Chiều 10-1, tại trụ sở Tạp chí Sông Hương (số 9 Phạm Hồng Thái, TP Huế) đã diễn ra triển lãm tranh trực họa di sản mang tên Vọng Huế của họa sĩ trẻ Lê Hữu Long (37 tuổi, trú TP Huế).
Đến với triển lãm, người xem được dẫn vào một cuộc dạo chơi tham quan các di tích thuộc hệ thống di sản cố đô Huế qua tranh acrylic.
Bắt đầu cuộc lãng du là hình ảnh 8 cổng thành cổ kính uy nghi dẫn lối vào bên trong Kinh thành Huế với những bức họa cửa Thượng Tứ, cửa Ngăn, cửa Nhà Đồ, cửa Quảng Đức…
Bên trong lòng di sản Huế, chàng họa sĩ trẻ bằng nét vẽ trực họa mạnh mẽ đưa người xem đến trước Ngọ Môn uy nghi, đài các.
Trước đền đài cung điện, bức tranh Vọng Huế với cảnh voi chầu ngựa phục trước hoàng cung chính là điểm nhấn của buổi triển lãm. Bức tranh 170cm x 170cm khiến người xem vọng tưởng về một triều đại từng uy nghiêm, xưa cũ.
Là một người ưa xê dịch, Lê Hữu Long cũng đem đến cho người xem những góc cạnh đầy màu sắc và tươi mới của những di sản tưởng chừng như xưa cũ. Không ít người đến với triển lãm đã trầm trồ với bộ tranh vẽ về cung An Định dưới góc nhìn thật lạ lẫm, thú vị.
Bức vẽ lăng Tự Đức dưới ánh trăng mang tên Vọng nguyệt cũng khiến người xem tỏ vẻ thích thú bởi góc nhìn đầy tự tình, thơ mộng.
Lê Hữu Long nói rằng anh là một người "rặt Huế" nên cũng mang đâu đó trong tâm hồn gam màu trầm mặc của thành xưa vách cũ.
Qua hội họa, Long muốn thể hiện sự trầm mặc đó nhưng bằng những gam màu nóng như vàng, đỏ và với góc nhìn thật mới, nét vẽ thật mạnh bằng cách dùng mũi bay hất màu xuống tấm toan để người xem ấn tượng thật lâu.
"Qua Vọng Huế, tôi muốn giới thiệu đến mọi người những di sản là tài sản quý báu của người Huế, của người Việt đang có. Từ đó mong hơn nữa sự chung tay của mọi người để góp phần bảo vệ, gìn giữ, phát huy những di sản trăm năm đó của cha ông để lại", họa sĩ Lê Hữu Long nói.
Ông Lê Vĩnh Thái, phó chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, nói rằng những tác phẩm của Lê Hữu Long tại triển lãm Vọng Huế đã khiến người xem "nhớ Huế ngay trong lòng Huế".
"Tranh của Lê Hữu Long đầy tính tự tình. Qua những góc nhìn trực họa đầy màu sắc ấy, chúng ta như đang thực sự dạo chơi qua miền di sản xứ Kinh kỳ đầy trầm mặc nhưng vẫn đâu đó đậm chất thơ", ông Thái nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận