06/07/2018 11:57 GMT+7

Thế giới rác trong lòng cống: Hiểm nguy rình rập

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Vịn tay vào chiếc thang sắt gỉ sét, công nhân Trần Hữu Nhân (42 tuổi) thả người xuống cống, dòng nước đen sì bắn lên tung tóe. Lớp bùn đen mềm nhũn, lún sâu đôi chân của những người thợ móc cống đến quá đầu gối.

Công nhân thoát nước Sài Gòn chuẩn bị cho một ngày làm việc: Không dép, không khẩu trang, quần áo vải... Nhìn trang bị và môi trường làm việc của họ thật đáng ái ngại - Video: NGỌC HIỂN

Ái ngại với những đôi chân trần

Dù giờ tan tầm, trên đường Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1, TP.HCM) còi xe inh ỏi nhưng bên dưới lòng đường im ắng, thi thoảng vọng lại tiếng í ới ra hiệu của những anh công nhân. 

Hai tay cầm chiếc xẻng cùn, ông Nhân khom lưng nặng nhọc múc từng xẻng bùn than đen sì. Có những lúc mặt nước gợn sóng lấp xấp chạm vào cằm trên khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi. 

"Ăn thua gì, có những lúc nước bắn lên ướt đẫm mặt, có lúc chìm cả người trong dòng nước này luôn, cực lắm", ông Nhân nói.

Công việc vất vả, ngâm mình trong môi trường độc hại năm này qua tháng nọ nhưng ông Nhân hiếm khi sử dụng bộ quần áo lội nước dù công ty có trang bị. Điểm hạn chế của những bộ đồ này là di chuyển trong bùn khó khăn, mực nước quá ngực thì những bộ đồ này phản tác dụng.

Nếu mang giày dép xuống cống thì đôi chân sẽ bị chôn cứng dưới lớp bùn sâu, nên vẫn cứ phải chân trần dù nguy hiểm. Ngay cả khẩu trang cũng vô dụng bởi không khí trong lòng cống bức bí khó thở và nước sẽ làm ướt khẩu trang ngay.

Thế giới rác trong lòng cống: Hiểm nguy rình rập - Ảnh 2.

Có những lúc nước bắn lên ướt đẫm mặt, có lúc chìm cả người trong dòng nước này luôn - Ảnh: NGỌC HIỂN

Cùng trầm mình với đôi chân trần, chúng tôi mới cảm nhận hết những nỗi cơ cực của nghề này. Mỗi bước chân tiến hoặc lùi đều phải rón rén, mò mẫm bởi dưới lớp da chân là vô vàn thứ có thể gây thương tổn, nhiễm trùng. 

Chưa kể chúng tôi còn có cảm giác như mỗi lỗ chân lông trên da thịt mình đều là một cánh cửa rộng mở để vô vàn loài vi khuẩn trong dòng nước đục ngầu kia sục vào cơ thể!

Chẳng có ai muốn làm cái nghề hôi hám, độc hại, tận đáy xã hội như thế này. Nhưng chừng nào rác còn đầy cống, thói quen tống rác xuống cống vô ý thức của người dân đô thị vẫn còn thì phải có người làm công việc tồi tệ nhọc nhằn này.

Công nhân thoát nước TP.HCM

Nỗi âu lo của nghề

Theo ông Nguyễn Phát Trí (49 tuổi), nỗi sợ đối với công nhân móc cống là kim tiêm, miểng chai, đinh vít gỉ sét... Đặc biệt, thứ tưởng chừng vô hại nhưng lại gây thương tích với công nhân là tăm tre, tăm dừa. Có những đoạn, dưới lòng cống như những bẫy chông tăm đâm thẳng vào lòng bàn chân. 

Theo ông Trí, việc tay chân của công nhân trầy xước là chuyện cơm bữa. Chuyện đi chích ngừa uốn ván cũng thường.

Tuy nhiên, nỗi ám ảnh với công nhân phải kể đến những đoạn cống gần các công trường xây dựng. Các loại hóa chất xử lý cọc nhồi thải ra cống, công nhân ngâm trong dòng nước này là mình mẩy ngứa ngáy, chảy máu, cứ làm vài phút là phải chạy lên bờ giội nước.

Hay ở các bệnh viện: dòng nước thải từ những bệnh viện lớn thường có mùi rất khó chịu, ngay cả công nhân lâu năm trong nghề cũng thở không nổi.

Thế giới rác trong lòng cống: Hiểm nguy rình rập - Ảnh 4.

Việc tay chân của công nhân trầy xước là chuyện cơm bữa. Chuyện đi chích ngừa uốn ván cũng thường - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trở về căn nhà nhỏ ở Q.Gò Vấp sau một ngày làm việc, ông Nguyễn Công Thưởng (54 tuổi) nằm dài trên chiếc ghế gỗ trước phòng khách. 

Ông Thưởng cho biết do môi trường trong hầm cống nhiều khí mêtan nên người lúc nào cũng cảm giác ê ẩm, mệt mỏi. Bà Hiệp (vợ ông Thưởng) cho biết suốt bao nhiêu năm chồng đi làm về đều nằm li bì như thế.

Ông kể 5-7 năm trước có trường hợp chết ngạt trong cống, cũng có trường hợp chết đuối khi đang làm việc. Tuy nhiên, điều lo sợ đối với công nhân là sức khỏe tuột dốc rất nhanh sau khi nghỉ hưu, bởi làm việc trong môi trường độc hại quá. 

"Nhiều người mới về hưu đã 'đi' luôn. Có người chưa về hưu đã đổ bệnh", ông Thưởng ngậm ngùi.

Thế giới rác trong lòng cống: Hiểm nguy rình rập - Ảnh 5.

Nhiều người mới về hưu đã "đi" luôn. Có người chưa về hưu đã đổ bệnh - Ảnh: NGỌC HIỂN

Thói xả rác vô tội vạ vô cảm

Dưới hầm cống hôi nồng tại Q.Gò Vấp lúc nửa đêm, ông Nguyễn Văn Mạnh (54 tuổi) vừa hì hục nạo vét đất cát vừa thở dài: "Chắc số phận sắp đặt để mình chọn nghề này rồi". 

Ban đầu ông dự tính làm vài năm rồi kiếm nghề khác sạch sẽ hơn, nhưng không ngờ gắn bó đến gần 30 năm. "Sợ nhất là những nơi cầu tiêu tống thẳng xuống cống như khu vực bến xe Chợ Lớn là thôi khỏi nói luôn, mà cũng chịu thôi chứ biết sao giờ", ông nói.

Chấp nhận cực, chấp nhận khổ để đổi lại miếng cơm manh áo nuôi sống gia đình là lựa chọn của phần lớn công nhân móc cống. Và đó cũng là lý do mà những người có thâm niên 20-30 năm trong nghề đều là cha truyền con nối. Thậm chí cả gia đình đều làm nghề móc cống như gia đình ông Hoàng Ngọc Toàn (49 tuổi) có 12 thành viên đều là... đồng nghiệp.

Thế giới rác trong lòng cống: Hiểm nguy rình rập - Ảnh 6.

Chấp nhận để đổi lại miếng cơm manh áo nuôi sống gia đình là lựa chọn của phần lớn công nhân móc cống - Ảnh: NGỌC HIỂN

Từ trước năm 1975 đến khoảng chục năm trở lại đây, nghề móc cống vẫn có phụ nữ làm việc như gia đình ông Lê Văn Có (53 tuổi), đây là nghề mẹ truyền con nối. Tuy nhiên, đối với con cái của họ bây giờ, việc kế nghiệp là điều hiếm hoi.

Giây phút nghỉ ngơi trên miệng cống, các công nhân tâm sự nhiều khi phụ huynh đi trên đường dọa con: "Nếu không chịu học thì lớn lên cho đi làm giống mấy chú này". Nghe vậy, ai cũng ngậm ngùi. 

"Thôi thì trước cũng vì mưu sinh, sau nữa vì làm sạch cho thành phố mà gắng làm đến đâu thì đến", ông Toàn nói.

Chẳng có ai muốn làm cái nghề hôi hám, độc hại, tận đáy xã hội như thế này. Nhưng như họ nói: "Chừng nào rác còn đầy cống, thói quen tống rác xuống cống vô ý thức của người dân đô thị vẫn còn thì phải có người làm công việc tồi tệ nhọc nhằn này".

Thế giới rác trong lòng cống: Hiểm nguy rình rập - Ảnh 7.

Gương mặt của những người đang hàng ngày mạo hiểm sức khỏe và tính mạng giữ cho hệ thống thoát nước của thành phố bớt tắc nghẽn - Ảnh: NGỌC HIỂN

Thế giới rác trong lòng cống: Hiểm nguy rình rập - Ảnh 8.

Gương mặt của những người đang hàng ngày mạo hiểm sức khỏe và tính mạng giữ cho hệ thống thoát nước của thành phố bớt tắc nghẽn - Ảnh: NGỌC HIỂN

Thế giới rác trong lòng cống: Hiểm nguy rình rập - Ảnh 9.

Gương mặt của những người đang hàng ngày mạo hiểm sức khỏe và tính mạng giữ cho hệ thống thoát nước của thành phố bớt tắc nghẽn - Ảnh: NGỌC HIỂN

TP.HCM: 350 công nhân móc cống, lương tháng 9 triệu

Ông Hoàng Hữu Định Quốc (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM) cho biết công ty có 350 công nhân chui cống, mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng. Công nhân đều có bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ và bồi dưỡng độc hại.

Làm việc trong môi trường độc hại nên công nhân hay mắc các bệnh ngoài da, bị phỏng, lột da khi chui ở khu vực nước thải lẫn hóa chất. Chưa nói các bệnh khác chưa phát tác như về hô hấp.

Theo ông Quốc, dù có trang bị thiết bị bảo hộ lao động nhưng công nhân vẫn chưa thực sự chú trọng đến sức khỏe bản thân. Mặt khác, các thiết bị này cũng không thực sự tối ưu. Do đó, công ty đang nghiên cứu đặt hàng những bộ đồ chống nước toàn thân từ nước ngoài.

Nói về rác dưới lòng cống, ông Quốc cho rằng ý thức người dân vẫn là điều tiên quyết, việc người dân xả rác bừa bãi khiến rác trôi xuống cống, làm giảm khả năng thoát nước, tắc cống.

Dù công ty đã trang bị những máy thổi, hút bùn nhưng thực tế sử dụng không hiệu quả vì đầu hút luôn bị rác gây tắc nghẽn, nên buộc lòng công nhân lại phải chui xuống cống làm việc.

Tận mắt nhìn thế giới rác trong lòng cống Sài Gòn Tận mắt nhìn thế giới rác trong lòng cống Sài Gòn

TTO - Cống là để thoát nước. Nhưng cống rãnh ở Sài Gòn không hẳn như vậy: Cống là cái túi rác khổng lồ và khủng khiếp. Những ngày theo công nhân chui xuống cống, mới thấu hiểu công việc nhọc nhằn của họ và thấy thói quen xả rác bừa bãi thật xấu xí.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên