17/10/2020 11:57 GMT+7

Cứu sống bệnh nhân 2 lần ngưng tim ngưng thở bằng 'ngủ đông'

A LỘC
A LỘC

TTO - Ngày 17-10, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay vừa cứu sống một bệnh nhân 2 lần ngưng tim, ngưng thở bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể (cho bệnh nhân ngủ đông).

Cứu sống bệnh nhân 2 lần ngưng tim ngưng thở bằng ngủ đông - Ảnh 1.

Sức khỏe ông T. đã ổn định sau khi được cấp cứu bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể - Ảnh: B.A.

Bệnh nhân N.Đ.T. (40 tuổi, ngụ phường Bình Đa, TP Biên Hòa) bị hen suyễn từ nhỏ. Chiều 2-10, bệnh nhân bị ngất khi trên đường từ xưởng về nhà, được đưa vào Phòng khám đa khoa Long Bình (TP Biên Hòa) cấp cứu.

Sau khi có nhịp tim trở lại, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai điều trị. Tại đây, bác sĩ xác định bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở lần 2.

Ngay lập tức, các bác sĩ cấp cứu liên tục cho bệnh nhân. Sau khoảng 15 phút, tim bệnh nhân đập trở lại nhưng vẫn hôn mê. Bác sĩ tiếp tục hồi sức cấp cứu, cho bệnh nhân thở máy, sử dụng thuốc điều trị hen… Đồng thời, thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt ngoài cơ thể để cứu bệnh nhân.

Bác sĩ Đoàn Quốc Duy, phó khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - giải thích: "Với kỹ thuật này, bệnh nhân được cho mặc một bộ đồ hạ thân nhiệt có các mạch lưu thông nhỏ, bên trong có các loại dịch gắn vào máy hạ thân nhiệt chỉ huy để giảm thân nhiệt của bệnh nhân xuống còn 33 độ C. Sau 24 tiếng duy trì nhiệt độ trên, nhiệt độ cơ thể bệnh nhân được nâng dần 0,25 độ C mỗi giờ cho đến khi đạt 37 độ C".

Sau vài ngày, khi bệnh nhân tỉnh táo, các bác sĩ mới ngưng máy hạ thân nhiệt, rút ống nội khí quản, ngưng sử dụng thuốc an thần (để giãn cơ) và tiếp tục chăm sóc tích cực cho bệnh nhân.

Hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể là kỹ thuật cao, thường chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến trung ương do yêu cầu cao về trình độ của bác sĩ và trang thiết bị máy móc. Trước đây, khi chưa áp dụng kỹ thuật này, tỉ lệ hồi phục của bệnh nhân bị ngưng tim cực kỳ thấp, đa số bệnh nhân có tổn thương não, để lại di chứng, phải sống đời sống thực vật hoặc tệ nhất là tử vong.

"Hiện bệnh nhân N.Đ.T. đã gần như tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, có thể ăn cháo, uống sữa. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cứu sống bệnh nhân ngưng tim bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động" - bác sĩ Duy cho biết thêm.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng cứu sống ông N.V.H. (58 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP Biên Hòa) bị ngưng tim 10 phút trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể.

Điện giật ngưng tim được cứu sống thần kỳ Điện giật ngưng tim được cứu sống thần kỳ

TTO - Trong lúc vớt rác ở một hồ nhỏ trong khuôn viên nơi làm việc, anh T. bị điện giật ngã xuống nước ngưng tim, ngưng thở. Rất may anh đã được cứu sống.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên