12/07/2018 13:46 GMT+7

'Đã đến lúc tôi tìm lại người sinh ra mình'

AMANDINE DURANT - ĐỖ THỊ NGỌC CHÂU
AMANDINE DURANT - ĐỖ THỊ NGỌC CHÂU

TTO - "Sau ba tháng ở Việt Nam, tôi quay về Pháp, với cuộc sống ổn thỏa và đầy đủ của mình. Rồi tôi lại thấy thiếu một điều gì đó. Từ đáy lòng mình, tôi nghe thấy tiếng gọi từ Việt Nam", trích thư của cô gái gốc Việt Amandine Durant.

Đã đến lúc tôi tìm lại người sinh ra mình - Ảnh 1.

Amandine Durant và lý lịch của cô với tên Đỗ Thị Ngọc Châu được bệnh viện đặt cho để chuyển vào cô nhi viện - Ảnh: DUYÊN PHAN, Tư liệu cá nhân

Tôi thì muốn tìm mẹ của tôi: Đỗ Thị Chiểm. Bà 43 tuổi khi sinh tôi non tháng vào sáng sớm 20-8-1995 tại Bệnh viện Từ Dũ. Bà bỏ đi sau đó. Tôi chỉ nặng 1,6kg và được bệnh viện đặt cho tên Đỗ Thị Ngọc Châu. 6 tháng tuổi, tôi cùng cha mẹ nuôi về Pháp.

Cha mẹ nuôi nói rằng tôi là một món quà mà họ đã chờ đợi từ rất lâu. Họ yêu đất nước Việt Nam từ khi còn trẻ và sang đây du lịch. Khi biết mình không thể có con, họ quyết định chọn xin con nuôi ở Việt Nam. Tôi đã thay đổi cuộc sống của họ về hướng hạnh phúc.

Cha mẹ đã cho tôi một cuộc sống tuyệt vời. Tôi có mọi thứ tôi muốn, được đi du lịch khắp nơi, được sang London học đại học. Cha mẹ ủng hộ tôi mọi điều.

Chúng tôi đã cùng nhau sang Việt Nam 5 lần, từ khi tôi còn nhỏ cho đến lớn, cùng đi du lịch, ăn món ăn Việt, tìm hiểu văn hóa. Tôi cảm thấy yêu đất nước Việt Nam và con người Việt Nam. Ở đây, tôi rất thoải mái, cảm thấy quen thuộc và gắn bó, không ai nhìn tôi vì tôi giống tất cả mọi người.

Ở Pháp, khi đi với cha mẹ, mọi người sẽ nhìn tôi vì thấy tôi khác biệt. Từ khoảng 14 tuổi, tôi bắt đầu có ý muốn tìm lại cha mẹ ruột của mình. Tôi tự hỏi họ đang ở đâu? Cuộc sống của họ như thế nào? Tôi có anh chị em nào không? Và tại sao mẹ đã bỏ tôi?...

Ở Pháp, tôi đã có một công việc tốt, một căn hộ, xe hơi, mọi việc đều ổn. Tôi tham gia một tổ chức từ thiện để có thể chia sẻ, giúp đỡ những người thiếu may mắn như tặng thức ăn cho người nghèo và người vô gia cư.

Cha mẹ thường dạy tôi về những giá trị cuộc sống: rằng nếu tôi muốn có được điều gì trong đời, phải làm việc chăm chỉ để có được và nên chia sẻ với người khác những may mắn của mình. Chia sẻ không làm mình nghèo đi mà là một phần quan trọng trong cuộc sống.

Năm ngoái, tôi sang Việt Nam và làm việc tình nguyện tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TP.HCM) và một số nơi nuôi dưỡng các em mồ côi khác. Tôi chăm sóc các em sơ sinh, các em khuyết tật và rất yêu chúng. Tôi thấy gần gũi với nơi này và cảm thấy những đứa trẻ đều là anh chị em của mình.

Chính tôi đã từng ở chỗ đó, trong hoàn cảnh đó. Sau ba tháng tôi quay về Pháp, với cuộc sống ổn thỏa và đầy đủ của mình. Rồi tôi lại thấy thiếu một điều gì đó. Từ đáy lòng mình, tôi nghe thấy tiếng gọi từ Việt Nam.

Năm nay tôi quay trở lại Việt Nam, tìm một công việc mới và tiếp tục công việc thiện nguyện. Cuộc sống của tôi ở Việt Nam cũng tuyệt vời như ở Pháp, mọi người xung quanh đều rất dễ thương. Và một lý do quan trọng nữa: tôi muốn tìm lại cha mẹ ruột của mình.

Trong giấy tờ để lại, mẹ đã 43 tuổi khi sinh tôi. Năm nay bà đã 66 tuổi rồi. Tôi rất mong được gặp lại bà, được nhìn khuôn mặt bà để tìm những nét của mình, được giúp đỡ bà về kinh tế nếu cần thiết, được chia sẻ cuộc sống với bà trong những năm sau này, được biết mình có anh chị em hay không...

Đã hơn 20 năm tôi sống ở Pháp. Bà là mảnh ghép Việt Nam trong cuộc đời của tôi.

Tôi đang cần sự giúp đỡ cho việc tìm kiếm ấy từ những người bạn Việt Nam.

Giao lưu "Cội nguồn con ở đâu?"

Mong muốn bước tìm về cội nguồn của những người con nuôi gốc Việt, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình "Con nuôi Việt tìm về cội nguồn ", làm cầu nối cho những người con đang trở về quê hương từ bất cứ nơi đâu để tìm lại gia đình.

Buổi giao lưu đầu tiên sẽ được tổ chức vào 13h30 ngày 12-7-2018 tại báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Chương trình chào đón sự tham gia của những người con nuôi gốc Việt đang trở về từ nhiều nước trên thế giới, những trẻ em đang sinh sống ở các mái ấm, những bậc cha mẹ không may thất lạc con, các chuyên gia tâm lý, những vị phụ trách mái ấm và các ban ngành liên quan...

'Tìm về cội nguồn' nối yêu thương cho những người con nuôi gốc Việt

TTO - Chương trình làm cầu nối cho những người con đang trở về quê hương từ bất cứ nơi đâu để tìm lại gia đình.

AMANDINE DURANT - ĐỖ THỊ NGỌC CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên