Bảo đảm hiệu quả phòng chống tham nhũngTập trung kiểm tra 7 lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũngTập trung phòng chống tham nhũng trong đất đai, thuế
Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Phạm Thị Hải Chuyền - Ảnh: V.V.THÀNH |
Trong thời gian tới, việc phòng chống tham nhũng phải có trọng tâm, trọng điểm với bảy lĩnh vực được xác định có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao như: quản lý, sử dụng đất đai; thuế; hải quan; xây dựng cơ bản; quản lý tài nguyên khoáng sản; công tác tổ chức, cán bộ; xử lý tố cáo và xử lý các vụ án về tham nhũng.
Dự thảo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng sáu tháng đầu năm 2010, do ông Vũ Tiến Chiến (chánh văn phòng ban chỉ đạo) trình bày, cho biết công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng thời gian qua từ trung ương đến địa phương đã được tăng cường.
Một số vụ án nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý như: vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific; vụ nhận hối lộ của phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam; vụ điều tra viên, kiểm soát viên quận Thủ Đức (TP.HCM) nhận hối lộ...
Một số vụ án kéo dài nhiều năm đã được chỉ đạo, xử lý dứt điểm. Các vụ việc có dấu hiệu nghiêm trọng được xem xét, xác minh thận trọng, nghiêm túc, bảo đảm các quy định của pháp luật.
Xử lý án tham nhũng chậm
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn ít Theo ông Vũ Tiến Chiến, từ ngày 1-1 đến 30-5-2010, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố 81 vụ/159 bị can trong các vụ án về tham nhũng, truy tố 122 vụ/315 bị can, xét xử 100 vụ/122 bị cáo. Mặc dù số liệu các vụ án về tham nhũng được phát hiện, xử lý có giảm so với cùng kỳ năm 2009, đơn cử về khởi tố giảm 30% về số vụ và 34% về số bị can, nhưng số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách vẫn còn ít so với các vụ tham nhũng bị phát hiện, xử lý. Theo báo cáo của các bộ, ngành trung ương, trong sáu tháng đầu năm không có trường hợp người đứng đầu nào bị xử lý. Các tỉnh, thành đã xử lý trách nhiệm 22 người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Điển hình như Bắc Giang xử lý 2 trường hợp, Hậu Giang 2, Đắk Lắk 5, Bình Thuận 4. |
Một trong những hạn chế được dự thảo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng sáu tháng đầu năm 2010 đưa ra là một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm so với tiến độ đề ra, có vụ việc, vụ án chưa tạo được sự đồng thuận trong đánh giá bản chất vụ việc, thiếu sự phối hợp, để kéo dài gây hoài nghi trong nhân dân...
Công tác phát hiện hành vi tham nhũng qua giám sát của các cơ quan chức năng, kiểm tra của cơ quan quản lý cấp trên, tự phát hiện qua kiểm tra các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn là khâu yếu, chậm được khắc phục.
Có nhiều tỉnh thành không phát hiện, khởi tố mới vụ án tham nhũng (Hưng Yên, Lào Cai, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Hà Giang, Hải Dương, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp...).
Theo ông Dương Thành Bắc (phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng), thống kê cho thấy có những vụ nhanh nhất là 12 tháng, vụ chậm nhất trên 50 tháng, trung bình hơn 30 tháng mới xử lý xong, “cho dù các vụ án được thực hiện đúng pháp luật, các cơ quan chức năng có thể nêu ra nhiều nguyên nhân để lý giải vì sao chậm, nhưng chậm như vậy là chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân”.
Ông Dương Thành Bắc cho biết hiện đơn thư tố cáo gửi về Văn phòng Trung ương không có sự tăng đột biến và bức xúc nhiều như trước Đại hội X. Tuy nhiên so với cuối năm 2009, đơn thư tố cáo đã tăng, các đơn thư này phần lớn có nội dung tố cáo về tham nhũng, một số đơn thư có nội dung về công tác xây dựng Đảng. “Trong thời gian tới có thể có diễn biến khác hơn, nóng hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi” - ông Dương Thành Bắc nói.
Cần cơ chế phát hiện sớm
Tại phiên họp, bà Phạm Thị Hải Chuyền, phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cho rằng cần xem lại một số cơ chế kiểm tra, giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“Đối với việc quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, vừa rồi có rất nhiều vấn đề, mô hình các tập đoàn là mới, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, để đến lúc thanh tra, kiểm tra vào thì có sai phạm lớn là rất đáng tiếc... Chúng ta biết rằng các công ty bình thường có ban kiểm soát 2-3 người, bây giờ tập đoàn kinh tế quy mô vốn, tài sản hàng chục ngàn tỉ đồng, hàng trăm ngàn tỉ đồng cũng chỉ có từng đó người trong ban kiểm soát thì không làm nổi, cần tính cơ chế quản lý cho phù hợp” - bà Chuyền nói.
Bà đề nghị đối với tập đoàn kinh tế lớn Thủ tướng cần có cơ chế giám sát đặc thù, tạm gọi là thành lập một bộ phận gồm đại diện các cơ quan tài chính, kế hoạch... được đặt trực tiếp dưới sự điều hành của Thủ tướng để giám sát kế hoạch phát triển của các tập đoàn, giám sát việc sử dụng vốn vay, “nếu cơ quan tài chính chỉ thực hiện quản lý các tập đoàn như các doanh nghiệp nhà nước khác thì chưa kịp thời, cần có cơ chế giám sát đặc thù”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói doanh nghiệp nhà nước tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả sản xuất kinh doanh, nhưng giao cho doanh nghiệp nhà nước tự chủ thì cơ quan nhà nước phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, “nếu có việc báo cáo không trung thực, cố ý làm trái thì người báo cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng có cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sớm, xử lý kịp thời”.
Miễn giảm không đúng đối tượng
Ông Hoàng Hồng Lạc (phó tổng Kiểm toán Nhà nước) cho biết vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán xung quanh chủ trương thực hiện các giải pháp về chống suy giảm kinh tế (gói kích cầu - PV), trong đó có chuyên đề kiểm toán về vấn đề miễn giảm, hoàn thuế. Về mặt chủ trương đã phát huy tác dụng tích cực, tuy nhiên vẫn còn có việc miễn giảm chưa đúng đối tượng.
“Chính phủ quy định việc miễn giảm đó chủ yếu dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng lại có cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng được hưởng chế độ miễn giảm này. Hiện các số liệu đang được chúng tôi tiếp tục làm rõ, tuy nhiên bước đầu có thể nêu ra một vài ví dụ như Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm (được miễn giảm 16 tỉ đồng), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (35 tỉ đồng), Tổng công ty Công nghiệp ximăng (21 tỉ đồng)” - ông Lạc nói. Cũng theo ông Lạc, qua việc kiểm toán chuyên đề thu và quản lý tiền sử dụng đất cũng đã phát hiện những biểu hiện dễ dẫn đến tham nhũng.
Xem xét nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng Theo ông Vũ Tiến Chiến, bên cạnh 11 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo, còn có năm vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ban chỉ đạo quan tâm, bao gồm: vụ sai phạm trong quản lý đất đai dự án Khu công nghiệp rác thải Long An - TP.HCM (đã kết thúc cuộc thanh tra), vụ Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam mua bán 3 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại (cơ quan cảnh sát điều tra đang điều tra, hiện đã có văn bản chỉ đạo của thường trực Ban Bí thư, của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng), vụ việc theo đơn tố cáo những sai phạm tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Bộ Công thương đang tiếp tục thanh tra làm rõ các sai phạm), thông tin về việc Công ty Securency hối lộ Công ty CFTD của Việt Nam trong cung cấp chất nền in tiền polymer (Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại hai văn bản do Văn phòng Chính phủ phát hành, văn bản mới nhất ngày 21-6-2010), thông tin Công ty Nexus (Hoa Kỳ) hối lộ quan chức Việt Nam... Về những vụ việc cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Vụ án đưa hối lộ và nhận hối lộ liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ, đề nghị anh Vượng (ông Trần Quốc Vượng, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - PV) rõ tới đâu xử tới đó với tinh thần độc lập tự chủ, đúng pháp luật... Báo chí nước ngoài nêu vụ tiền polymer, thanh tra đã thanh tra rồi, chuyển công an nghiên cứu, nghi thì cũng có nghi nhưng không có đủ cơ sở...”. Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam mua bán 3 triệu cổ phiếu, đảm bảo khách quan, đúng pháp luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận