Mẹ ơi, thay đổi ấy sẽ là ngày con được gặp mẹ.
“Con có một chị gái, cao, da trắng, tóc vàng, mắt xanh, hoàn toàn khác với con... Chị đã bế con từ ngày đầu gặp mặt tại Sài Gòn”
Con năm nay 22 tuổi rồi, con đã thử đoán để biết lý do: mẹ còn trẻ và mẹ đã đơn độc một mình sinh con. Mẹ bỏ lại con có lẽ vì nghĩ mình không thể cho con được một đời sống tốt. Mẹ hi vọng sẽ có một ai đó khác làm tốt hơn mẹ điều ấy.
Con đã được đón về cô nhi viện ở Gò Vấp và ngay sau đó được một gia đình người Pháp nhận nuôi. 2 tháng tuổi, con được mẹ nuôi bế lên máy bay đi Pháp. Con đã được yêu thương, đã có một cuộc sống tuyệt vời với một gia đình tuyệt vời. Mẹ ơi, hi vọng của mẹ đã được đền đáp.
Dĩ nhiên con biết mình là con nuôi ngay từ rất nhỏ vì màu da, mái tóc, đôi mắt khác biệt của mình trong gia đình. Con lớn lên với câu chuyện độc đáo của mình và hạnh phúc với nó.
Dĩ nhiên đôi khi ở trường con bị trêu chọc, đôi khi có những câu hỏi tò mò nhưng rồi mọi thứ đều qua nhanh. Con còn có một số người bạn cũng là người Việt và được nhận nuôi như con nữa. Con tự hào về nguồn gốc của mình.
Con có một chị gái, cao, da trắng, tóc vàng, mắt xanh, hoàn toàn khác với con. Chị 5 tuổi khi cha mẹ nhận con, và đã bế con từ ngày đầu gặp mặt tại Sài Gòn. Những tấm ảnh ấy vẫn được gia đình lưu giữ. Trong ấy, cả nhà đã cười sung sướng khi bồng con và cho mãi đến sau này.
Cả gia đình luôn bên nhau, du lịch cùng nhau qua khắp thế giới trong những mùa hè: Ý, Hi Lạp, Croatia, Indonesia, Lào và cả Việt Nam nữa...
Không hề có sự phân biệt đối xử nào giữa cha mẹ và hai chị em. Mọi người đều mong con thành công và hạnh phúc. Và hơn nữa, cả gia đình đều khuyến khích con kết nối với Việt Nam, tìm lại mẹ.
Tháng 2 năm ngoái, con quyết định tham gia chương trình trao đổi Pháp - Việt về đào tạo quản lý giữa các trường đại học hai nước. Và thế là con đến Hà Nội theo học chương trình liên kết tại Đại học Kinh tế quốc dân.
Con đã đi du lịch để nhìn ngắm Việt Nam, quê hương của mẹ và cũng là của con. Vịnh Hạ Long, Cát Bà, Mai Châu, Hà Giang... phong cảnh thật tuyệt vời, con người thật nồng hậu với những giá trị văn hóa thật quý giá. Con đã yêu Việt Nam, đã theo học tiếng Việt nhưng rất tiếc là chưa thành công vì tiếng Việt thật khó. Nhưng con sẽ cố gắng để học.
Con cũng đã đến Sài Gòn, quay lại nơi con đã được đón về từ bệnh viện, Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Con nhận ra ngay vì đã nhiều lần xem những hình ảnh, video mà cha mẹ nuôi lưu giữ khi đến thăm nơi đây và nhận con về.
Khung cảnh chưa thay đổi nhiều. Bước chân đi vào đó là một bước đi dài nhất trong đời con cho đến bây giờ. Một trải nghiệm thật nhiều cảm xúc. Nhìn thấy những bé sơ sinh đang nằm trong nôi, những em bé đang bò, đang tập đi, con như thấy chính mình ở đó cách nay 22 năm.
Con đã bật khóc vì biết ơn những cô bảo mẫu, những người làm việc ở đây, và bật khóc vì biết mình may mắn. Con tự hỏi nếu mình đã không được nhận làm con nuôi thì hôm nay cuộc sống đã ra sao?
Nhìn các em nhỏ rất dễ thương này, con cầu cho các em sẽ có được một gia đình mới yêu thương như con đã may mắn có được.
Và con nghĩ đến mẹ. Mẹ là ai? Mẹ đang ở đâu? Cuộc sống của mẹ như thế nào? Mẹ có được hạnh phúc, mạnh khỏe không? Mẹ đã cho con cuộc sống này, con đã rất hạnh phúc và không giận, không ghét mẹ.
Con đã nghĩ đến khoảnh khắc được gặp mẹ một ngàn lần, nhưng vẫn chưa biết mình sẽ phản ứng thế nào, sẽ nói gì, nhưng chắc chắn là con sẽ rất hạnh phúc. Và chắc chắn cuộc đời con sẽ có những thay đổi lớn lao, mãi mãi với việc được gặp mẹ. Con đã sẵn sàng rồi.
Con còn trẻ và tràn đầy năng lượng. Con biết một lúc nào đó ngày ấy sẽ đến. Dù việc tìm kiếm có khó khăn, con sẽ không từ bỏ. Lá thư này con viết như một cách để tìm sự giúp đỡ từ những người bạn Việt Nam. Nếu mẹ đọc được, xin hãy liên lạc với họ để tìm con nhé, mẹ Niêm Nhục Kiếu.
Giao lưu "Cội nguồn con ở đâu?"
Mong muốn bước tìm về cội nguồn của những người con nuôi gốc Việt, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình "Con nuôi Việt tìm về cội nguồn ", làm cầu nối cho những người con đang trở về quê hương từ bất cứ nơi đâu để tìm lại gia đình.
Buổi giao lưu đầu tiên sẽ được tổ chức vào 13h30 ngày 12-7-2018 tại báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Chương trình chào đón sự tham gia của những người con nuôi gốc Việt đang trở về từ nhiều nước trên thế giới, những trẻ em đang sinh sống ở các mái ấm, những bậc cha mẹ không may thất lạc con, các chuyên gia tâm lý, những vị phụ trách mái ấm và các ban ngành liên quan...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận