Phòng bệnh mái tôn xây cách đây 23 năm
Ngày 29-10, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết đã có tờ trình HĐND liên quan đến việc đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa Bệnh viện Tâm thần.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 87 tỉ đồng dự kiến xây mới khối điều trị cấp tính nam - nữ với quy mô 140 giường.
Xây dựng mới hành lang nối từ khối điều trị cấp tính nam - nữ xây mới kết nối với khối điều trị đặc biệt + cai nghiện, khối dinh dưỡng, khối chẩn đoán hình ảnh với quy mô 1 tầng.
Ngoài ra còn cải tạo các khối nhà, mua sắm trang thiết bị.
Trước đó như Tuổi Trẻ Online phản ánh, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị trong bài viết Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng căng bạt ở trên, hứng mưa ở dưới.
Tình trạng xuống cấp xảy ra do các khối nhà được xây dựng từ hơn 20 năm trước.
Tại bệnh viện này có những phòng bệnh mái tôn cuối cùng còn sót lại ở thành phố Đà Nẵng. Mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì nước chảy ròng ròng trên đầu người bệnh tâm thần.
Nhân viên y tế ở đây luôn thường trực thu dọn khu vực nhà ăn, phòng sinh hoạt để có nơi trú ngụ cho các bệnh nhân bất cứ lúc nào trời đổ mưa.
Vào đợt mưa năm 2023, nhân viên y tế ở đây phải mang thau ra hứng nhưng khi mưa lớn hơn, nước chảy nhiều tràn ra nền nhà họ phải đưa bệnh nhân đi nơi khác vì lo ngại trượt té.
Tình trạng phòng ốc ẩm mốc, cửa sổ gỉ sét, tường bong tróc vì quá cũ khiến người bệnh lẫn nhân viên ở đây mệt mỏi.
Sau khi báo phản ánh, các biện pháp khắc phục tạm thời đã được thực hiện để đảm bảo điều kiện ăn ở và sinh hoạt của bệnh nhân, cũng như điều kiện làm việc của nhân viên y tế.
Mức độ nguy hiểm cấp C
Theo tìm hiểu, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng ở đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu với toàn bộ các khối nhà hiện trạng của bệnh viện không được cải tạo, nâng cấp trong thời gian dài nên dẫn đến tình trạng xuống cấp (ngoại trừ khối điều trị đặc biệt - cai nghiện).
Trong đó đặc biệt khối điều trị cấp tính nam - nữ (bao gồm khoa cấp tính nam và khoa cấp tính nữ) được đưa vào sử dụng từ năm 2001.
Thời gian sử dụng đến nay là hơn 23 năm, hiện tại bị xuống cấp nặng, các phòng chức năng ẩm mốc, cửa sổ gỉ sét, tường bong tróc vì quá cũ, bê tông dầm sàn nhiều vị trí lộ cốt thép bị gỉ sét gây mất an toàn.
Hệ thống điện đi âm tường thường bị chạm chập vào mùa mưa rất nguy hiểm cho nhân viên và bệnh nhân, phần mái bị thấm dột nặng, nhiều vị trí phải phủ bạt tạm không đảm bảo sử dụng trong mùa mưa....
Theo TCVN 9381-2012 thì kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của các khối công trình ở mức độ nguy hiểm cấp C.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận