30/01/2019 19:50 GMT+7

Cuộc hội ngộ của những tầm lòng chiều cuối năm

NGỌC HIỂN - QUANG KHẢI
NGỌC HIỂN - QUANG KHẢI

TTO - Lần đầu tiên, các công nhân thoát nước và con em của mình hội ngộ để cùng giao lưu, đón một cái tết sớm đượm tình như một sự tri ân của xã hội đối với những người có chức danh nghề nghiệp là "chui cống".

Tri ân những “người hùng thầm lặng” dưới lòng thành phố

Cuộc hội ngộ đặc biệt này diễn ra ở tòa soạn Báo Tuổi Trẻ vào chiều 25 tết mà ở đó ngập tràn niềm vui của những con người mà nghề nghiệp của họ là những cống hiến thầm lặng. 

Họ là những công nhân chui cống, hằng ngày gắn bó với lòng cống để hốt rác, nạo vét bùn đất...

Các em hãy luôn tự hào về ba mẹ mình đang làm một công việc rất đáng trân quý, đóng góp công sức rất nhiều giúp cho TP.HCM xanh, sạch, giảm ngập hơn. Mong các em luôn chăm ngoan, học giỏi để đỡ đần cho cha mẹ.

Ông Đỗ Văn Dũng – Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ

Cuộc hội ngộ của những tầm lòng chiều cuối năm - Ảnh 3.

Hai cha con anh Phạm Hồng Vinh và cháu Phạm Anh Kiệt bật cười giòn giã trong không khí tươi vui của chương trình "Tết cho con em công nhân ngành thoát nước" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tập đoàn SenGroup tổ chức chiều 30-1. - Ảnh: DUYÊN PHAN

Một cái tết ấm lòng

Vẫn còn mặc trên mình bộ đồng phục, các công nhân dắt tay những đứa con thơ đến chương trình trong niềm háo hức bởi đây là lần đầu tiên có một chương trình tết dành riêng cho những công nhân thoát nước. 

Trước khi chương trình diễn ra, chúng tôi đã tìm đến căn nhà của gia đình nam công nhân Phạm Hồng Vinh (38 tuổi) nằm ở cuối một con hẻm trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh). Bóng dáng của tết dường như vẫn chưa gõ cửa tổ ấm này khi hai vợ chồng vẫn chưa kịp sắm sửa mứt bánh bởi cuộc mưu sinh vẫn còn lắm bận rộn.

Cuộc hội ngộ của những tầm lòng chiều cuối năm - Ảnh 4.

Dù bận rộn với công việc cuối năm nhưng các nghệ sĩ gồm ca - nhạc sĩ Hoàng Luân, ca sĩ Thụy Vũ, ca sĩ nhí Quỳnh Lê và nghệ sĩ violin Quang Phúc vẫn dành thời gian đến biểu diễn miễn phí bởi đây là cuộc hội ngộ của những tấm lòng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hằng ngày, tay chân anh Vinh vẫn lấm lem bùn đất khi phải nạo vét, khơi thông cống rảnh của TP cho đến 28 tết mới được ngơi nghỉ. Do đó, hôm nay anh Vinh cùng con trai đến chương trình với tâm thế được ăn tết sớm… 

Gắn bó với nghề suốt 21 năm qua, ông Vũ Thanh Phong (44 tuổi) không giấu được niềm vui bởi đây là lần đầu tiên trong đời ông được tham dự một chương trình tết đặc biệt. Đặc biệt với ông ở chỗ là nghề nghiệp của mình được xã hội cảm thông và sẻ chia. 

"Hôm nay là vui như tết rồi. Tết trong lòng mình là khi xã hội cảm thông, chia sẻ với nỗi vất vả của anh em chui cống là vui, là ấm lòng lắm rồi" - ông Phong nói. 

Tương tự, nam công nhân Nguyễn Huy Bình (37 tuổi), cho biết dù cả đại gia đình có đến 7 người cùng gọi nhau là đồng nghiệp, gắn bó với nghề này đã hàng chục năm nhưng tết này vẫn thấy vui hơn bởi nhiều người hiểu hơn về nỗi những vất vả của nghề này.

Cuộc hội ngộ của những tầm lòng chiều cuối năm - Ảnh 5.

Công nhân Trần Văn Hanh, ngụ Bình Dương, xúc động khi xem phóng sự nói về nghề nghiệp của chính mình - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cảm thông với công nhân chui cống

Từ thực trạng TP.HCM ngập sau những trận mưa lớn, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng tập đoàn Tập đoàn SenGroup tổ chức diễn đàn "TP.HCM: Ngập tại trời hay ngập tại người?" và sau đó tổ chức tọa đàm để đề xuất các giải pháp chống ngập cho TP.HCM. 

Đồng thời, báo Tuổi Trẻ cũng thực hiện các phóng sự phản ánh chuyện đời, chuyện nghề của những người công nhân móc cống, tạo được hiệu ứng tích cực của xã hội. 

Tiếp nối chuỗi hoạt động đó, Báo Tuổi Trẻ tiếp tục phối hợp cùng Tập đoàn SenGroup tổ chức chương trình "Tết cho con em công nhân ngành thoát nước" để tôn vinh và tri ân những con người đã cống hiến thầm lặng cho thành phố. Đồng thời, 46 học sinh là con em của ngành thoát nước vượt khó học giỏi cũng nhận được các phần quà trị giá 3 triệu đồng/suất.

Cuộc hội ngộ của những tầm lòng chiều cuối năm - Ảnh 6.

Ông Đỗ Văn Dũng – Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ (bìa trái) và ông Hà Trọng Thiện – Tổng giám đốc Tập đoàn SenGroup (bìa phải) trao tặng các suất quà cho con em các gia đình công nhân thoát nước tại chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Trần Việt Trung - phó chủ tịch công đoàn Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM - cho biết cuộc hội ngộ này đã thể hiện sự cảm thông đối với những công nhân thoát nước, đồng thời tiếp thêm niềm tin, ý chí để con em công nhân cố gắng hơn nữa trong học tập.

Anh Hà Trọng Thiện – Tổng giám đốc Tập đoàn SenGroup – cho biết thông qua Báo Tuổi Trẻ, anh được xem những thước phim, hình ảnh về những công nhân thoát nước và thật sự xúc động trước những nổi vất vả mà công nhân ngành thoát nước đang làm, giúp giảm ngập cho TP.HCM. Do đó, những phần quà này như một chia sẻ để gia đình các công nhân có cái tết đầm ấm hơn. 

"Qua đây, chúng tôi và mỗi người dân TP cần nhìn lại, có sự đồng hành, chia sẻ để các công nhân thoát nước đỡ nhọc nhằn hơn. Đó là mọi người cần để rác đúng nơi quy định, một thay đổi này thôi không chỉ góp phần làm TP xanh, sạch hơn, ngập nước cũng giảm hơn" – ông Thiện nói.

Cuộc hội ngộ của những tầm lòng chiều cuối năm - Ảnh 7.

Đại diện Báo Tuổi Trẻ cảm ơn nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sau phần giao lưu, các công nhân và con em của mình đã cùng ngồi lại ăn bữa tiệc tất niên ấm cúng ngay tại Báo Tuổi Trẻ. Những câu chuyện về nghề, những niềm vui của các bậc cha mẹ khi con cái của mình được học sinh khá giỏi xen lẫn trong những tiếng cưới rôm rả. Dường như mọi sự mệt mỏi, vất vả của công việc mà các anh vừa mới làm ngay sáng nay thôi đã vơi đi phần nào trong bữa cơm đượm tình chiều cuối năm này...

Cuộc hội ngộ của những tầm lòng chiều cuối năm - Ảnh 8.

Các nghệ sĩ bốc thăm tặng quà cho gia đình các công nhân tại chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sợ cha mang bệnh tật vào người

Những học sinh vượt khó, học giỏi của các công nhân thoát nước nhận các phần quà tết - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nữ sinh Nguyễn Bảo Thy (con của công nhân Nguyễn Văn Lụm) kể rằng bản thân thấy thương công việc cực nhọc của cha mình. Dù chưa một lần thấy trực tiếp công việc của cha nhưng mỗi lần đi trên đường, thấy những công nhân móc cống lấm lem bùn đất giữa trưa nắng, Thy lại nghĩ về cha mình... Thế nhưng, điều làm cho nữ sinh này âu lo nhất đó chính là bệnh tật.

"Công việc của cha đã cực khổ, lại còn làm việc trong môi trường độc hại, hôi hám, em sợ cha mang bệnh, sợ lắm" - Thy tâm sự.

Còn với nữ sinh Lê Thị Xuân Thảo (con của công nhân Lê Đại Lan), những hôm bữa cơm trưa thiếu cha, thấy cha phải mang võng đi treo ngủ ngoài đường Thảo thấy thương cha da diết. Lắm lúc, thấy cha đi làm về người vẫn còn mùi hôi, áo quần lấm bẩn, đứa con gái này lại trộm nghĩ sao cha lại chọn cái nghề cực khổ như thế để mà gắn bó.

"Những lúc thấy cha cực khổ với nghề, em chỉ ước giá như cha làm một công việc khác an nhàn hơn, nhưng thấy xã hội ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì ai sẽ xuống cống, ai sẽ khơi thông cho những tuyến đường?" - Thảo nói.

NGỌC HIỂN - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên