Phóng to |
Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình (ảnh dưới) và một cửa hàng kinh doanh ôtô, xe máy tại Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy và xe máy - một trong 200 công ty của Vinashin - Ảnh: K.H. - CÙ ZAP |
Vinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồngKiểm điểm, xử lý kỷ luật chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương cho thấy ông Phạm Thanh Bình, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Vinashin, đã bổ nhiệm em ruột, con trai vào các chức vụ chủ chốt, đại diện phần vốn nhà nước trái quy định của Đảng và Nhà nước. Qua tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sở dĩ có việc bổ nhiệm này chính vì cơ chế tập quyền mà ông Bình có được.
Tập trung quyền lực
Từ tháng 1-1996, từ viện phó Viện Nghiên cứu thiết kế cơ khí giao thông vận tải, ông Phạm Thanh Bình được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy. Từ năm 1998, ông Bình được làm chủ tịch tổng công ty kiêm tổng giám đốc.
Đến năm 2007, khi được thí điểm mô hình tập đoàn, đứng ở vị trí cao nhất là chủ tịch HĐQT, ông Bình vẫn tiếp tục giữ chức tổng giám đốc. Công việc của chủ tịch và tổng giám đốc rất khác nhau, khi có ý kiến nên tìm cán bộ có năng lực để phân công, phân nhiệm chức tổng giám đốc, ông Bình đã xin ý kiến và lập điều lệ tập đoàn, theo đó Vinashin không chỉ có một tổng giám đốc mà có tới sáu vị.
Theo các chuyên gia kinh tế, có thể nói đây là cơ chế “độc nhất vô nhị” ở VN: một tập đoàn có sáu tổng giám đốc nhưng các tổng giám đốc vẫn ghi rõ là tổng giám đốc kinh doanh, tổng giám đốc nội chính, tổng giám đốc đầu tư...
Thực chất các tổng giám đốc trên vẫn giữ chức năng phó tổng và ông Bình trên thực tế vẫn đương nhiên nắm quyền điều hành của tổng giám đốc.
Mua tàu 1.390 tỉ đồng không qua hội đồng định giá
Chính vì sự tập quyền này nên có nhiều quyết định đầu tư, ông Phạm Thanh Bình ký mà nhiều thành viên HĐQT, tổng giám đốc khẳng định... không hề được biết. Điển hình là việc mua tàu Hoa Sen ngày 7-5-2007, dù giá trị rất lớn, lên tới 1.390 tỉ đồng nhưng việc này được giao cho Công ty vận tải viễn dương Vinashin mua, chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình ký, không hề qua hội đồng định giá và mua nhanh đến nỗi mua về rồi... các bộ mới biết - như công nhận của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn.
Sau vụ mua tàu Hoa Sen, Vinashin còn dự định mua tiếp tàu Hoa Sen 2, tuy nhiên do các thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc đã biết và phản đối quyết liệt nên hợp đồng mua Hoa Sen 2 không được ký.
Phóng to |
Nhà máy đóng tàu Vinashin Dung Quất - nơi đang đóng hai con tàu chở dầu trên 100.000 tấn nhưng trễ hạn đến 27 tháng - Ảnh: Đăng Nam |
Một năm ba lần bổ nhiệm con trai
Theo đánh giá của chính các nhân viên Vinashin, sự tập trung quyền lực quá lớn đã khiến ông Bình dễ dàng ra quyết định và đến nay bị kết luận sai quy định khi bổ nhiệm con, em vào các vị trí chủ chốt đại diện phần vốn nhà nước. Cụ thể, con trai ông Phạm Thanh Bình là Phạm Bình Minh (sinh năm 1980) khi chưa tới 27 tuổi đã được bổ nhiệm làm viện phó Viện Khoa học công nghệ tàu thủy.
Từ năm 2007, ông Phạm Bình Minh liên tiếp được bổ nhiệm, có năm như 2009 được bổ nhiệm tới ba lần: ngày 27-3-2009 bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn thiết kế công nghiệp. Ngày 16-7 được bổ nhiệm kiêm chức giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc Viện Khoa học công nghệ tàu thủy. Ngày 22-12 được bổ nhiệm kiêm phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - một doanh nghiệp được đầu tư lớn để trở thành nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á.
Việc bổ nhiệm con trai kiêm nhiệm các chức vụ “to”, ông Bình không hề xin ý kiến ban thường vụ đảng ủy tập đoàn và không có nghị quyết của HĐQT.
Em trai ông Bình là Phạm Thanh Phong cũng được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc Công ty đầu tư xây dựng Vinashin rồi được cử làm đại diện phần vốn công ty này, giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty cổ phần Vinashin - tư vấn đầu tư. Em vợ ông Phạm Thanh Bình, theo các quyết định của Vinashin, cũng được giữ chức trưởng ban kinh doanh đối ngoại - một vị trí đầy quyền lực trong tập đoàn.
Ủy ban Kiểm tra trung ương trực tiếp xử lý Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra trung ương, vi phạm của ông Phạm Thanh Bình đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật. Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 6-7, ông Trần Văn Tuấn - phó bí thư thường trực Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương - cho biết: “Theo quy định về phân cấp cán bộ thì Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ trực tiếp thực hiện công việc nêu trên. Thông báo của Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đã nêu rõ cơ quan này quyết định thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với ông Bình. Tất nhiên khi có cuộc họp về vấn đề liên quan thì đại diện Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương sẽ tham gia”. Theo ông Tuấn, hiện nay ông mới chỉ tiếp cận được thông báo của Ủy ban Kiểm tra trung ương qua báo chí. Tuy nhiên với việc Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đảng viên và tổ chức Đảng cấp dưới thì “đây là bài học để chúng tôi kiểm tra, phát hiện, báo cáo lên cấp có thẩm quyền”. |
_____________________
Phóng to |
Ông Vũ Quang Hải |
Ông Vũ Quang Hải (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Phải xử lý rốt ráo sai phạm
Ông Vũ Quang Hải là người đã nhiều lần đưa vấn đề Vinashin lên bàn nghị sự của Quốc hội. Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về sai phạm của chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình, ông Hải bình luận:
- Bằng những thông tin có được do cử tri cung cấp, chúng tôi đã chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội về sai phạm của Vinashin. Đây cũng là vấn đề nhiều người đã nhìn thấy. Bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương rất minh bạch, nêu rõ khuyết điểm, sai phạm của ông Bình.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì có những vấn đề cần được xem xét dưới góc độ trách nhiệm, còn trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần sớm xem xét, kết luận.
* Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương cho thấy ông Phạm Thanh Bình đã “bổ nhiệm em ruột và con trai làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước”. Phải chăng đây là biểu hiện đáng quan ngại của lợi ích nhóm, lợi ích gia đình trong một tập đoàn kinh tế?
- Quy định của Đảng và Nhà nước về việc này đã rất cụ thể rồi. Việc ông ấy bổ nhiệm em ruột, con trai chiếm giữ các vị trí quan trọng của tập đoàn sờ sờ ra đấy, không thể nói là cơ quan quản lý nhà nước không biết. Vậy tại sao không xử lý sớm những việc làm trái với quy định của Nhà nước? Đằng sau chuyện này là thế nào tôi xin không bình luận. Nhưng tôi nghĩ trách nhiệm của cơ quan quản lý khi phát hiện sai phạm phải xử lý ngay chứ không thể để lâu dài vậy được.
* Ông Ngô Văn Minh (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội): Có sự buông lỏng quản lý Trong nội dung kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương có đoạn nói Vinashin báo cáo thiếu trung thực với Chính phủ, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng nói không biết Vinashin mua tàu Hoa Sen... Đó là những điều hết sức quan ngại. Nói là đã phân cấp, phân quyền nhưng để tình trạng xảy ra đến mức như vậy thì công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước rõ ràng là yếu kém. Tại sao dư luận bức xúc về Vinashin nhiều năm nay nhưng cơ quan quản lý nhà nước không kịp thời kiểm tra, xử lý? Tôi rất băn khoăn và cho rằng đây chính là sự buông lỏng quản lý. Chủ tịch HĐQT Vinashin bổ nhiệm em ruột và con trai vào các vị trí quan trọng của tập đoàn là sai với quy định của Đảng và Nhà nước. Vậy tôi xin hỏi nội bộ ở Vinashin thế nào? Công tác của đảng bộ, chi bộ, tổ chức ở đấy thế nào? Cả một tập thể HĐQT như thế mà sao để ông ấy thao túng như vậy? Điều này hết sức vô lý. Tôi đề nghị cần phải làm rõ và công khai để nhân dân biết ngọn nguồn sự việc. * Luật gia Cao Bá Khoát (nguyên thành viên tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp): Quản lý tiền nhà nước lỏng lẻo Tôi thấy việc sử dụng vốn của Vinashin là không đúng quy định, không đúng dưới con mắt người kinh doanh có trách nhiệm. Vay trái phiếu chính phủ với lãi suất 7,5% để rồi về đầu tư vào ngân hàng, cho vay lại với lãi suất 4% là thua rồi. Đầu tư dàn trải vào những lĩnh vực không có tay nghề nữa thì đúng là “cái chết được báo trước”. Những nhà đầu tư tư nhân không bao giờ dám làm liều như vậy. Nhà nước đi vay 750 triệu USD để rồi về đưa vào tay những người không biết làm ăn. Tiền nhiều quá thế nên họ lúng túng rồi cho vay lại, đầu tư dàn trải không tính đến hiệu quả nên thất thoát là điều dễ hiểu. Rõ ràng tiền của Nhà nước đã được quản lý rất lỏng lẻo. * Luật sư Nguyễn Ngọc Bích (Công ty luật DC): Không thể quản trị bằng mắt Về mặt quản trị doanh nghiệp, Vinashin phạm một sai lầm rất lớn là phát triển quy mô quá lớn với tốc độ nhanh nên mất kiểm soát. Việc kiểm soát ở đây phải dựa vào nền quản trị theo khoa học để nắm được hiệu quả, kế hoạch và việc tuân thủ quy định. Ở quy mô doanh nghiệp nhỏ thì quản trị theo sự thuận tiện có thể được nhưng khi doanh nghiệp đã phát triển ở quy mô có đến 200 doanh nghiệp con thì không thể quản trị bằng mắt và chỉ dựa vào những người thân thuộc mà mình tin tưởng. Phải thực hiện việc quản trị bằng cách lập ngân sách chứ không thể dựa vào những kế hoạch theo lối hành chính. Một doanh nghiệp hoạt động không dựa trên nền tảng quản trị khoa học thì không thể bền vững. L.KIÊN - L.N.Minh ghi |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kiểm điểm, xử lý kỷ luật chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình Bài học Vinashin: Xem lại cơ chế giám sát các tập đoàn Tái cơ cấu để sửa chữa 3 năm sau Vinashin hết khó khăn Vinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồngVinashin vẫn phải trả khoản nợ nước ngoài
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận