12/03/2020 10:30 GMT+7

Cuộc 'trường chinh' tìm văcxin cứu người - Kỳ 5: Vì sao mất nhiều năm mới có văcxin?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trong cuộc gặp các hãng dược lớn tại Nhà Trắng hôm 2-3, Tổng thống Donald Trump đã khuyến khích các nhà khoa học phát triển văcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhanh hơn.

Cuộc trường chinh tìm văcxin cứu người - Kỳ 5: Vì sao mất nhiều năm mới có văcxin? - Ảnh 1.

Sản xuất văcxin phải có nguồn lực tài chính dồi dào - Ảnh: tư liệu

Lúc có văcxin, dịch đã hết

Các hãng dược đã giải thích không thể thúc ép y học, văcxin không thể sẵn sàng trong vài tháng, mà phải mất tối thiểu một năm rưỡi vì phải bảo đảm văcxin an toàn khi đưa ra thị trường. 

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), đưa ra mốc thời gian 12-18 tháng. Hồi đầu tháng 2-2020, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng ước tính thời gian tương tự.

Vì sao phải mất nhiều thời gian phát triển văcxin như vậy?

Virus corona có 7 chủng. Ngoài 4 chủng ít nghiêm trọng, 3 chủng nghiêm trọng gây chết người hàng loạt là

SARS-CoV gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng, MERS-CoV gây hội chứng hô hấp Trung Đông và virus corona chủng mới SARS-CoV-2 hiện nay.

Dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc từ tháng 11-2002 kéo dài đến tháng 7-2003 với 8.098 ca nhiễm và 774 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong toàn cầu gần 10%. Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) đã đưa văcxin bất hoạt ngừa SARS vào thử nghiệm trên người. 

Tại Mỹ, Viện Y tế quốc gia Mỹ đã thử nghiệm trên người văcxin VRC-SRSDNA015-00-VP. Đây là loại văcxin tái tổ hợp có chứa vật liệu di truyền ADN mã hóa cho protein S trên bề mặt virus SARS. Văcxin sẽ hướng dẫn cơ thể người sản sinh kháng thể tạo sức đề kháng hoặc khả năng miễn dịch đối với prorein S của virus SARS.

Đến năm 2012, dịch MERS bùng phát đầu tiên ở Saudi Arabia, sau đó lan ra các nước. Đến nay vẫn còn người nhiễm bệnh, chủ yếu ở Trung Đông. Theo số liệu của WHO, tính đến cuối tháng 1-2020 đã có 2.519 ca nhiễm được báo cáo, trong đó có 866 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong ước tính 34%. Phần lớn ca nhiễm xảy ra ở Saudi Arabia.

Với kinh nghiệm phát triển văcxin ngừa SARS, các nhà nghiên cứu Mỹ đã nghiên cứu nhiều loại văcxin ngừa MERS-CoV nhắm đến protein S của virus sống giảm độc lực. NIAID đã tài trợ thử nghiệm trên người hai phương pháp trị liệu dựa trên kháng thể ngăn chặn MERS-CoV lây nhiễm và xâm nhập tế bào.

Dù vậy, 18 năm từ khi dịch SARS bùng phát và 8 năm từ ca nhiễm MERS đầu tiên, đến nay thế giới vẫn chưa có sẵn văcxin ngừa SARS và MERS để sử dụng. Giáo sư Arnaud Fontanet ở Viện Pasteur Pháp ghi nhận: "Đã có không ít dự án nghiên cứu văcxin SARS nhưng khi dịch chấm dứt, mọi hồ sơ đều cho vào tủ".

Tiến sĩ Jason Schwartz ở Trường Y tế công cộng (Đại học Yale của Mỹ) nhận xét: "Thông thường mối quan tâm đến nghiên cứu và đầu tư vào dịch bệnh mới sẽ giảm nhanh chóng khi dịch bệnh thuyên giảm. Hậu quả là các chiến lược nghiên cứu đầy hứa hẹn, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản bị hoãn lại hoặc mất nguồn tài trợ, trong khi đúng ra cần thúc đẩy nghiên cứu văcxin để đáp ứng nhanh một khi dịch bệnh bùng phát trở lại".

Cuộc trường chinh tìm văcxin cứu người - Kỳ 5: Vì sao mất nhiều năm mới có văcxin? - Ảnh 2.

Ngày 3-3, Tổng thống Donald Trump thăm phòng thí nghiệm Viện Y tế quốc gia ở Bethesda và nghe báo cáo phát triển văcxin - Ảnh: AP

Giai đoạn nào cũng có thử thách

Dựa trên kinh nghiệm phát triển các loại văcxin ngừa SARS-CoV và MERS-CoV, nhiều người như Tổng thống Donald Trump hi vọng thời gian phát triển văcxin ngừa SARS-CoV-2 hiện nay sẽ ngắn lại. Dù vậy, sản xuất văcxin là quá trình lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn và giai đoạn nào cũng dài.

Đầu tiên, không có phòng thí nghiệm nào đủ khả năng và phương tiện để phát triển văcxin một mình. Quá trình phát triển văcxin trải qua nhiều chặng. Trong mỗi chặng đều có thách thức. 

Sau khi phân lập được virus corona chủng mới, Viện Peter Doherty về bệnh nhiễm và miễn dịch ở Melbourne (Úc) và một số cơ quan nghiên cứu khác tiếp tục nuôi cấy virus để phát triển số lượng lớn phục vụ nhu cầu nghiên cứu. 

Thách thức tiếp theo của họ là tìm mô hình sinh học tốt trên động vật phù hợp với virus để nghiên cứu đặc điểm và hành vi của virus với cơ thể người.

Tiếp theo, họ phải chứng minh ứng viên văcxin bảo đảm tính an toàn và có thể kích hoạt hệ miễn dịch cơ thể mà không gây hại. Sau đó, họ phải thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật. Có khả năng lớn virus chủng mới SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục đột biến. Do đó, điều quan trọng là phải biết được phiên bản mới nhất của virus để phát triển văcxin đạt hiệu quả cao nhất.

Ứng viên văcxin vượt qua giai đoạn tiền lâm sàng sẽ được nhiều cơ quan nghiên cứu khác đủ khả năng tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người qua ba giai đoạn. 

Cuối cùng, nếu chứng minh được tính an toàn và hiệu quả, văcxin phải vượt qua hàng rào thủ tục phê duyệt. Ngoài ra còn phải giải bài toán về hiệu quả chi phí sản xuất văcxin trước khi bán ra thị trường.

Hiện nay, tổ chức hợp tác công-tư Liên minh các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) đã hậu thuẫn cho các nhóm nghiên cứu ở Mỹ và Úc tham gia hai chặng đầu tiên, gồm xác định các đặc điểm của virus SARS-CoV-2 và thử nghiệm tiền lâm sàng để chuẩn bị thử nghiệm trên người.

Khoa học phụ thuộc vào tài chính

Sản xuất văcxin khẩn cấp là một rủi ro thương mại ngoài ý muốn. Các hãng dược không biết thị trường văcxin tương lai lớn đến đâu, không biết dịch bệnh có được dập tắt vào thời điểm văcxin đã sẵn sàng hay không (như trường hợp văcxin ngừa SARS) và cũng không biết ai sẽ mua văcxin.

Trước đây, thông thường chính phủ và các đối tác công-tư mua văcxin trong một số đợt dịch bùng phát, tuy nhiên mỗi trường hợp mỗi khác và không phải mọi kịch bản đều kết thúc tốt đẹp. Nhiều công ty lao vào phát triển văcxin Ebola trong đại dịch 2013-2016 ở Tây Phi. 

Rốt cuộc Công ty dược phẩm Merck của Mỹ giành quyền sản xuất văcxin Ebola với 175 triệu USD tài trợ từ Chính phủ Mỹ. Ông Ronald Klain, người điều phối của Chính phủ Mỹ trong dịch Ebola thời tổng thống Barack Obama, giải thích: "Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều người mất rất nhiều tiền khi cố gắng sản xuất văcxin Ebola".

Tuy con đường phát triển văcxin ngừa virus chủng mới SARS-CoV-2 đầy cam go và bấp bênh, nhưng văcxin vẫn có sức hút rất mạnh trong thị trường dược phẩm ước tính trị giá hơn 1.000 tỉ USD. 

Bằng chứng là trong thời gian này, giá cổ phiếu của các công ty Mỹ chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng văcxin ngừa COVID-19 trên người như Moderna Therapeutics, Inovio Enterprises, Novavax đã tăng vọt. 

Chuyên gia kinh tế y tế Nathalie Coutinet - nhà nghiên cứu tại Trung tâm kinh tế Đại học Paris-Nord (Pháp) - khẳng định người đầu tiên nộp bằng sáng chế văcxin và kiểm soát thị trường sẽ thắng đậm.

Giáo sư Yazdan Yazdanpanah - trưởng khoa bệnh nhiễm Bệnh viện Bichat, giám đốc Viện nghiên cứu bệnh nhiễm thuộc Viện Sức khỏe và nghiên cứu y học quốc gia Pháp (INSERM) - giải thích: "Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng sẽ có văcxin cho dịch COVID-19, tuy nhiên dịch bệnh hiện tại có thể là cơ hội để đạt được nhiều tiến bộ đáng kể về văcxin".

Hãng dược phẩm Sanofi của Pháp từng từ chối phát triển văcxin ngừa virus Zika. Năm 2017, Sanofi đàm phán tiến hành thử nghiệm lâm sàng văcxin Zika mà quân đội Mỹ đã phát triển và sản xuất văcxin nếu văcxin chứng minh an toàn và hiệu quả.

Sanofi muốn có giấy phép độc quyền, nhưng nhiều ý kiến chỉ trích nếu Sanofi độc quyền sẽ tính giá văcxin trên trời. Trong số người chỉ trích có thượng nghị sĩ Bernie Sanders hiện đang chạy đua được chọn làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ.

Cuối cùng, Sanofi và quân đội Mỹ không đạt được thỏa thuận. Sanofi bỏ cuộc.

Những ngày này, các chuyên gia nghiên cứu, phát triển văcxin ở Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) đang thực hiện một nhiệm vụ không đơn giản: cùng chạy đua phát triển văcxin ngừa virus corona chủng mới...

Kỳ tới: Đi tìm "văcxin bệnh X" cho người Việt

Cuộc Cuộc 'trường chinh' tìm văcxin cứu người - Kỳ 1: Chạy đua tìm văcxin COVID-19

TTO - Không chỉ dịch bệnh đang hoành hành do virus corona, từ lâu nhân loại đã cố gắng tìm văcxin phòng chống các bệnh nguy hiểm như HIV, ung thư, Ebola, MERS...

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên