Phóng to |
Đó là một thực tế, nhưng rồi 36 năm sau một thực tế khác là hàng chục triệu con người đang chịu đựng di chứng do chính chất độc ấy gây ra, quân đội Mỹ giải thích gì? Chắc hẳn Heather Bowser - nạn nhân chất độc da cam người Mỹ do cha bị phơi nhiễm trong thời gian tham chiến ở Việt Nam - cũng đã có câu trả lời cho chính mình sau chuyến đi đến Việt Nam.
“Tôi muốn họ thừa nhận”
Không chỉ gặp những nạn nhân như cô, Heather còn trò chuyện với một số quan chức ở Việt Nam. Có lần Heather đã đặt thẳng câu hỏi mà cô từng ấp ủ trong suy nghĩ của mình với ông Trần Ngọc Thổ, cựu chiến binh và là chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.HCM, “Các ông không giận người Mỹ sao, sao lại không?”.
Ông Thọ lắng nghe người phiên dịch rồi lắc đầu cười, trả lời bằng tiếng Anh: “No. Because we won”. (Không. Vì chúng tôi chiến thắng). Cựu chiến binh Đặng Vũ Dũng, hiện là giám đốc làng Hữu Nghị Việt Nam, từng nói chuyện với Heather về công việc hiện tại của ông: “Tôi về hưu rồi nhưng còn sức khỏe. Vì thế tôi muốn trả ơn đất nước, thế là làm việc tại đây, như một cách để giúp đỡ những trẻ em bị thiệt thòi là con những cựu chiến binh, đồng chí của tôi năm xưa”.
Sau mỗi lần gặp những cựu chiến binh, người cùng thời với cha cô, Heather lại không thể không nhớ về cha mình. Ngày ấy, cha mẹ cô từng có những ước mơ đẹp khi họ còn là sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế Bliss ở Columbus.
Cha cô mơ làm một kế toán nhưng rồi phải bỏ ngang việc học, nhập ngũ. Để rồi sau này khi thấy con gái mình bị ảnh hưởng chất độc da cam, ông từng có lần nói với Heather: “Nếu như cha biết cha đi lính để rồi có ngày con như thế này, thì chắc chắn ngày đó cha đã sang định cư ở Canada. Giá mà cha biết trước như vầy”.
Bà Sharon, mẹ Heather, nói chuyến đi của con gái bà đến Việt Nam đã giúp bà khuây khỏa được phần nào nỗi đau của một người mẹ từ khi chứng kiến con gái mình sinh ra không lành lặn như người khác. Nhưng với con gái, bà Sharon nói chỉ có nước Mỹ mới có thể chữa lành những vết thương vô hình in sâu trong lòng Heather.
Bà Sharon nói: “Tôi muốn Chính phủ Mỹ ít ra phải thừa nhận Heather và những đứa trẻ như Heather là nạn nhân da cam. Tôi không cần tiền, không cần chăm sóc y tế, mặc dù sẽ tốt hơn nếu chính phủ trả lại khoản tiền chăm sóc y tế cho Heather thời gian qua vì di chứng da cam. Nhưng tôi muốn con gái tôi mãn nguyện khi thấy họ thừa nhận họ đã làm cho những đứa trẻ của chúng ta bị phơi nhiễm da cam. Họ từng phủ nhận điều này với cựu chiến binh từ lâu rồi. Giờ tôi muốn họ phải thừa nhận”.
Phóng to |
Heather Bowser, cô gái “chân gỗ”, bị mất một phần chân phải và sáu ngón tay - Ảnh: Nick Ut |
Đối diện bức tường...
Cảm xúc của Heather về cuộc chiến, về vai trò của nước Mỹ cứ tiếp tục luẩn quẩn trong đầu cô. Heather nói: “Tôi nghĩ bây giờ tôi có thể hiểu được mọi người đang rối bời như thế nào, nhưng dù sao tôi cũng thấy hài lòng khi những trẻ em nạn nhân da cam đang được chăm sóc tốt”.
Từ ngày đặt chân xuống đất nước Việt Nam đến nay đã ba tháng trôi qua, Heather Bowser đã hiểu được thêm phần nào những thắc mắc của riêng mình. Nhưng một tháng sau khi trở về Ohio, Heather lại tỏ ra đầy mâu thuẫn trong email cô gửi: “Giờ tôi như đang đối diện một bức tường che kín hết thực tế đau lòng rằng trẻ em nạn nhân ở Việt Nam cũng đang chịu nhiều đau khổ như tôi. Điều nhức nhối nhất là sẽ còn nhiều nạn nhân vô tội tiếp tục được sinh ra ở Việt Nam do những điểm nóng da cam vẫn còn đó trên đất nước này, gây ra vô số dạng rối loạn gen di truyền. Rồi đến một ngày những trẻ em đó phải hiểu rằng các em không giống mọi người, như những gì tôi trải qua ở trường mẫu giáo. Sự thật các em đó chính là tôi, tôi cũng là các em, cùng là nạn nhân phải chịu đựng sự thật kinh hoàng. Làm sao chúng ta có thể chấm dứt cuộc chiến này, cuộc chiến hậu quả da dam. Tôi phải tiếp tục tranh đấu, nhưng không chỉ cho riêng tôi nữa mà cho những trẻ em của thế hệ sau. Nhưng một thực tế nhói lòng là làm sao tôi có thể giúp gì cho ai khi chính mình đang là một nạn nhân. Nay 36 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, giới khoa học xác định vẫn còn 28 điểm nóng rải rác trên khắp đất nước Việt Nam cần phải tẩy sạch. Vẫn có cách làm được dù biết rằng tốn kém, trong khi Việt Nam đang là nước nghèo. Liệu những ký ức về nỗi đau dai dẳng của tôi ở Việt Nam có thể giúp ích cho những nhà làm chính sách, nhà báo lên tiếng vì lương tri và sự sám hối. Rõ ràng không ai có thể thay đổi một sự thật rằng sự liên can của Mỹ ở Việt Nam đã gây ra những số phận bị phơi nhiễm chất độc da cam”.
Về phần Connie Schultz, tác giả bài viết này đăng trên báo The Plain Dealer, tỏ ra thực tế hơn dù đã tận mắt chứng kiến bao nỗi chịu đựng của nạn nhân: “Tôi chỉ biết rằng lòng kính trọng của tôi dành cho những người còn sống ở cả hai quốc gia đang lớn dần lên”.
Về đến Mỹ, một viên chức hải quan trông còn khá trẻ, có thể sinh ra sau cuộc chiến, chất vấn bà về visa: “Bà đến Việt Nam làm gì? - “Viết về da cam!”. “Da cam? Chuyện đó cũ rồi mà!”.
_____________________
Thật ra mọi nỗi đau không hề cũ. Ở Sài Gòn, cô gái “chân gỗ” gặp một cậu bé giống y mình ngày xưa để hiểu rằng chính cuộc chiến đã làm cho số phận bi kịch của họ gặp nhau...
Kỳ cuối: Giữa hai thế giới...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận