13/03/2020 13:36 GMT+7

Cuộc 'trường chinh' tìm văcxin cứu người - Kỳ cuối: Đi tìm 'văcxin bệnh X' cho người Việt

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Những ngày này, các chuyên gia nghiên cứu, phát triển văcxin ở Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế, đang thực hiện một công việc không đơn giản: cùng chạy đua phát triển văcxin ngừa virus corona chủng mới theo công nghệ mới.

Cuộc trường chinh tìm văcxin cứu người - Kỳ cuối: Đi tìm văcxin bệnh X cho người Việt - Ảnh 1.

Một kỹ thuật viên cầm trên tay lọ văcxin viêm não Nhật Bản tại Công ty TNHH MTV Văcxin và sinh phẩm số 1 - Bộ Y tế - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nhiều người gọi giai đoạn này là bản lề với chúng tôi. Bởi nếu sản xuất thành công ở quy mô thương mại văcxin ngừa virus corona chủng mới, trường hợp có bệnh dịch khác chúng ta có thể sử dụng giá thể sẵn có cho văcxin mới. Thời gian sản xuất văcxin mới sẽ nhanh hơn và dễ thu hút đầu tư hơn.

Ông Đỗ Tuấn Đạt

Nghiên cứu "văcxin bệnh X"

Là một trong hơn 40 quốc gia trên thế giới được coi là có nền công nghiệp sản xuất văcxin phòng bệnh cho người, Việt Nam đã sản xuất được văcxin ngừa bại liệt uống từ những năm 1960, sau đó là các văcxin ngừa bệnh tả, lao, bạch hầu - ho gà - uốn ván (văcxin DPT), văcxin ngừa viêm gan B, viêm não Nhật Bản, gần đây nhất là văcxin ngừa rota virus, sởi - rubella và văcxin ngừa cúm mùa...

Nhưng các nhà nghiên cứu, sản xuất Việt Nam vẫn đang băn khoăn vì cách làm văcxin của Việt Nam theo phong cách của các thầy đi trước, mỗi một giai đoạn trong quá trình phát triển một văcxin kéo dài tới 1-2 năm. Và có những loại văcxin rất tốt, mất nhiều công sức như văcxin ngừa cúm A/H5N1 cho người, đến khi ra được sản phẩm thương mại lại mất tính "thời sự" vì dịch đã qua lâu, nhiều năm không ghi nhận bệnh nhân mới. Với văcxin ngừa virus corona chủng mới, lần này Việt Nam sẽ làm khác.

Ông Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc VABIOTECH, kể ngay từ những ngày đầu dịch COVID-19, ông và các chuyên gia về văcxin ở đây đã nghĩ đến việc tham gia phát triển văcxin này, và lần này họ sẽ nỗ lực để có sản phẩm thương mại. 

Có hai cơ sở quan trọng để ông Đạt và các cộng sự nghĩ đến điều này, đó là họ có chương trình hợp tác, nghiên cứu văcxin 2019-2021 với ĐH Bristol (Anh), từ trước khi xuất hiện vụ dịch về phát triển văcxin ngừa các bệnh mới, gọi là "văcxin ngừa bệnh X"; và một cơ sở nữa là khao khát của các nhà phát triển văcxin Việt Nam: Việt Nam làm được văcxin từ rất sớm, nhưng những năm gần đây dường như Ấn Độ và Trung Quốc đã nhanh chân hơn ở lĩnh vực này. Các nhà nghiên cứu văcxin trẻ phải thay đổi để bắt nhịp.

"Công nghệ sản xuất văcxin giờ đã thay đổi, trước đây chúng ta phải làm từng bước từ đầu: phân lập được virus/vi khuẩn, chuyển giống, đánh giá trên động vật, trên người ở quy mô phòng thí nghiệm, rồi đánh giá ở quy mô rộng hơn..., mỗi quy trình như thế phải mất từ 1-2 năm" - ông Đạt nói.

Ai cũng mong có văcxin một cách nhanh nhất, dù theo quy trình mới thì ít nhất cũng phải 18 tháng nữa mới có sản phẩm văcxin ngừa virus corona chủng mới thương mại. Trước đây, ông Đạt cho biết nhanh như văcxin ngừa bệnh Ebola cũng phải mất 3-5 năm. Giờ đây thời gian còn gấp rút hơn, các nhà phát triển "văcxin bệnh X" phải làm gì trong cuộc đua này?

"Ấn Độ và Trung Quốc đang đi rất nhanh. Ở Trung Quốc, các trường đại học lớn có các nhóm phát triển văcxin, nhà sản xuất mua lại bản quyền và sản xuất sản phẩm thương mại. Còn Ấn Độ nhận nhượng quyền các văcxin mới để bán sản phẩm thương mại" - ông Đạt nói.

Hơn nữa, công nghệ sản xuất văcxin giờ cũng đã khác, dựa trên công nghệ gen và công nghệ virus vector, trước đây phải phân lập được virus nhưng giờ giải được trình tự gen của virus đã bắt tay vào phát triển văcxin. Với các nhà phát triển "văcxin bệnh X" của Việt Nam, đã có hai nghiên cứu viên đang ở Bristol để chuẩn bị những công việc đầu tiên, tháng 4 này họ sẽ về nước. 

Trong cuộc đua này, nhóm nghiên cứu của Việt Nam đang tiến hành song song công việc tại Anh và Việt Nam với các kết quả được coi là khả quan: đã xong phần chuyển giống, đang đánh giá kháng nguyên ở phòng thí nghiệm và trên động vật, được coi là ở bước 2 và 3 trong phát triển văcxin.

Và một cơ sở quan trọng nữa, các nhà phát triển văcxin corona chủng mới ở Việt Nam đang nhận được sự đầu tư của một quỹ trong nước. Trước đây, nghiên cứu phát triển văcxin hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước, nay có sự tham gia của các quỹ đầu tư, công việc phát triển văcxin trở nên chuyên nghiệp hơn. 

Ông Đạt cũng cho biết đã kêu gọi đầu tư phát triển văcxin này từ các quỹ nước ngoài, nhưng "nếu chúng ta làm được văcxin corona chủng mới thương mại, việc kêu gọi đầu tư cho các văcxin khác sẽ dễ dàng hơn" - ông hi vọng.

Cuộc trường chinh tìm văcxin cứu người - Kỳ cuối: Đi tìm văcxin bệnh X cho người Việt - Ảnh 3.

Một kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH MTV Văcxin và sinh phẩm số 1 - Bộ Y tế - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nền tảng văcxin Việt Nam

Việc một nhà sản xuất kiêm phát triển văcxin Việt Nam tham gia cuộc đua lớn là sản xuất văcxin corona chủng mới, cùng nhiều nhóm phát triển văcxin và nhà sản xuất rất lớn trên thế giới có là điều hão huyền? Có thể nói chúng ta khá tự tin vì Việt Nam được coi là một trong hơn 40 quốc gia trên thế giới có nền công nghiệp sản xuất văcxin. Tháng 4-2015, Việt Nam đã trải qua cuộc đánh giá chặt chẽ của Tổ chức Y tế thế giới với hệ thống quản lý quốc gia về văcxin (NRA), tức là đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu văcxin.

PGS.TS Dương Thị Hồng - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - chia sẻ những năm 1959-1960, dịch bại liệt hoành hành ở các tỉnh phía Bắc làm 17.000 người mắc bệnh và 500 người tử vong. Mỗi năm hàng ngàn trẻ em bị di chứng dị tật suốt đời, tỉ lệ mắc lên tới 126/100.000 dân.

Nhờ văcxin Liên Xô hỗ trợ, năm 1961 tỉ lệ mắc đã giảm xuống 3,09/100.000 dân, nhưng để chủ động nguồn văcxin, bộ trưởng Bộ Y tế khi đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã yêu cầu phải sản xuất được văcxin phòng bại liệt. Năm 1962, văcxin sabin phòng bại liệt của Việt Nam ra đời, nhờ đó tỉ lệ mắc 3/100.000 dân đã duy trì suốt những năm 1960-1970 và giảm rõ rệt từ khi Việt Nam có Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 1985. Năm 2000, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt.

Từ văcxin sabin phòng bại liệt, văcxin "made in Việt Nam" đầu tiên, đến nay Việt Nam đã sản xuất được văcxin DPT ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván, văcxin viêm gan B, viêm não Nhật Bản, văcxin sởi đơn và sởi - rubella, văcxin ngừa cúm mùa, văcxin ngừa bệnh tiêu chảy do rota virus. Văcxin tả uống cũng là một văcxin được Việt Nam phát triển từ rất sớm. Năm 2000, Việt Nam đã chuyển giao miễn phí công nghệ sản xuất văcxin tả uống cho Viện Văcxin Hàn Quốc, sau này Ấn Độ lại nhận chuyển giao công nghệ này và Ấn Độ có bản quyền xuất khẩu văcxin tả uống đi khắp thế giới.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất văcxin, Việt Nam đã có hành trình 58 năm. Những người khai mở con đường này như GS Hoàng Thủy Nguyên - tác giả văcxin bại liệt, GS Đặng Đức Trạch và các cộng sự phát triển văcxin ngừa tả, lao, DPT, thế hệ sau này là GS Huỳnh Phương Liên, GS Nguyễn Thị Thu Vân, GS Lê Thị Luân với các văcxin viêm não Nhật Bản, viêm gan B, văcxin ngừa tiêu chảy do rota virus, ngừa cúm gia cầm H5N1 ở người...

Các thế hệ nghiên cứu, phát triển văcxin Việt đang tiếp tục chuyển giao, và giờ đây họ đang bắt nhịp để tiến kịp công nghệ sản xuất văcxin mới...

Sản xuất được 12/13 văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Trung bình mỗi năm Việt Nam tiêm trên 30 triệu mũi tiêm ngừa bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi. Việt Nam cũng đã thanh toán bệnh bại liệt (từ năm 2000), loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh (năm 2005), đang tiến tới loại trừ bệnh sởi, tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm giảm rất thấp, tất cả là nhờ tiêm chủng và các văcxin "made in Việt Nam".

Cuộc Cuộc 'trường chinh' tìm văcxin cứu người - Kỳ 5: Vì sao mất nhiều năm mới có văcxin?

TTO - Trong cuộc gặp các hãng dược lớn tại Nhà Trắng hôm 2-3, Tổng thống Donald Trump đã khuyến khích các nhà khoa học phát triển văcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhanh hơn.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên