trọng. Với sự phát triển của phương tiện nghe nhìn, chúng ta khai thác những kho ảnh, kho bản đồ... sẽ mang lại rất nhiều nhận thức mới mẻ.

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 3.

Bản đồ Hà Nội lập tháng 3-1889 - Ảnh: V.V.TUÂN

* Dấu ấn văn hoá Pháp từ thời kỳ thuộc địa đến nay có vai trò như thế nào trong tiến trình lịch sử dân tộc, thưa ông?

- Chúng ta có thể tìm thấy một hình tượng rất hay thời Pháp thuộc là người Việt Nam nói tiếng Pháp và ăn bằng đũa.

Chúng ta có may mắn được tiếp xúc với hai nền văn hoá lớn nhất trong lịch sử nhân loại là văn hoá phương Đông của người Trung Hoa và văn hoá phương Tây của người Pháp.

Có điều, hai nền văn hoá đấy, giao thoa cùng văn hoá Việt trong hoàn cảnh lịch sử rất trớ trêu: thời kỳ nước ta bị xâm lược, đô hộ, thành thuộc địa.

Nhưng vượt qua những yếu tố đó của lịch sử, chúng ta vẫn chắt lọc được rất nhiều tinh hoa để ngày hôm nay cùng gìn giữ và phát triển. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nhìn quá khứ bằng con mắt của sự tiến bộ, thay đổi.

Dấu ấn của văn hoá Pháp ở Việt Nam là những điều tốt đẹp, tích cực, làm phong phú thêm chính văn hoá dân tộc chúng ta.

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 4.

Bản đồ thành phố Hà Nội năm 1873 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản tháng 12-1916 - Ảnh: V.V.TUÂN

* Ngoài những công trình kiến trúc Pháp vẫn hiện hữu, còn có vai trò của những di sản phi vật thể mà người Pháp để lại cho Việt Nam?

- Với những di sản phi vật thể chúng ta rất dễ chủ quan và duy ý chí. Đã có thời kỳ, cứ cái gì "dính dáng" đến Tây là chúng ta cho rằng của thực dân, đế quốc, chúng ta bài trừ, phá bỏ.

Tôi chỉ có một thời gian ngắn sống dưới chế độ thuộc địa Pháp khi học mẫu giáo. Khi vào trường học, bao giờ các thầy, cô cũng đứng ở cửa và học sinh đi qua ngả mũ chào. Các thầy cô giáo rất trân trọng học trò. Đó là những lễ nghi mà nền giáo dục thuộc địa rất trân trọng.

Những chuyện nho nhỏ ấy thôi, chúng ta cũng đánh mất từ lâu rồi. Đó là chưa kể, dù người Pháp áp đặt một nền giáo dục thuộc địa, không phải không có ý đồ chính trị, nhưng họ còn giữ và bảo tồn được giá trị bản địa.

Có những di sản phi vật thể như chữ Quốc ngữ mà chúng ta đang dùng ngày nay có một phần văn hoá của phương Tây nói chung và người Pháp.

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 5.

Bàn thiết kế đèn chùm pha lê 10 bóng phong cách thời đế chế tại Dinh Toàn quyền Đông Dương do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder vẽ năm 1905 - Ảnh: V.V.TUÂN

Chữ Quốc ngữ không chỉ là ký hiệu để ghi âm mà còn thay đổi cả tư duy ngữ pháp diễn đạt đến tâm hồn của người Việt Nam. Nó cũng nhuốm phần nào đó giá trị tốt đẹp của nước Pháp.

Chúng ta nên biết ơn những nhà lưu trữ học người Pháp và Việt Nam đã gìn giữ những tư liệu di sản văn hoá Pháp tại Việt Nam đến hôm nay.

Đã có thời kỳ, chúng ta mặc cảm và với không ít bằng chứng về mặt trái đen tối của thời kỳ thực dân. Nhưng chính thời thuộc địa ấy, có một phần văn hoá Pháp đã ngấm vào máu chúng ta, đi vào lời ăn tiếng nói của chúng ta.

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 6.

Bản thảo vẽ mặt đứng trước và sau của Dinh Thống sứ Bắc Kỳ do kiến trúc sư trưởng, Chánh Sở Công thự lập năm 1909 - Ảnh: V.V.TUÂN

* Tại thủ đô Hà Nội, dấu ấn văn hoá Pháp thể hiện ra sao, thưa ông?

- Thủ đô Hà Nội hiện còn rất nhiều di sản văn hoá Pháp để lại.

Ngay từ đầu, người Pháp đã đặt nền móng, tạo ra những thói quen, tập quán, lối sống, quy chuẩn cho một đô thị Hà Nội hiện đại.

Năm 1888, vua Đồng Khánh trao phần cốt lõi của Hà Nội cho người Pháp làm nhượng địa thì Tổng thống Pháp đã ra sắc lệnh thành lập Hà Nội thành một đô thị lấy hình mẫu của đô thị phương Tây.

Những kết cấu hạ tầng và thiết chế văn hoá của đô thị ấy, đến hôm nay chúng ta còn được thừa hưởng.

Nhiều công trình kiến trúc của người Pháp ở Hà Nội đến hôm nay vẫn là những tinh hoa của thành phố mà chúng ta trân trọng gọi bằng chữ "kiến trúc thuộc địa". Qua đó, đủ để thấy những yếu tố văn hoá Pháp sâu đậm thế nào trong đời sống của chúng ta.

Người Pháp đã góp phần xây dựng, gìn giữ cho chúng ta những tập quán, lối sống. Kế thừa những điều đó nên chúng ta có ngành lưu trữ phát triển như ngày nay.

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 7.

Cầu Long Biên - Ảnh: V.V.TUÂN chụp lại

Triển lãm Dấu ấn văn hoá Pháp qua tài liệu lưu trữ giới thiệu đến công chúng hơn 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật với ba chủ đề chính: từ một đô thị Đông Á đến một thủ đô mang dáng vẻ châu Âu, Sự tiếp nhận nền giáo dục phương Tây, Sứ mệnh gìn giữ kí ức của lưu trữ.

Những hình ảnh tiêu biểu lựa chọn trưng bày đã khắc hoạ rõ nét những ký ức đi cùng năm tháng về một thời kỳ lịch sử đặc biệt - thời kỳ thuộc địa Pháp tại Việt Nam.

Dấu ấn về những công trình kiến trúc dọc các con phố nhỏ được quy hoạch theo kiểu Pháp tạo nên một Hà Nội vừa duyên dáng, vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Bên cạnh đó, chính quyền Pháp đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét về giáo dục ở Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội và Sài Gòn.

Các trường học được xây dựng từ thời Pháp thuộc hiện nay vẫn là một phần không thể thiếu trong hệ thống các trường học nước ta hiện nay.

Nền giáo dục thuộc địa đã đào tạo được những tầng lớp trí thức Tây học có kiến thức toàn diện, am hiểu văn hoá và ngôn ngữ Pháp đồng thời làm phong phú thêm nền văn hoá dân tộc.

Đây là những điều kiện tạo dựng nền tảng cơ bản cho giáo dục Việt Nam sau này.

Ban tổ chức kỳ vọng, việc gìn giữ những di sản kí ức cho mai sau là sứ mệnh của ngành lưu trữ hai nước. Sứ mệnh này sẽ giúp hai dân tộc cùng hướng tới quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt.

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 9.

Hồ sơ công trình cầu Long Biên - Ảnh: V.V.TUÂN

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 10.

Buổi thực hành mô học tại viện Giải phẫu – trường Y Hà Nội - Ảnh: V.V.TUÂN chụp lại

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 11.

Sở Bưu điện Hà Nội - Ảnh: V.V.TUÂN chụp lại

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 12.

Bản vẽ sửa đổi những tuyến đường xung quanh Nhà hát do Chánh Sở Lục lộ và Công chính lập năm 1905 - Ảnh: V.V.TUÂN chụp lại

Di sản văn hoá Pháp vẫn sâu đậm trong đời sống người Việt - Ảnh 13.

Các sách học thời kỳ Pháp thuộc - Ảnh: V.V.TUÂN

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên