Những quảng cáo về bác sĩ gia đình đang xuất hiện nhiều trên mạng Internet. Kèm theo đó là địa chỉ, số điện thoại di động hoặc điện thoại bàn của nhiều bác sĩ và công ty làm dịch vụ bác sĩ gia đình với giá 150.000-350.000 đồng cho một lần khám bệnh.
Theo chân “bác sĩ gia đình”
Chiều 26-3, chúng tôi theo chân bác sĩ L.V.Đ. tới khám cho ông Quảng Cầu (80 tuổi) tại một căn hộ ở tầng 5 lô F chung cư Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM theo lịch hẹn. Sau khi khám cho bệnh nhân, hỏi han người nhà về tình hình sức khỏe, bác sĩ Đ. viết phiếu chỉ định xét nghiệm máu kiểm tra tổng quát cho ông Cầu. Ông Cầu không phải đến bệnh viện mà có người của cơ sở xét nghiệm gần đó đến nhà lấy máu và trả kết quả tại nhà cho ông. Khi có kết quả, bác sĩ Đ. quay lại đọc kết quả và kê đơn thuốc. Trước khi về, bác sĩ Đ. dặn người nhà chú ý những biểu hiện của bệnh nhân cũng như cách chăm sóc.
Chị Quảng Thiết Chân - con gái ông Quảng Cầu - cho biết thấy cha không được khỏe, chị gọi điện thoại cho bác sĩ Đ. đến khám bệnh cho cha tại nhà. Chị Chân kể cha chị bị rất nhiều bệnh gồm Parkinson, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, rối loạn tiểu đường, thoái hóa cột sống thắt lưng. Dù nhà gần bệnh viện nhưng chị không đưa cha đến bệnh viện vì ông Cầu tuổi cao, không đi lại được trong khi nhà ở tận tầng 5 mà chung cư không có thang máy. Cách đây hai năm chị lên mạng Internet tìm thông tin về dịch vụ bác sĩ gia đình và đã mời bác sĩ Đ. khám, kê toa điều trị bệnh hai năm nay.
Theo bác sĩ Đ., nhu cầu mời bác sĩ khám bệnh tại nhà của người dân ở TP.HCM rất lớn, nhất là những gia đình có người già yếu, mắc bệnh mãn tính. Là bác sĩ chuyên về lão khoa nên đối tượng khách hàng của bác sĩ Đ. chủ yếu là người già. “Điều cần nhất của một bác sĩ gia đình là không những nắm vững về chuyên môn mà còn phải rất tâm lý, biết cách giao tiếp với bệnh nhân” - bác sĩ Đ. chia sẻ. Bác sĩ Đ. kể có nhiều bệnh nhân lớn tuổi bệnh nặng nhưng không chịu đi khám mặc kệ con cháu năn nỉ, những lúc như thế cần bác sĩ đến tận nhà, nhưng bác sĩ cũng phải đóng giả là người quen của gia đình. Sau khi hỏi han, lắng nghe, bác sĩ mới được người bệnh hợp tác. Cũng có những người lớn tuổi tuy không bị bệnh gì nhưng họ sợ cô đơn, muốn được quan tâm nên luôn than đau ốm. Những lúc như thế bác sĩ cần lắng nghe, động viên thì người bệnh khỏe lên rất nhiều.
Việc tới tận nhà khám bệnh cũng giúp bác sĩ hiểu hơn được hoàn cảnh sống của gia chủ để có những tư vấn phù hợp, ứng phó với bệnh tật. Một bác sĩ gia đình kể rằng khi nhận được điện thoại yêu cầu đến khám bệnh cho một bà cụ, ông đi ngay. Khi tới nơi mới biết bà cụ sống cô đơn một mình, hàng xóm thấy bệnh tật thương quá nên gọi điện thoại cho bác sĩ tới. Khám bệnh kê toa xong bác sĩ không lấy tiền vì thấy hoàn cảnh quá tội nghiệp.
Không chỉ dành cho người giàu
Tại TP.HCM hiện có hai dạng bác sĩ gia đình là những công ty chuyên tổ chức dịch vụ bác sĩ gia đình (có nhiều bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện công hoặc tư nhân hợp tác...) và những bác sĩ làm việc tự do (không làm việc ở bệnh viện, phòng khám đa khoa nào nhưng có giấy phép và chứng chỉ hành nghề) đến tận nhà bệnh nhân khi có yêu cầu. Mô hình công ty thường được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, nghiêng về tư vấn, phòng bệnh nhiều hơn mô hình bác sĩ hành nghề tự do nghiêng về khám, điều trị.
Các công ty chuyên tổ chức dịch vụ bác sĩ gia đình xây dựng nhiều gói dịch vụ theo nhiều đối tượng, lứa tuổi với giá cả khác nhau để khách hàng lựa chọn. Khi lựa chọn các gói dịch vụ này khách hàng sẽ ký hợp đồng với công ty trong vòng một năm. Một công ty chăm sóc sức khỏe tại Q.Tân Phú đưa ra các gói dịch vụ bác sĩ riêng với các gói hạng cao cấp và hạng tiêu chuẩn. Gói hạng cao cấp giá từ 3-7,5 triệu đồng/năm tùy từng độ tuổi. Gói hạng tiêu chuẩn, khách hàng sẽ đóng một số quỹ tối thiểu (1 triệu đồng cho cá nhân, 2 triệu đồng cho hộ gia đình). Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ bác sĩ gia đình tại Q.Phú Nhuận đưa ra các gói dịch vụ: khám đột xuất tại nhà, khám định kỳ tại nhà, thiết kế lối sống riêng, khám y học cổ truyền tại nhà... với giá trung bình cho một hộ gia đình là 5 triệu đồng/năm.
Thông thường các công ty này hợp tác với các bác sĩ ở các bệnh viện để có nguồn nhân lực hoạt động. Ông T.M.T - giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ bác sĩ gia đình tại Q.Phú Nhuận - cho biết công ty chỉ có một số ít bác sĩ làm việc toàn thời gian, còn lại chủ yếu là bác sĩ tại các bệnh viện làm thêm ngoài giờ. Tuy nhiên, nguồn bác sĩ gia đình rất thiếu nên những bác sĩ hoạt động trong công ty không nhất thiết là phải tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ gia đình mà chỉ cần nắm vững chuyên môn và có khả năng giao tiếp tốt.
Hiểu chưa đúng Trao đổi về mô hình bác sĩ gia đình, bác sĩ Trịnh Văn Hiệp - phụ trách chương trình y học gia đình Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - nói tất cả những gì mà thời gian qua nghe về bác sĩ gia đình đều không đúng là bác sĩ gia đình chính thống mà ngành y tế nhắm tới. Số người am hiểu về bác sĩ gia đình hiện cũng còn rất ít. Theo bác sĩ Hiệp, bác sĩ gia đình chính thống là bác sĩ điều trị, chăm sóc ngoại trú, ban đầu cho người bệnh những vấn đề sức khỏe thường gặp một cách thuần thục. Đồng thời tư vấn (nhiệm vụ trọng tâm), tầm soát, dự phòng và chăm sóc toàn diện về mặt thể chất, tâm lý, thần kinh và các vấn đề gia đình - xã hội. Bác sĩ gia đình có trách nhiệm chăm sóc liên tục 24/7, chăm sóc suốt đời (từ lúc còn là bào thai cho đến lúc qua đời); chăm sóc sức khỏe cho cả một gia đình và chăm sóc một cách thân thiện, gần gũi. Người bệnh là trung tâm của sự chăm sóc và được chăm sóc chủ yếu tại phòng khám bác sĩ gia đình - luôn đặt tại các khu dân cư. 80-90% người tham gia dịch vụ bác sĩ gia đình đến khám tại phòng khám bác sĩ gia đình theo lịch hẹn, theo kế hoạch, theo chương trình và bệnh cần khám ngay. 10-20% còn lại được thăm khám tại nhà và họ là những trường hợp không đến được phòng khám bác sĩ, những trường hợp đang ở nhà dưỡng lão. |
Phóng to |
Bác sĩ Đ. trao đổi, dặn dò người nhà cách chăm sóc bệnh nhân trong một lần khám bệnh tại nhà - Ảnh: Ngọc Nga |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận