11/07/2010 02:08 GMT+7

Đã đến lúc không thể "đóng cửa bảo nhau"

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Xung quanh việc Ủy ban Kiểm tra trung ương thông báo công khai nội dung các kỳ họp trong thời gian vừa qua, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

nxaivZA3.jpgPhóng to
Ông Vũ Quốc Hùng - Ảnh: V.DŨNG

* Vốn là cán bộ lãnh đạo ngành kiểm tra Đảng lâu năm, ông có nhận xét gì về việc công khai thông tin của Ủy ban Kiểm tra trung ương hiện nay?

- Việc thông báo công khai nội dung kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã được thực hiện qua nhiều lần. Với tinh thần dựa vào dân, lắng nghe nhân dân, tôi nghĩ rằng đã đến lúc Đảng và Nhà nước thông qua các cơ quan chức năng nên tiến hành đo lường sự phản ứng của người dân với việc công khai đó. Mục đích là lắng nghe người dân để thấy được tình hình hiện nay, thấy được sự hưởng ứng cũng như tác dụng của sự công khai.

Cần khẳng định sự công khai của Ủy ban Kiểm tra trung ương không đơn thuần là việc làm của một cơ quan, mà chính là việc làm của Đảng ta. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc Ủy ban Kiểm tra trung ương thông báo công khai nội dung các kỳ họp của mình. Tất nhiên, mọi việc mới làm đều có cái được và cái cần hoàn thiện thêm.

* Như vậy có thể hiểu thông báo của Ủy ban Kiểm tra trung ương là một việc làm theo xu hướng công khai, dân chủ của Đảng?

- Qua đối chiếu với các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ X cũng như điều lệ Đảng, tôi thấy rằng vừa qua Ủy ban Kiểm tra trung ương đã tiến hành các công việc của mình theo đúng chức năng, nhiệm vụ của điều lệ ghi.

Tôi được biết các đồng chí trong Ủy ban Kiểm tra trung ương khóa X đã hết sức cố gắng để thực hiện các nhiệm vụ được ghi trong điều lệ, cũng như thực hiện các nghị quyết của Ban chấp hành trung ương khóa X, trong đó có nghị quyết trung ương 5 về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Vấn đề ở đây là tự thân Ủy ban Kiểm tra trung ương phải làm thế nào để các vụ việc mình giải quyết đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính.

Đã đến lúc không thể trong Đảng “đóng cửa bảo nhau” mà phải thông báo công khai cho nhân dân biết. Đây cũng là để thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

* Thưa ông, trước đây trong hoạt động của Ủy ban Kiểm tra trung ương thường có những kỳ họp để thảo luận, xem xét, kết luận về nhiều vấn đề như vừa qua?

- Đó là những việc làm thường xuyên của Ủy ban Kiểm tra trung ương qua các thời kỳ. Nghĩa là đây là việc làm hết sức bình thường, chỉ khác với trước đây là hiện nay nội dung kỳ họp được công khai. Tất nhiên công khai là điều rất tốt, nhưng sẽ không tránh khỏi có những ý kiến băn khoăn, vì đây toàn những nội dung mà chúng ta thường nói với nhau là “nhạy cảm”.

Tôi nghĩ rằng những người còn băn khoăn thì hoàn toàn có thể góp ý kiến, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, với Ủy ban Kiểm tra trung ương để hoàn thiện hơn công tác này. Mới đây Ủy ban Kiểm tra trung ương đã thông báo liên quan đến 45 vụ việc, có người nói công khai như vậy là “vơ đũa cả nắm”, sợ sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín người lãnh đạo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Sợ mất uy tín và thể diện mình, không dám tự phê bình. Lại nói: nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng la lết quả dưa”.

Chúng ta phải quen với việc công khai và cần có những người lãnh đạo dám nhận khuyết điểm, dám đứng trước sự công khai trên tinh thần phê bình và tự phê bình.

* Khi đảng viên bị kỷ luật về Đảng thì cấp ủy có trách nhiệm chỉ đạo kỷ luật về chính quyền, đoàn thể với mức độ tương ứng. Nhưng trên thực tế có những trường hợp đã bị kỷ luật về Đảng rồi nhưng kỷ luật về chính quyền thì triển khai chậm?

- Hệ thống chính trị của chúng ta do một đảng lãnh đạo. Ủy ban Kiểm tra trung ương thực hiện công việc kiểm tra, giám sát của Đảng, bên cạnh đó các cấp có thẩm quyền của Nhà nước phải vào cuộc kịp thời để tạo sự đồng bộ.

* Khi công khai những vấn đề “nhạy cảm” như ông vừa nêu, hẳn là các thành viên trong Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ phải chịu nhiều sức ép?

- Làm công tác kiểm tra là vô cùng vất vả, lao tâm khổ tứ. Cán bộ kiểm tra cũng là con người, bây giờ đi xem xét người khác, trong đó có thể có những người vốn thân thiện với mình, đó lại là những người có chức vụ quyền hạn, nên vất vả lắm. Tôi không đo được các đồng chí hiện nay vất vả đến mức độ nào, nhưng tôi tin là vất vả hơn thời chúng tôi.

------------------------------------

"Kết luận ông Nguyễn Trường Tô sống buông thả là chưa thỏa đáng Cần có cơ chế đặc thù giám sát tập đoàn Xử lý ông Nguyễn Trường Tô như thế là thỏa đáng Luật sư nói gì về vụ Chủ tịch tỉnh Hà Giang? Vinashin: cơ chế "độc nhất vô nhị” Tín hiệu mạnh mẽ Phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh, kiểm tra Kiểm điểm, xử lý kỷ luật chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình Bài học Vinashin: Xem lại cơ chế giám sát các tập đoàn Tái cơ cấu để sửa chữa 3 năm sau Vinashin hết khó khăn Vinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồngVinashin vẫn phải trả khoản nợ nước ngoài

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên