24/11/2023 13:23 GMT+7

Đại biểu mặc áo dài, mang sơ đồ minh họa ra thảo luận tại Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần có quy định cấm doanh nghiệp, người dân tự cắm các biển cảnh báo giao thông, xây dựng điểm ngắm cảnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 24-11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Đường bộ. Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) mặc áo dài cách tân đã mang theo sơ đồ minh họa để Quốc hội dễ theo dõi.

Đề xuất Nhà nước làm điểm ngắm cảnh trên quốc lộ cả nước

Góp ý về trạm dừng chân, ngắm cảnh, ông Cảnh nói nước ngoài có 3 mô hình là điểm dừng, điểm dừng nghỉ và điểm ngắm cảnh.

Theo ông Cảnh, Bộ Giao thông vận tải đã quy định các điểm dừng nghỉ trên quốc lộ nhưng mới chỉ có một loại, trong khi nước ta trải dài từ Bắc - Nam, cảnh rất đẹp.

Nếu làm đường cao tốc chỉ đi qua, không dừng lại được và đường quốc lộ cũng không dừng lại được vì không có điểm.

Với xe máy, ô tô nếu dừng lại chụp ảnh rất nguy hiểm. Trong khi ở nước ngoài sẽ chọn những điểm rất đẹp làm chỗ dừng, nghỉ ngơi.

Từ đó ông đề nghị cần sửa dự luật để sau trạm dừng chân bổ sung điểm ngắm cảnh.

Bởi theo ông Cảnh, muốn làm trạm dừng chân phải xã hội hóa mới hiệu quả, còn điểm ngắm cảnh thì Nhà nước đầu tư.

Về nhà trông giữ xe, ông Cảnh nói ở các thành phố, khuyến khích rất nhiều nhưng nhà để xe rất khó làm bởi "đầu tư tiền chẵn mà thu tiền lẻ".

Để khuyến khích tư nhân làm, ông Cảnh đề nghị ngoài ưu đãi tiền thuê đất cần có chính sách cho tư nhân được chuyển nhượng một phần chỗ để xe như tài sản hình thành trong tương lai.

Liên quan bảng chỉ đường trong dự thảo luật, ông Cảnh đề nghị bảng tên đường có thể có thông tin khác để người đi đường biết về kích thước đường, loại đường, thuận tiện hơn trong điều khiển phương tiện, tìm kiếm địa điểm.

Ngoài cách chỉ đường, ông Cảnh đề nghị có thể có thêm mã QR code để người tham gia quét, qua đó có thể nhận được thông tin giới thiệu về tên đường, các dịch vụ, cơ sở kinh doanh ở đó...

Về làn đường, thứ tự làn đường, ông Cảnh nói hiện tại quy định chưa rõ và người tham gia cũng chưa biết đi ở làn đường nào. 

Về sơn biển báo tốc độ, phương tiện trên mặt đường, ông Cảnh cho biết hiện có nhiều biển gộp thông tin trên một tấm biển, người dân rất khó để xem.

Quy định chặt chẽ xe đưa đón học sinh là cần thiết

Góp ý về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho rằng việc quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động này là rất cần thiết.

Bởi trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thực tiễn đã xảy ra không ít vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh.

Đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo khi cùng quy định về nội dung này ở cả 2 luật mà không trùng nhau.

Tuy vậy, bà cho rằng các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Bà đề nghị trong dự Luật Đường bộ chỉ cần quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.

Phải đổi hàng triệu giấy phép lái xe là Phải đổi hàng triệu giấy phép lái xe là 'cần thiết, nhằm tích hợp thông tin'

Bộ trưởng Tô Lâm nêu việc đổi giấy phép lái xe không thời hạn bằng giấy được cấp trước ngày 1-7-2012 sang nhựa PET là cần thiết, nhằm tích hợp thông tin.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên