Ngày 9-7, UBND thành phố Đà Lạt cho biết rà soát của các phường cho thấy toàn thành phố có 60 công trình trong diện nguy cơ sạt trượt, nghiêng lún, cần theo dõi để chủ động ứng phó và đảm bảo an toàn.
Yêu cầu xã, phường theo dõi sát
Việc lọc ra 60 công trình cần quan tâm đặc biệt dựa trên việc rà soát toàn bộ 265 công trình trên toàn thành phố, đồng thời sàng lọc, kiểm tra các công trình có nguy cơ mà người dân phản ánh qua tin báo.
UBND thành phố Đà Lạt cho biết những công trình này nằm phía ta luy dương, tiếp giáp các kè chắn đất (gồm kè đá, tường chắn bê tông) có chiều cao lớn, thiếu hệ thống gom nước đỉnh kè, chân kè.
Bên cạnh đó là các công trình thuộc vị trí ta luy âm, khi chủ đầu tư tổ chức xây dựng có khối đế công trình gồm tường chắn bê tông, đắp đất, hoặc làm kè đá. Tuy nhiên, những công trình này vẫn còn thiếu hạng mục mương thu nước tại chân kè.
Đối với 60 công trình nằm trong diện có nguy cơ cao cần theo dõi thường xuyên, UBND thành phố Đà Lạt yêu cầu các xã, phường ghi nhận liên tục các biến đổi của công trình khi có diễn biến thời tiết cực đoan.
Đà Lạt lập nhóm tiếp nhận tin nóng về nguy cơ sạt trượt
Ông Đặng Quang Tú - chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt - cho biết thành phố đã lập một nhóm tiếp nhận tin nóng về nguy cơ sạt trượt trên địa bàn. Hằng ngày tin báo về các công trình này đều được ghi nhận. Các bộ phận cũng thông qua tin báo từ đâu để kiểm soát nguy cơ sạt trượt.
Ngoài ra, với các công trình đang thi công tại khu vực nguy cơ sạt lở, địa phương cần rà soát, kịp thời đình chỉ trong trường hợp chưa tuân thủ quy định xây dựng, phòng, chống nguy cơ sạt trượt.
Đối với công trình không đảm bảo giải pháp an toàn nhưng không bị kiểm tra, lãnh đạo các phường, xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố Đà Lạt.
Để chống ngập và sạt lở trong ngắn hạn và phòng chống về sau, UBND thành phố Đà Lạt đã có tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đề xuất triển khai 10 dự án nạo vét, sửa chữa các hồ, suối, xây kè chống sạt lở tại thành phố với tổng kinh phí gần 700 tỉ đồng.
Giảm tai nạn do ngập, sạt trượt để phát triển du lịch
UBND thành phố Đà Lạt nhìn nhận giảm thiểu các tai nạn do thời tiết cực đoan có liên quan đến việc phát triển hoạt động kinh doanh du lịch của năm 2024.
Việc giám sát tình trạng sạt trượt ngay đầu mùa mưa tại Đà Lạt được tăng cường sau năm 2023 xảy ra 13 vụ sạt lở, làm 2 người chết, hơn một chục căn nhà bị sập, hư hỏng.
Trong đó, vụ sạt lở bờ ta luy trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám (phường 10) làm 2 người chết, 5 người bị thương khi chủ đầu tư đang cho đắp đất để tạo mặt bằng thi công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận