Sáng 22-11, thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị có chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sâu hơn cho các cơ quan báo chí, truyền thông và doanh nghiệp hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Những nhiệm vụ mà báo chí thực hiện đã làm tăng ngân sách rất nhiều
Hiện nay mức thuế áp với báo in là 10%, báo chí khác là 20%. Dự thảo luật, báo in giữ nguyên 10%, các loại hình báo chí khác được giảm 5%, tức về 15%.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn của bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói đã tiếp thu theo hướng các loại hình báo chí áp dụng thuế 10%.
Tuy nhiên dự thảo mới nhất của Chính phủ trình vẫn như cũ (mức thuế báo in 10%, ngoài báo in mức 15%) và báo cáo tiếp thu giải trình cũng không nói về vấn đề này. "Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng không nêu về vấn đề này. Chúng tôi nghĩ tiếp thu hay không tiếp thu thì cũng phải có ý kiến", ông Vinh nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng bối cảnh thu ngân sách tăng so với dự toán, tình hình nợ công và bội chi ngân sách giảm, việc tăng thuế ở các lĩnh vực phải hết sức thận trọng, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm trong bài toán tăng thu ngân sách.
Theo ông Ngân: "Lĩnh vực văn hóa, báo chí truyền thông là những lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế nên chúng ta phải có chính sách ưu đãi thuế nhiều hơn".
Đại biểu phân tích nhiều năm qua lĩnh vực báo chí cách mạng Việt Nam, cơ quan truyền thông được Đảng, Nhà nước xem là phương tiện, vũ khí rất quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật đến mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Báo chí cũng góp phần đấu tranh với những thông tin xấu độc, phản động, chống phá và đưa ra những mô hình hay, thông tin tích cực, đồng thời góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
"Những nhiệm vụ đó đã làm tăng ngân sách rất nhiều cho nên tôi nghĩ nên có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí, truyền thông trong giai đoạn hiện nay để có điều kiện cho các cơ quan đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn".
"Bối cảnh nguồn thu quảng cáo và các hoạt động khác giảm rất sâu, trong khi các cơ quan báo chí phải tăng đầu tư thiết bị hiện đại hơn trong thời buổi số. Tôi đề nghị giai đoạn đầu, có thể 5 năm nên đưa lĩnh vực này được hưởng chính sách ưu đãi miễn ở mức không chịu thuế hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất để khuyến khích", ông Ngân ý kiến.
Thuế ưu đãi với lĩnh vực văn hóa và báo chí cần giảm sâu hơn
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng không phải cứ tăng thuế, mở rộng đối tượng thu sẽ có nguồn thu tốt. Ngược lại cần tính toán hợp lý, đánh giá tác động hợp lý.
Theo ông Tuấn, đôi khi miễn giảm, giãn thuế, nhà đầu tư, doanh nghiệp mới mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng nguồn thu, tạo ra thu nhập tính thuế lớn hơn và đóng góp ngược lại cho nguồn thu ngân sách, tạo sự đóng góp bền vững hơn.
Ngược lại việc tăng thuế có thể hạn chế mở rộng đầu tư của doanh nghiệp khiến thu nhập giảm và đóng góp cho nguồn thu ngân sách cũng giảm.
Ông Tuấn cho rằng: "Đối với thuế ưu đãi với lĩnh vực văn hóa và báo chí cần giảm sâu hơn. Báo in hiện sụt giảm mạnh về phát hành, người đọc tiếp cận thông tin nhiều trên các báo điện tử là chính, nếu đánh thuế cao loại hình này không phù hợp. Do vậy cần giảm mức thuế xuống khoảng 5% hoặc 0%".
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cũng đề nghị giảm thuế với các loại hình báo chí về cùng mức 10%, do đây không phải lĩnh vực kinh doanh, mà phục vụ chính trị, làm nhiệm vụ truyền thông nên cần sự hỗ trợ, ưu đãi phù hợp.
Ông Nghĩa nhìn nhận: "Vai trò của báo chí với xã hội rất lớn, nhất là trong lịch sử phát triển, truyền thông chính sách hiện nay. Ngoài ra, các cơ quan báo chí hiện gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn thu quảng cáo, cạnh tranh của mạng xã hội, phóng viên rất vất vả".
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cho biết trong dự luật có quy định ưu đãi thuế cho báo chí, tuy nhiên ưu đãi chỉ áp dụng cho một số hoạt động trực tiếp liên quan đến ngành nghề này.
Theo bà Thúy, thực tế hiện nay ở TP.HCM có một số báo được đầu tư hoặc được nhà nước cho ưu đãi vay các nguồn vốn để xây dựng các tòa nhà cao tầng. Ngoài hoạt động vận hành tòa soạn, phần dư ra được các cơ quan báo chí cho thuê, kinh doanh tòa nhà và xem đây là hoạt động nuôi lại tờ báo.
"Hiện nay nguồn thu từ quảng cáo không thể nuôi được tờ báo trong bối cảnh yêu cầu tự chủ báo chí như hiện nay, trong khi đó phần tòa nhà không được ưu đãi, phải tính thuế theo thu nhập doanh nghiệp bình thường thì rất khó cho cơ quan báo chí", bà Thúy nói.
Nữ đại biểu đề xuất chính sách hỗ trợ cho báo chí theo đúng nghị quyết của trung ương, theo đó ưu đãi thuế với toàn bộ hoạt động kinh doanh phục vụ cho hoạt động của tờ báo và không tách rời hoạt động tòa nhà cho thuê hay các hoạt động khác.
"Cần xem đây là cơ hội để các cơ quan báo chí thực hiện tốt hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên giáo, tuyên truyền, giáo dục", bà Thúy nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận