06/04/2013 05:49 GMT+7

Cứu vãn hôn nhân

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Hầu hết vợ chồng nào cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm trong mối quan hệ hôn nhân, thậm chí một số quyết định tiến tới ly thân, ly dị vì không tìm được tiếng nói chung.

yYUnIZCz.jpgPhóng to
Đi nghỉ mát cùng nhau cũng là một trong những cách “hâm nóng” cuộc sông hôn nhân - Ảnh: N.C.T.

Thực tế, có một số bước mà chỉ cần người trong cuộc nhìn lại, nỗ lực thay đổi sẽ cải thiện được thực tế tưởng như không có lối thoát ấy.

Nhận diện vấn đề

Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân, giáo sư tâm lý Neal Newfield (ĐH West Virginia, Hoa Kỳ) cho rằng đặc điểm đầu tiên các cặp vợ chồng cần lưu ý là hôn nhân xưa rất khác nay: “Thời xưa, hôn nhân thường dựa trên sự sắp đặt. Quyền lực thời đó hầu hết nằm ở phái mạnh hoặc cha mẹ và hôn nhân được xem là thành công khi gia đình đó quản lý chi tiêu tốt, vợ chồng có bề ngoài êm ấm. Người vợ ít được lên tiếng và xúc cảm không được quan tâm”.

Trong khi đó, theo giáo sư Neal, hôn nhân hiện đại với sự bình đẳng, độc lập giữa hai bên và áp lực mưu sinh dưới tác động của suy thoái kinh tế... khiến phát sinh nhiều vấn đề hơn. Hầu hết các cặp vợ chồng đều mong muốn, đòi hỏi nhận được sự thấu hiểu cao về mặt cảm xúc, động viên từ nửa kia.

"Tự nhắc bản thân rằng bất kỳ mối quan hệ vợ chồng nào cũng có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” và vì thế việc tranh luận với nhau là bình thường"

Giáo sư Neal Newfield

“Và chọn cách trò chuyện, thảo luận như thế nào trong việc giải quyết các mâu thuẫn trở thành vấn đề cấp thiết nhất lúc này” - giáo sư Susan Newfield (ĐH West Virginia) nhận định.

Bà dẫn giải một nghiên cứu được giáo sư tâm lý John Gottman (ĐH Washington, Hoa Kỳ) thực hiện trên 2.000 cặp vợ chồng đã chỉ ra: Không phải mức độ nghiêm trọng của vấn đề hay số lần tranh luận, mà chính cách hai bên tranh luận quyết định sự sống còn của một cuộc hôn nhân.

Đồng ý với giáo sư Susan Newfield, ThS xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng nếu tranh luận theo hướng tích cực sẽ là sự sẻ chia thì hướng ngược lại dẫn tới mâu thuẫn càng thêm sâu sắc. Theo ThS Nhờ, do gia đình VN vẫn mang truyền thống văn hóa Á Đông nên dẫu tiếng nói cả hai bên đều được lắng nghe, người chồng phần lớn vẫn có quyền lực nhiều hơn vợ.

Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong việc hòa hợp đời sống vợ chồng, “mái ấm” theo đó bị lung lay. ThS Nhờ khẳng định trong một gia đình, ai giữ vị trí quyền lực nhiều hơn hoặc rơi vào tình trạng khó tự kiểm soát lời nói, hành động hoặc cho bản thân quyền không cần giải thích. Từ yếu tố này, mâu thuẫn, xung đột sẽ ngày một lớn do người kia cảm thấy không còn được tôn trọng, yêu thương.

Bên cạnh đó, ThS Nhờ cho rằng yếu tố Á Đông cũng khiến người Việt e ngại thể hiện tình cảm, lời yêu thương hơn các nước phương Tây.

Cần lắng nghe

Giáo sư Neal Newfield nhấn mạnh việc cải thiện mối quan hệ vợ chồng cần có sự nỗ lực, nhẫn nại của cả hai bên. Theo ông, các cặp vợ chồng nên lưu ý các điều dưới đây:

- Tuyệt đối không nên hành hạ thể xác, hăm dọa và làm nhục... người bạn đời bởi việc họ bị ức chế, phẫn uất và bỏ đi là chuyện sớm muộn.

- Trò chuyện, tranh luận về các vấn đề hai bên đang vướng mắc một cách nghiêm túc. Tránh cách trò chuyện chỉ trích, sự coi thường, bao biện và “đánh phủ đầu”.

- Nếu một số vấn đề chỉ cần trò chuyện, tranh luận đôi ba lần thì rất nhiều vấn đề khác cần tranh luận hàng trăm lần trước khi đi đến sự thống nhất. Điều quan trọng là cần tìm cách đi vào vấn đề nhẹ nhàng, thiện chí nhất để vợ chồng có thể thoải mái thảo luận nhiều lần với nhau. Đảm bảo rằng khi buổi tranh luận kết thúc, cả hai đều cảm nhận được kết quả “win-win” (cả hai bên đều được lắng nghe và đạt được sự ngang bằng về quyền lợi).

- Tập giữ bình tĩnh, kiềm chế khi tranh luận. Tự nhắc bản thân rằng bất kỳ mối quan hệ vợ chồng nào cũng có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”, và vì thế việc tranh luận với nhau là bình thường.

Ngoài ra, theo ThS Nhờ, áp lực mưu sinh trong thời buổi kinh tế khó khăn đi kèm với tác động sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mọi người ngày một kiệm lời, khả năng giao tiếp cũng dần mai một. “Điều quan trọng nhất lúc này là phải có sự lắng nghe” - bà nói. Chính sự lắng nghe phần nào hóa giải được xung đột khi “cái tôi” hai bên thi nhau phình to.

Bên cạnh đó, ThS Nhờ gợi ý vợ chồng không nhất thiết phải nói những lời hoa mỹ, thương yêu hay hành động gì to tát để thể hiện tình cảm, bởi: “Có khi chỉ là nụ cười, câu hỏi thăm mỗi lúc bạn đời đi làm về, chủ động lắng nghe những phiền muộn về công việc, cuộc sống, ăn cơm chung... Ai cũng sợ sự cô đơn và trở nên vô hình trong mắt người khác nên chỉ bằng những hành động rất nhỏ trên, sự quan tâm của bạn sẽ có tác dụng trong việc cải thiện mối quan hệ”.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên